“Độc - lạ” Chợ đá quý Lục Yên

Nhật Vy
Chia sẻ

(PNTĐ) - Vượt qua hàng thập kỷ thăng trầm, Chợ đá quý Lục Yên, tỉnh Yên Bái dần trở thành địa điểm “độc - lạ” tại Việt Nam khi những viên ruby có giá đắt hơn vàng được đem ra chợ bày bán theo kiểu hàng rau. Đây cũng là yếu tố thu hút khách du lịch từ khắp nơi đổ về…

Lịch sử vùng đá đỏ Lục Yên

Khoảng thời gian từ những năm 1988 - 1993, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái được nhiều người biết đến với sự xuất hiện của đá đỏ. Do giá trị của loại đá này được đánh giá đắt hơn vàng, nên đã thu hút hàng nghìn người từ khắp nơi đổ về, đào đất, lật đá đem theo mộng giàu sang…

“Độc - lạ” Chợ đá quý Lục Yên - ảnh 1
Khách du lịch thoải mái kiểm tra đá ruby tại Chợ đá quý Lục Yên.

Ở Lục Yên chủ yếu có 2 loại đá ruby có giá trị cao là màu đỏ tiết dê và màu xanh hero (giống màu của vỏ thuốc lá hero theo cách đặt tên của dân địa phương). Trong đó, loại đá màu đỏ phổ biến nhất.

Theo một số dân buôn tại Chợ đá quý Lục Yên, tiêu chí một viên đá đẹp phải là đỏ tiết dê hoặc xanh hero. Đá có sao, thân đá trong vắt, khi soi đèn pin hoặc đèn lazer không phát hiện các vết nứt, sẹo… Viên đá càng to thì càng có giá trị.

Dân buôn đá thường mua tận bãi, khi viên đá còn lem nhem bùn đất. Nếu kiểm tra đá kỹ lưỡng thì viên đá có thể đem về khoản tiền lớn cho người mua - bán.

Hiện không có mức định giá nào cho đá đỏ. Giá mỗi viên đá phụ thuộc vào cảm tính của người mua kẻ bán. Tin đồn về việc bán những viên đá ruby hàng tỷ đồng ở Lục Yên là không hiếm, song, hình dạng sản phẩm đó thế nào thì không ai biết.

Ông Lục Văn Thể, người dân thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên, nhớ lại: Hồi 1990, ông theo một nhóm gồm 20 người lên rừng đào đá. Nhóm của ông sẵn sàng xung đột với nhóm khác để dành địa bàn thuận lợi. Nhưng năm tháng trôi qua, hiếm khi nhóm của ông tìm được ruby mà chỉ có xỉ đá, đá màu…

“Chúng tôi như con nghiện, bám bờ, bám bãi mà cuối cùng cuộc sống vẫn cứ túng quẫn, vẫn cứ cơ hàn”, ông Thế nhớ lại.

Ở huyện Lục Yên hiện nay, nhiều người vẫn nhớ cái thời xóm núi tan hoang vì đá đỏ. “Hồi đó, lán nào lộ ra vừa trúng ruby là phu đá biết ngay. Họ rồng rắn đến đòi xem đá. Nếu có cơ hội thì cướp luôn”, anh Nông Văn Thu, người dân huyện Lục Yên cho biết.

Cuộc tranh giành đá đỏ lên đến đỉnh điểm vào khoảng năm 1990. Khi đó, các khu rừng trên địa bàn huyện Lục Yên ken đặc các bãi khai thác, người làm đá đỏ đông hơn làm ruộng, tiếng súng nổ đây đó trong rừng...

Ông Thu kể lại: Khi trúng được viên đá đỏ, nhóm của ông phải chia nhau bảo vệ. Đội có 20 người người thì 10 người trong rừng giữ địa bàn, 10 người còn lại cùng nhau ra khỏi rừng đi bán đá. Nếu không may cặp cướp thì mất trắng. Nếu hanh thông thì nhóm đem ra chợ huyện bán cho các thương lái đang đợi sẵn rồi đem tiền về chia nhau. Hồi đó, tiền chưa mất giá nên mỗi lần giao dịch, nhóm chia nhau mỗi người được 1 - 2 triệu đã thấy trong lòng mãn nguyện.

Nhưng cái thời rừng núi bị xới tung vì đá đỏ cũng kết thúc. Có nhiều nguyên nhân, trong đó quan trọng nhất là chính quyền địa phương đã ra tay triệt phá các băng nhóm khai thác đá trái phép.

“Độc - lạ” Chợ đá quý Lục Yên - ảnh 2
Dân bản địa kiểm tra đá quý bằng đèn pin.

Ông Nông Văn Trường, người dân xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên kể lại: Giai đoạn đó, nhiều người vào rừng đào đá chủ yếu vì lòng tham và tin đồn. Làm giàu từ đá đỏ không hề dễ dàng như nhiều người vẫn nghĩ. Chỉ thấy cánh dân buôn giàu ú ụ, còn dân phu đá thì nghèo vẫn hoàn nghèo.

Biến chợ đá quý thành “đặc sản văn hóa”

Di sản còn lại sau “cơn sốt” đá đỏ chính là Chợ đá quý Lục Yên hiện nay. Chợ trở thành “đặc sản văn hóa” không vùng nào có được.

Chợ đá quý Lục Yên nằm ngay cạnh hồ Yên Thế, hình thành cùng với phong trào khai thác đá đỏ. Thời kỳ hoàng kim, khu chợ lúc nào cũng nườm nượp khách từ khắp nơi đến. Mỗi ngày có hàng trăm lượt người ra vào khiến chốn thâm sơn trở nên ồn ào chẳng khác nào thành phố.

“Độc - lạ” Chợ đá quý Lục Yên - ảnh 3
Chợ đá quý Lục Yên dần trở nên nổi tiếng về tính “độc - lạ”.

Khi phong trào khai thác đá đỏ bị dẹp tan, chợ đá không còn náo nhiệt như xưa. Cổng chào vào chợ rong rêu cùng sương gió, phần lớn diện tích chợ trước đây được dành chỗ cho thương lái buôn hoa quả và thịt lợn. Chợ đá thu mình vào một góc.

Anh Nguyễn Văn Khởi, người dân xã Minh Xuân, huyện Lục Yên cho biết: Dù không có may mắn tìm được đá quý đắt tiền, nhưng mỗi tuần, anh đều đem xỉ đá (loại đá có màu xanh, đỏ…) ra chợ bán cho các gia đình làm tranh đá quý.

Dù phong trào đào đá ruby đã qua, nhưng cái nghề làm tranh đá quý hóa ra lại là “con gà đẻ trứng vàng”. Thành thử, Chợ đá quý bây giờ chuyển sang bán xỉ đá quý, tranh đá quý. Tranh bán đi cả nước, bán đi khắp thế giới. Còn đá đỏ vẫn được người dân buôn bán, nhưng nó dần mang tính biểu tượng thu hút du khách hơn.

Đến nay, khoảng 7 - 10 giờ sáng hàng ngày, người dân Lục Yên lại đem đá ra chợ bán. Sản phẩm chủ yếu là xỉ đá để làm tranh, còn đá quý thì được trưng bày để khách du lịch tham quan.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Phòng chống đuối nước cho các cơ sở nghỉ dưỡng tại hồ Đồng Đò

Phòng chống đuối nước cho các cơ sở nghỉ dưỡng tại hồ Đồng Đò

(PNTĐ) - Để đảm bảo cho người dân, du khách có kì nghỉ an toàn, Tổ công tác Đội Cảnh sát PCCC&CNCH trên sông và tổ địa bàn PCCC&CNCH Sóc Sơn - Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, CATP Hà Nội đã phối hợp tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các chủ nhà nghỉ, khách sạn và khách du lịch tại khu vực hồ Đồng Đò về các biện pháp phòng chống đuối nước, sơ cấp cứu ban đầu.
Tuyên truyền hướng dẫn các điều kiện an toàn PCCC đối với nhà ở nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ sản xuất, kinh doanh

Tuyên truyền hướng dẫn các điều kiện an toàn PCCC đối với nhà ở nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ sản xuất, kinh doanh

(PNTĐ) - Mới đây, tổ địa bàn PCCC&CNCH Chương Mỹ, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã phối hợp với UBND thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ tổ chức buổi tuyên truyền hướng dẫn giải pháp tăng cường điều kiện an toàn PCCC cho hơn 200 người, là đại diện các cơ sở có nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh.