Diễn đàn “Nhịp cầu nhà nông” giúp nông dân làm ra sản phẩm an toàn, chất lượng

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 7/9, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp với UBND huyện Thường Tín tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu nhà nông, với sự tham gia của hơn 200 đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp, và các hộ nông dân, chủ trang trại, giám đốc hợp tác xã trên địa bàn huyện.

Triển khai có hiệu quả các mô hình khuyến nông

Diễn đàn “Nhịp cầu nhà nông” giúp nông dân làm ra sản phẩm an toàn, chất lượng - ảnh 1
Các chuyên gia, nhà quản lý giải đáp tại diễn đàn

Khẳng định rằng, những năm qua, huyện Thường Tín đã tích cực ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học mới vào sản xuất, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện đạt 963 tỷ đồng, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2022. Hiện nay, Thường Tín đang duy trì diện tích sản xuất hàng năm hơn 7.600 ha, rau màu các loại trên 2.100 ha, diện tích cây ăn quả tập trung 470 ha, nuôi trồng thủy sản 954,75 ha; tổng đàn vật nuôi là 1.076.000 con.

Đáng chú ý, huyện đã được thành phố quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh tập trung như: Vùng sản xuất lúa hàng hóa ở các xã: Thắng Lợi, Nghiêm Xuyên, Dũng Tiến, Tô Hiệu, Văn Tự, Nguyễn Trãi; vùng cây ăn quả ở xã Tự Nhiên, Chương Dương, Dũng Tiến; vùng hoa cây cảnh ở xã Vân Tảo, Hồng Vân; vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn tại các xã Hà Hồi, Thư Phú,Vân Tảo, Quất Động, Dũng Tiến, Tân Minh, Văn Phú, Liên Phương; vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư và vùng nuôi trồng thủy sản ở các xã Thư Phú, Lê Lợi, Thống Nhất, Nghiêm Xuyên, Dũng Tiến…

Đặc biệt, nhờ chú trọng công tác phối hợp với các sở, ngành xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm nông sản, chú trọng tập huấn kỹ thuật canh tác an toàn, theo quy trình VietGAP cho hộ sản xuất... nên những sản phẩm nông nghiệp của Thường Tín đã từng bước xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu. Giá trị thu nhập của nhiều vùng sản xuất được gia tăng rõ rệt từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/ha canh tác.

Giải đáp các câu hỏi liên quan đến nuôi trồng thủy sản, PGS.TS Kim Văn Vạn – Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, việc xử lý môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản là quan trọng hàng đầu. Do đó, nông dân phải có kế hoạch phòng bệnh ngay từ sớm, từ xa.

Cụ thể, phải thường xuyên theo dõi nguồn nước, khi thấy nước đục phải dùng ngay các chế phẩm sinh học để xử lý nguồn nước. Cùng với đó, khâu quản lý chăm sóc đàn cá phải thực hiện thường xuyên từ thức ăn đến các biểu hiện thời tiết. Ao nuôi cần kiểm soát 3 vấn đề lớn gồm: nước sạch, cân bằng độ PH và bảo đảm đủ oxi.

Đối với các vấn đề canh tác cây trồng hiện nay như sâu bệnh hại trên rau ăn lá, ruồi vàng gây hại cây ăn quả, hiện tượng rụng quả non… cũng được chuyên gia hướng dẫn cách xử lý chi tiết với từng loại bệnh. Đặc biệt là khuyến khích sử dụng chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học nhằm tăng hiệu quả đặc trị bệnh, giảm chi phí sản xuất.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Đoàn Đức Dân cho biết: Diễn đàn Nhịp cầu Nhà nông được đơn vị triển khai tại nhiều huyện, thị xã sản xuất nông nghiệp trọng điểm và thu hút được sự quan tâm của người dân. Diễn đàn không những giúp nông dân nắm bắt tiến bộ kỹ thuật, nâng cao trình độ canh tác mà còn là dịp để các hộ sản xuất, chủ trang trại học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giúp nhau làm giàu.

Thời gian qua, Trung tâm triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình khuyến nông thông qua việc xây dựng trình diễn các mô hình, chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho bà con nông dân. Các mô hình đã tăng năng suất 20 - 25%, cho hiệu quả kinh tế tăng 30 - 35%, hạn chế dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…

Giúp người nông dân tự tin làm giàu

Diễn đàn “Nhịp cầu nhà nông” giúp nông dân làm ra sản phẩm an toàn, chất lượng - ảnh 2
Hội Nông dân huyện Thường Tín thăm mô hình trồng cây ăn quả (ảnh Hội Nông dân TT).

Đến với "Nhịp cầu nhà nông", ông Nguyễn Bá Sáu ở xã Thư Phú, huyện Thường Tín chia sẻ dù đã gần 20 năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản nhưng nỗi lo với ao cá thương phẩm của gia đình bởi ảnh hưởng từ nguồn nước sông Nhuệ nên dẫu thường xuyên xử lý môi trường nước thì đàn cá vẫn luôn trong nguy cơ bị dịch bệnh.

Giải đáp cho ông Sáu, PGS.TS Kim Văn Vạn – Học viện Nông nghiệp Việt Nam khuyến nghị, nông dân phải túc trực theo dõi nguồn nước, khi thấy nước đục phải dùng ngay các chế phẩm sinh học để xử lý. Cùng với đó, khâu quản lý chăm sóc đàn cá phải thực hiện thường xuyên từ thức ăn đến các biểu hiện thời tiết. Ao nuôi cần kiểm soát 3 vấn đề lớn gồm: Nước sạch, cân bằng độ PH và bảo đảm đủ oxi.

Còn với hộ chị Nguyễn Thị Tài, ở xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín đang canh tác 7 sào cây ăn quả các loại như mít, ổi, táo, bưởi từ 3 - 10 năm tuổi. Vào mùa thu hoạch năm nay, dù phần lớn số cây mít của gia đình sai quả nhưng chất lượng lại có phần kém ngon, kém ngọt, quả nhỏ hơn.

TS Cao Văn Chí, Viện Nghiên cứu rau quả giải đáp, đó là do yếu tố giống và cách chăm sóc. Theo đó, đối với cây ăn quả nói chung khâu đầu tiên là phải chọn mua giống chuẩn ở cơ sở uy tín. Tiếp đến là thực hiện quy trình chăm sóc, bón phân cho phù hợp. TS Cao Văn Chí khuyên, với cây dài ngày như mít thì nông dân nên cung cấp dinh dưỡng ở tất cả các giai đoạn ra hoa, đậu quả, quả non, vào múi và trước thu hoạch 1,5 – 2 tháng để cây cho quả đạt chất lượng cao nhất, mẫu mã đẹp.

GS.TS Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội các ngành sinh học Việt Nam cũng giới thiệu đến nhà nông Thường Tín nhiều loại vật nuôi đặc sản cho giá trị kinh tế cao, phù hợp với đặc điểm của địa phương vùng chiêm trũng như: Ba ba, ốc nhồi, lươn không bùn...; khuyến nghị nên tập trung đầu tư nuôi và cung ứng giống thủy sản để giảm thiểu rủi ro do ảnh hưởng từ nguồn nước sông Nhuệ bị ô nhiễm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản khẳng định: Diễn đàn "Nhịp cầu nhà nông" là cơ hội để nông dân tiếp cận với các nhà khoa học, từ đó vỡ ra nhiều bài học áp dụng vào thực tế sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi cũng như giá trị sản phẩm nông nghiệp hàng hóa.

Diễn đàn “Nhịp cầu nhà nông” giúp nông dân làm ra sản phẩm an toàn, chất lượng - ảnh 3
Quang cảnh diễn đàn

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Đoàn Đức Dân, "Nhịp cầu nhà nông" là một trong những hoạt động trọng tâm của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội được tổ chức với mục đích trang bị kiến thức, giúp nông dân làm chủ khoa học kỹ thuật.

Diễn đàn được tổ chức luân phiên tại các huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố với sự tham gia của Ban cố vấn là các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về lĩnh vực chăn nuôi – thú y, thủy sản, trồng trọt – bảo vệ thực vật.

Trước yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, nông dân muốn tiêu thụ được sản phẩm thì nông sản làm ra phải đảm bảo an toàn. Do đó, việc tiếp thu và vận dụng tốt những thông tin hữu ích từ các chuyên gia sẽ giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, góp phần tăng thu nhập.

Nhịp cầu nhà nông không chỉ giải đáp cho nông dân về kỹ thuật sản xuất mà còn giúp họ hiểu rõ, nắm bắt chính sách của Nhà nước, thành phố về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Theo kế hoạch, năm 2023, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với UBND các huyện trên địa bàn Thành phố tổ chức 6 diễn đàn "Nhịp cầu nhà nông”.

“Trang thông tin có sự phối hợp của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội”

 

Tin cùng chuyên mục

Những mô hình đèn trung thu Sơn Tây hút khách checkin quanh Hồ Gươm

Những mô hình đèn trung thu Sơn Tây hút khách checkin quanh Hồ Gươm

(PNTĐ) - Ngay sau đêm hội “Trung thu thành cổ - Sơn Tây, xứ Đoài” năm 2023 do Thị ủy, UBND thị xã Sơn Tây tổ chức, sáng 30/9 các mô hình đèn Trung thu đoạt giải nhất, nhì, ba của đêm hội đã đưa đưa về khu vực phố đi bộ Hồ Gươm, quận Hoàn Kiếm để trưng bày, phục vụ nhân dân Thủ đô và khách tham quan.
Hơn 1.500 vận động viên tham gia giải chạy báo Hànộimới mở rộng lần thứ 48

Hơn 1.500 vận động viên tham gia giải chạy báo Hànộimới mở rộng lần thứ 48

(PNTĐ) - Sáng sớm ngày 30/9, tại khu vực đền Bà Kiệu và hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), Báo Hànộimới phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố Hà Nội đã long trọng tổ chức Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng, lần thứ 48- Vì hòa bình năm 2023. Tham dự giải chạy có hơn 1.500 vận động viên (VĐV) đến từ các quận, huyện, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội và 13 tỉnh/thành bạn, 52 đoàn VĐV đến từ các tổ chức quốc tế, là giải chạy có số lượng VĐV tham gia đông nhất từ trước đến nay.