Xây dựng nông thôn mới tại Thủ đô:

Đích đến là giá trị thụ hưởng của người dân

Chia sẻ

(PNTĐ) -Trong năm 2022, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các sở, ban, ngành Thành phố, các huyện, thị xã xây dựng và triển khai kế hoạch, giải pháp linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành xây dựng nông thôn mới tại Thủ đô. Đến nay, kết quả xây dựng nông thôn mới đã đạt nhiều thành tích đáng khích lệ và đích đến chính là giá trị thụ hưởng của người dân.

Đích đến là giá trị  thụ hưởng của người dân - ảnh 1
 Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến. Ảnh: PV

Báo Phụ nữ Thủ đô đã có cuộc trao đổi với Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII xung quanh vấn đề này.

Với mục tiêu xây dựng nông thôn mới thực chất, thiết thực, hiệu quả và bền vững hơn, song hành với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, xin đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết những điểm mới của Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025?

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến: Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” hướng tới 3 mục tiêu chính, đó là: Xây dựng nông thôn mới; cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân. Đi cùng với đó là những điểm mới nhằm phát huy những tiềm lực có sẵn, cũng như vận dụng những điều kiện bên ngoài, nhằm tạo bước phát triển mạnh mẽ cho “tam nông”. Trong đó, có nhiều điểm mới, nổi bật.

Hà Nội sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn liền với phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, hướng tới phát triển nông nghiệp thông minh. 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội - Nguyễn Thị Tuyến

Thứ nhất, về xây dựng nông thôn mới, tiếp tục thực hiện mục tiêu đã đề ra từ các giai đoạn trước nhưng ở một tầm mức mới - đó là xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển đô thị với quan điểm, mục tiêu tổng quát là: Xây dựng nông thôn mới cần thực hiện thực chất hơn, thiết thực hơn, hiệu quả và bền vững hơn gắn liền với quá trình đô thị hóa, có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc, nông thôn mới phồn vinh, văn minh và hiện đại... 

Thứ hai, cùng với xây dựng nông thôn mới, Chương trình số 04-CTr/TU cũng đặt vấn đề về phát triển nông nghiệp nhưng so với Chương trình số 02-CTr/TU của giai đoạn trước, chương trình lần này có nhiều điểm mới, đặc biệt là việc tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn. 

Hà Nội sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn liền với phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, hướng tới phát triển nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; xác định tái cơ cấu nông nghiệp là nền tảng then chốt, xây dựng nông thôn mới là căn bản, nông dân là chủ thể. Thành phố tập trung phát triển mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị; thực hiện tốt việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh, cây công trình phục vụ dịch vụ nông nghiệp, đô thị...

Ngoài ra, Hà Nội sẽ củng cố hoạt động và thành lập mới các hợp tác xã; phát triển kinh tế trang trại bền vững. Thành phố sẽ đẩy mạnh triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với phát triển các làng nghề, nghề truyền thống, nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ hỗ trợ công nghiệp và nông nghiệp, trong đó ưu tiên những loại hình dịch vụ mới mang lại hiệu quả cao; đồng thời đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, ngành nghề nông thôn gắn với du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm.

Thứ ba, đối với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, Chương trình số 04-CTr/TU đặt ra mục tiêu khuyến khích phát triển các mô hình xử lý nước thải, chất thải làng nghề, rác thải sinh hoạt tại nguồn, ứng dụng công nghệ tái sử dụng chất thải nông nghiệp, làng nghề phục vụ nền kinh tế tuần hoàn; phát triển các mô hình thôn, xóm sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh; bảo đảm an sinh xã hội đối với các gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo khu vực nông thôn. 

Với tinh thần quyết tâm đổi mới, sáng tạo, cùng với những mục tiêu cụ thể và nhóm giải pháp trọng tâm, xin đồng chí cho biết kết quả nổi bật của việc thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU trong năm 2022 và những hạn chế, khó khăn gì trong quá trình thực hiện Chương trình?

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến: Có thể thấy, xuyên suốt nội dung Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy từ mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu đến nhiệm vụ, giải pháp là tinh thần quyết tâm đổi mới sáng tạo nhằm tái cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội. Nhờ đó, kết quả công tác xây dựng nông thôn mới của Thành phố đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.
Tính đến nay, Thành phố đã có thêm 3 huyện (Phú Xuyên, Chương Mỹ, Mê Linh) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đưa tổng số có 15/18 huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thành phố cũng có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. 

Hà Nội sẽ củng cố hoạt động và thành lập mới các hợp tác xã; phát triển kinh tế trang trại bền vững. Thành phố sẽ đẩy mạnh triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với phát triển các làng nghề, nghề truyền thống, đồng thời đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, ngành nghề nông thôn gắn với du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội - Nguyễn Thị Tuyến

Về cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, Thành phố đã gieo cấy được 74,8 nghìn ha lúa vụ mùa, bằng 97,1% cùng kỳ năm 2021. Diện tích cây lâu năm tăng so với cùng kỳ, chủ yếu tăng diện tích cây ăn quả và cây lâu năm có giá trị kinh tế cao (đạt 23,5 nghìn ha, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2021).

Các Hợp tác xã nông nghiệp và trang trại, làng nghề có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất đã và đang ngày càng phát huy vai trò phát triển kinh tế xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. Thành lập mới 26 HTX (đạt 80% so với kế hoạch năm 2022), 16 HTX đã giải thể (đạt 90% so với kế hoạch năm 2022).

Đích đến là giá trị  thụ hưởng của người dân - ảnh 2
 Diện mạo nông thôn mới khang trang, trù phú ở xã Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng). Ảnh: Mai Nguyễn

Về thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay Thành phố có 1.649 sản phẩm OCOP, gồm 4 sản phẩm 5 sao, 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao; có 1.701 trang trại, trong đó có 3 trang trại tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp... Đáng chú ý, ngày 30/9/2022, Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP Thành phố đã tiến hành đánh giá (lần 1) với 41 sản phẩm của 3 quận huyện: Quốc Oai, Bắc Từ Liêm, Hoàn Kiếm và ngày 18/10/2022 đánh giá 37 sản phẩm của huyện Ba Vì. Kết quả có 78/78 sản phẩm được đánh giá từ 50 điểm trở lên. Có thêm 6 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP được thành lập trong quý III/2022.

Hạ tầng nông thôn, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được nâng cao, công tác bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội luôn được Thành phố và các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19 được triển khai đồng bộ, kịp thời và đem lại hiệu quả thiết thực. 

Tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trong 9 tháng đầu năm 2022 là 22.149 tỷ đồng, trong đó ngân sách Thành phố là 10.446,7 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 nhiều chỉ tiêu, tiêu chí mới, yêu cầu cao hơn so với giai đoạn trước, như: Mô hình thôn thông minh, đất cây xanh sử dụng công cộng tại điểm dân cư nông thôn, tỷ lệ lao động làm việc trong các ngành kinh tế chủ lực… Hệ thống hạ tầng kinh tế kỹ thuật khu vực nông thôn ở một số địa phương còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, quản lý đất đai, vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải khu vực nông thôn còn hạn chế. 

Trong khi đó, HĐND Thành phố chưa có Nghị quyết thực hiện Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Hướng dẫn thực hiện Thông tư số 53/2022/TT-BTC, ngày 12/8/2022 về việc Quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Việc chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp có nhiều tiến bộ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chưa nhiều, đặc biệt là chế biến sâu; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Số lượng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn ít nên việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn. 

Đặc biệt, đời sống nông dân còn nhiều khó khăn, phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp. Việc đào tạo nghề cho nông dân, đặc biệt là nghề phi nông nghiệp ở những nơi bị thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp còn chưa đáp ứng yêu cầu. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực nông thôn còn tiềm ẩn phức tạp; môi trường khu vực nông thôn chuyển biến chậm, đặc biệt là các làng nghề ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của nhân dân; vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy còn chậm chuyển biến. Việc quản lý, khai thác và tổ chức hoạt động của các thiết chế văn hóa còn hạn chế...

Vậy đồng chí có thể cho biết những nguyên nhân dẫn đến khó khăn trên và giải pháp trong thời gian tới để Chương trình số 04-CTr/TU đạt được hiệu quả cao?

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến: Nguyên nhân có thể nhận thấy là giá vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng cao, thị trường đầu ra không ổn định, lao động còn thiếu trình độ và chi phí cao... làm giảm hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất lớn, hiệu quả kinh tế không cao nên việc đầu tư sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Số lượng các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nhiều nhưng chủ yếu là quy mô nhỏ, khó kiểm soát. Chưa có chính sách đủ mạnh để thúc đẩy phát triển sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao; sản xuất chuyên canh tập trung. Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nhiều nơi đã xuống cấp, đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn. 
Về chủ quan năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành ở một số địa phương, đơn vị thiếu năng động, sáng tạo. Một số cán bộ, đảng viên còn thiếu trách nhiệm, ngại va chạm, đùn đẩy, né tránh. Công tác dự tính, dự báo còn yếu, chưa lường hết được diễn biến phức tạp, khó khăn, thách thức, nên xây dựng một số nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp chưa phù hợp. Một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới còn coi nhẹ, như: Tiêu chí về an ninh trật tự, hình thức tổ chức sản xuất, môi trường... chưa nhận thức hết những tác động của tiêu chí đối với việc phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân.

Từ đó, thực tiễn đặt ra yêu cầu Thành phố cần đề ra hệ thống giải pháp nhằm phát huy được những kết quả đạt được, cũng như khắc phục được những khó khăn, tồn tại. Vừa qua, Thành ủy Hà Nội đã đề nghị UBND Thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nghiên cứu, đề xuất, tham mưu ban hành kế hoạch của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TƯ. Trong đó, cần rà soát, lồng ghép các chỉ tiêu, mục tiêu của thành phố đã ban hành để thống nhất triển khai thực hiện.

Lãnh đạo Thành phố cũng đặc biệt yêu cầu, các đơn vị cần tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn về xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung đến bộ tiêu chí xã, huyện nông thôn mới của thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, hướng dẫn đánh giá chấm điểm xã, huyện nông thôn mới. Đối với 3 huyện phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, 25 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu chưa đạt, cơ bản đạt hoàn thành trong năm 2022.

Các địa phương, đơn vị tập trung giải ngân vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới đúng tiến độ; rà soát toàn bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 song hành với việc xây dựng dự toán năm 2023 theo quy định.

Riêng về nâng cao đời sống nông dân, Thành phố tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 của Chính phủ về ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”. Hỗ trợ người lao động có nhu cầu vay vốn từ nguồn vốn ngân sách ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội theo đối tượng người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, phấn đấu đến hết năm 2022, thu nhập của người dân nông thôn đạt 65 triệu đồng/người/năm.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến công đào tạo nghề theo Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững, đảm bảo người dân được  tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, giảm nghèo theo hướng đa chiều, hoàn thành kế hoạch giảm nghèo năm 2022.

Cùng với đó, Thành phố sẽ tăng cường các biện pháp quản lý tốt thị trường, giá cả; bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa; giám sát chặt chẽ biến động giá các mặt hàng thiết yếu, có biện pháp điều hành bình ổn giá phù hợp, đặc biệt trong những tháng cuối năm để đảm bảo người dân đón Tết Nguyên đán đầm ấm, tươi vui.

Tôi tin tưởng rằng, cùng với sự chỉ đạo sát sao của Thành phố, việc triển khai thực hiện quyết liệt của các cơ quan chức năng và sự đồng lòng của nhân dân Thủ đô, dựa trên tiền đề là những kết quả tích cực đạt được trong năm 2022, đây sẽ là nguồn lực vững chắc để Thành phố thực hiện thành công Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội giai đoạn 2021-2025, từ đó tạo bước chuyển mạnh mẽ cho “tam nông” phát triển nhanh, bền vững, để mỗi người dân đều được thụ hưởng những thành quả này.

Trân trọng cảm ơn đồng chí!

“Trang thông tin có sự phối hợp của Văn Phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội”


Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.