Đối thoại trực tiếp - Giao lưu trực tuyến “Những điểm mới về bảo hiểm xã hội và an toàn vệ sinh lao động“
(PNTĐ) - Sáng 17/5, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn ngành Công thương Hà Nội tổ chức buổi Đối thoại trực tiếp - Giao lưu trực tuyến - Truyền thông chính sách năm 2025 với chủ đề: "Những điểm mới về bảo hiểm xã hội và an toàn vệ sinh lao động".
Dự buổi đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến có các đồng chí: Phạm Anh Minh, Chủ tịch Công đoàn ngành Công thương Hà Nội; Nguyễn Văn Bình, Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô; Đinh Tuấn Anh, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô cùng gần 300 cán bộ công đoàn, CNVCLĐ ngành Công thương Hà Nội.
Phát biểu tại buổi đối thoại, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh cho biết, bảo hiểm xã hội (BHXH) và an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) không chỉ là những chế độ hỗ trợ mà còn là nền tảng đảm bảo đời sống, sức khỏe, sự ổn định và phát triển bền vững của người lao động.

Những điểm sửa đổi và bổ sung trong chính sách BHXH hiện nay đang hướng đến mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia, nâng cao quyền lợi, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn để người lao động tiếp cận các chế độ. Đây là bước tiến nhằm giúp công nhân, người lao động yên tâm cống hiến, có sự bảo vệ dài lâu, nhất là trong các tình huống khó khăn như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động hay nghỉ hưu.
Về ATVSLĐ, lĩnh vực công thương có những đặc thù riêng, với nhiều công việc đòi hỏi sự cẩn trọng, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình an toàn để tránh rủi ro trong quá trình làm việc.
Các quy định mới về an toàn lao động tập trung vào việc nâng cao ý thức phòng ngừa tai nạn, cải thiện điều kiện làm việc và tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đảm bảo môi trường lao động an toàn, lành mạnh. Song, để các chính sách này thực sự đi vào thực tiễn, không chỉ cần sự tuân thủ từ phía các cơ quan quản lý và doanh nghiệp mà còn cần sự chủ động của người lao động trong việc bảo vệ chính mình.
Tại buổi đối thoại, các chuyên gia đã thông tin và giải đáp, trang bị những kiến thức hữu ích liên quan đến chế độ tiền lương, BHXH, ATVSLĐ cần thiết cho bản thân trong quá trình triển khai công việc, tham gia quan hệ lao động.trong đó chuyên gia Nguyễn Huy Khoa giải đáp về quyền lợi của lao động nữ thai sản khi tham gia BHXH.
Theo chuyên gia, Luật BHXH đã quy định rằng, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội và đủ điều kiện sẽ được hưởng chế độ thai sản. Thời gian nghỉ thai sản là 6 tháng; trong trường hợp sinh đôi thì từ con thứ hai trở đi, mỗi con được cộng thêm 1 tháng nghỉ.
Tuy nhiên, nếu sau khi nghỉ thai sản mà người lao động chưa đủ sức khỏe để đi làm trở lại, thì trong vòng 30 ngày đầu tiên kể từ khi đi làm lại, có thể được hưởng thêm chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe, với thời gian từ 5 đến 10 ngày tùy trường hợp.

Theo quy định của Luật BHXH, số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản sẽ do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở quyết định. Trường hợp đơn vị chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản được quy định như sau: Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên; tối đa 7 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật; tối đa 5 ngày đối với các trường hợp còn lại.
Về mức hưởng, theo quy định hiện hành, chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản được tính theo ngày, với mức hưởng mỗi ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
Tại buổi đối thoại, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Công thương Hà Nội Nguyễn Toàn Thắng cho biết, buổi đối thoại là hoạt động nhằm hưởng ứng Tháng Công nhân, Tháng An toàn vệ sinh lao động năm 2025, cung cấp nhiều thông tin hữu ích về bảo hiểm xã hội, an toàn lao động, pháp luật lao động… để người lao động ngành Công thương Hà Nội có thêm các kiến thức, bảo vệ mình trong quan hệ lao động. Thời gian tới, Công đoàn ngành Công thương Hà Nội sẽ tiếp tục đồng hành cùng người lao động tổ chức nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền pháp luật, kiến thức đến đông đảo CNVCLĐ.