Dịch bệnh Covid-19 đang làm gia tăng lao động trẻ em

Chia sẻ

Chương trình quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật (gọi là lao động trẻ em) giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đã được phát động nhằm thúc đẩy tiến độ của Việt Nam trong cuộc chiến chống lao động trẻ em.

Dịch bệnh Covid-19 làm gia tăng lao động trẻ em

Lao động trẻ em đang là vấn đề mang tính toàn cầu. Theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế ILO, năm 2020, toàn cầu có 160 triệu lao động trẻ em (LĐTE), trong đó có 79 triệu trẻ đang làm những công việc nguy hiểm. Trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số LĐTE trên toàn thế giới có thể sẽ tăng lên thêm 8,9 triệu (168,9 triệu) vào năm 2022.
Tại Việt Nam, vào tháng 4/2021, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ước tính từ 4,6 đến 10,3 triệu người lao động có thể bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ LĐTE.

Tại hội thảo triển khai Chương trình quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) phối hợp với các bộ, ngành, Tổ chức ILO và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức ngày 1/12 vừa qua, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, việc trẻ em phải lao động sớm đã và đang để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển hài hòa của trẻ em, cản trở việc tiếp cận và thụ hưởng nền giáo dục phù hợp, cản trở việc chuẩn bị một tương lai tốt hơn cho chính các em, làm mất các quyền của trẻ em và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội, nhất là chất lượng của nguồn nhân lực trong tương lai.

“Mặc dù công tác phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE luôn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm đầu tư, song vẫn còn tình trạng LĐTE trái quy định của pháp luật. Đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19, LĐTE có nguy cơ tăng trở lại.

LĐTE tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp, ở những nơi khó can thiệp, đặc biệt là khó khăn trong thanh tra, kiểm tra việc sử dụng LĐTE trong hộ gia đình, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, khu vực phi chính thức và có nguy cơ cao tham gia chuỗi cung ứng. LĐTE ảnh hưởng tiêu cực đến việc học tập, phát triển thể chất và tâm lý của trẻ em do tiếp xúc môi trường độc hại nguy hiểm. Hơn 48,6% LĐTE đã thôi học, không đi học, đặc biệt có gần 1,5% chưa bao giờ đi học, nhiều trẻ em bị thương tích trong quá trình lao động” - bà Hà lo ngại.

Việt Nam có gần 520.000 lao động trẻ em đang làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểmViệt Nam có gần 520.000 lao động trẻ em đang làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (Ảnh: Lưu Quang Phổ)

Tăng cường giảm thiểu lao động trẻ em

Chia sẻ về nỗ lực giảm thiểu LĐTE, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH thành phố Hà Nội cho biết, những năm qua công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em thành phố đã đạt được những kết quả đáng kể. Nhiều mô hình về bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã được triển khai thực hiện như: Mô hình Bảo vệ, chăm sóc trẻ em dựa vào cộng đồng, mô hình phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, mô hình ngăn ngừa trẻ em phải lao động trong điều kiện nặng nhọc độc hại...

“Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em của thành phố còn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như: Vấn đề quản lý dân cư nói chung trong đó có quản lý người di cư, trẻ em di cư, khoảng cách giàu nghèo của người dân đang ngày một rõ nét, ảnh hưởng tiêu cực của tệ nạn xã hội với trẻ em. Hà Nội cũng là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống, chính vì vậy, nguy cơ trẻ em tham gia lao động sớm là một vấn đề rất cần phải quan tâm” - ông Khánh nói.

Thượng tá Ngô Xuân Ý, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an cũng khẳng định, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị địa phương nắm chắc tình hình diễn biến tội phạm LĐTE, chỉ đạo áp dụng đồng bộ trong phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm, ứng dụng công nghệ, cơ sở dữ liệu về dân cư, số hoá điện tử đối với việc giám sát các lao động ở các cơ sở doanh nghiệp có sử dụng LĐTE; nâng cao hiệu quả của ngành điều tra trong tiếp nhận giải quyết tố giác, điều tra vụ việc liên quan đến LĐTE, nâng cao năng lực đối với trẻ em...

Để giảm thiểu vấn đề LĐTE ở nước ta, ngày 27/5, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 782/QĐ-TTg ban hành tại Chương trình quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình có ba mục tiêu cốt lõi: Ngăn ngừa và phát hiện các trường hợp LĐTE trái pháp luật và hỗ trợ và can thiệp cho trẻ em tham gia lao động trái pháp luật và trẻ em có nguy cơ; nâng cao nhận thức về phòng ngừa và giảm thiểu LĐTE; nâng cao năng lực về phòng ngừa và giảm thiểu LĐTE.

TÚ AN

Tin cùng chuyên mục

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

(PNTĐ) - Dịp nghỉ lễ Giải phóng miền Nam 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày, nhiều gia đình chọn đi du lịch bằng xe ôtô tự lái. Để chuyến đi được an toàn, có mấy lưu ý sau:
Sở Tư pháp Hà Nội hướng dẫn người dân đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp  trên VNeID

Sở Tư pháp Hà Nội hướng dẫn người dân đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID

(PNTĐ) - Hướng dẫn đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VneID) và Hướng dẫn tra cứu trạng thái hồ sơ và nhận kết quả cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID) do Sở Tư pháp Hà Nội biên soạn được đăng tải tại Trang thông tin điện tử của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố https://pbgdpl.hanoi.gov.vn/ và Cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp Hà Nội https://sotuphap.hanoi.gov.vn.
Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo

Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo

(PNTĐ) - Tối 22/4, Hội LHPN quận Đống Đa tổ chức “Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo”. Phó chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương; Phó Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy; Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Đống Đa Nguyễn Anh Cường đến dự.