Du lịch Hà Nội xuân Quý Mão 2023: Kỳ vọng bứt phá

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 cũng là mốc mùa cao điểm của du lịch sắp đến, ngành du lịch đang gấp gáp chuẩn bị các chương trình, tung ra các sản phẩm mới, độc đáo để thu hút du khách. Các nhà quản lý, các công ty, các điểm đến du lịch của Hà Nội đang rốt ráo triển khai các nhiệm vụ mới ngay trong mùa cao điểm du xuân, với nhiều kỳ vọng du lịch 2023 nhiều khởi sắc.

Du lịch Hà Nội xuân Quý Mão 2023: Kỳ vọng bứt phá - ảnh 1
Thưởng thức mâm cơm Tết của người Mường tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam
(ảnh Thúy Nga)

Lên dây cót cho mùa cao điểm

Chuẩn bị cho kỳ du xuân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 , chị Lương Thu Hường lên kế hoạch sẽ cho gia đình đi tham quan Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) để được thấy, được nghe, được thưởng chức các tiết mục văn nghệ, quang cảnh vùng quê đặc trưng xứ Đoài và các món ăn đậm đà. Nhiều năm nay, gia đình chị Hường vẫn thường đi khắp các điểm nội thành như Văn miếu Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, phố đi bộ Hồ Gươm, có năm thì đi du lịch nước ngoài. Năm nay chị Hường lựa chọn hai điểm đến ngoại thành mang nhiều ý nghĩa để các con được trải nghiệm thực tế và tăng vốn hiểu biết về các giá trị văn hóa, lịch sử.

Để chuẩn bị cho việc đón du khách đến dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhiều khu, điểm du lịch đã nâng cấp dịch vụ để đón khách. Tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đã lên chương trình cho cả tháng 1 “Hội xuân”, trong đó những ngày Tết Nguyên đán, tại “Ngôi nhà chung” có các hoạt động tái hiện cuộc sống hàng ngày, thao tác, trình diễn nghề thủ công truyền thống, giới thiệu ẩm thực, tham quan tuyến điểm, trò chơi dân gian, dân ca, dân vũ của dân tộc Tày, Dao, Nùng, Mông, Thái, Mường …

Đặc biệt là các hoạt động của đồng bào các dân tộc chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán và các hoạt động đón Tết của các cộng đồng dân tộc; Chương trình “Bát hội đầu xuân” tại quần thể chùa Khmer…

Hà Nội hiện có hơn 130 khu, điểm du lịch, trong đó có 28 khu, điểm đã được UBND thành phố công nhận là khu, điểm du lịch. Trong không khí hân hoan chào đón năm mới, các điểm du lịch như làng nghề gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, sinh vật cảnh Hồng Vân… cũng đang hối hả trang hoàng lại không gian cửa hàng, đường làng ngõ xóm, để đón du khách đến xông đất đầu năm Quý Mão.

Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng cho biết: Để chuẩn bị cho mùa cao điểm đón khách, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hồng Vân đang hoàn tất các công đoạn cuối từ lên kế hoạch đến trang hoàng không gian, chăm sóc cây, hoa… và 20h ngày 24 tháng Chạp (15/1/2023) sẽ khai hội Hoa xuân và khai trương năm du lịch 2023. Dự kiến trong đợt du xuân Quý Mão, xã Hồng Vân sẽ đón khoảng 1,5 vạn lượt khách, thu từ dịch vụ và bán hàng khoảng trên 5 tỷ đồng. Hiện các hộ Làng nghề sinh vật cảnh xã Hồng Vân đang chuẩn bị nhiều mô hình hợp tác xã hoa tươi, giới thiệu sản phẩm OCOP. Du khách đến được tham quan mô hình trồng trọt, thu hái nông sản, khu sản xuất, chế biến, đóng gói các loại trà thảo dược…

Ông Nguyễn Hải Đăng cũng cho hay, năm 2022 Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hồng Vân đã tăng cường đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đầu tư kết cấu hạ tầng sáng - xanh - sạch - đẹp; xây dựng người Hồng Vân văn minh, thanh lịch, mến khách và đã được Hội đồng OCOP của thành phố, huyện chấm điểm đạt tiêu chuẩn. Điểm du lịch của xã đã đón 6,5 vạn lượt khách, đem lại doanh thu trên 60 tỷ đồng, phát sinh được thêm nhiều ngành nghề, dịch vụ mới, là nơi trưng bày, tiêu thụ được nhiều sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề.

Du lịch Hà Nội xuân Quý Mão 2023: Kỳ vọng bứt phá - ảnh 2
Du khách quốc tế đến tham quan làng gốm Bát Tràng

Nhiều điểm đến hấp dẫn du khách

Hà Nội phát triển nhiều loại hình du lịch đặc trưng mang bản sắc riêng của Thủ đô, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các điểm đến, doanh nghiệp du lịch đã xây dựng một số tour mới theo hướng khai thác giá trị văn hóa như: Khu di sản Hoàng thành Thăng Long ra mắt tour đêm phục vụ khách nước ngoài với tên gọi “Đêm hoàng cung Thăng Long - Một cảm nhận độc đáo” với nhiều đổi mới phù hợp với khách quốc tế. Công ty Du lịch bền vững Vietnam S.T.I.D phối hợp với Bảo tàng Văn học Việt Nam tổ chức tour du lịch văn học “Chữ Tâm, chữ Tài”, du khách được tìm hiểu chữ Hán, Nôm, không gian văn học của đại thi hào Nguyễn Du, Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Ngoài những điểm di tích, di sản nổi tiếng, vào dịp Tết Quý Mão 2023, người dân và du khách có thể đến các điểm di tích trong khu phố cổ Hà Nội, có thể lựa chọn sản phẩm du lịch “Hanoi City tour” bằng xe buýt 2 tầng, khám phá phố cổ bằng xe điện, tự tổ chức các tour đi bộ khám phá phố cổ kết hợp ẩm thực. Các phố đi bộ của Hà Nội là địa điểm lý tưởng như: Phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; phố đi bộ khu vực phố cổ (quận Hoàn Kiếm); phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ), phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây), phố đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã (quận Ba Đình), phố đi bộ hồ Thiền Quang…

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, thời điểm này các điểm du lịch khu vực ngoại thành đang tích cực chuẩn bị đón người dân và du khách sử dụng dịch vụ nghỉ dưỡng 2 ngày 1 đêm, hoặc đi về trong ngày.

Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, những người thích các hoạt động thể thao ngoài trời, có thể sử dụng hình thức cắm trại, trekking tại núi Hàm Lợn (huyện Sóc Sơn), leo núi tại Vườn quốc gia Ba Vì, núi Tràm (huyện Chương Mỹ)… Trong thời gian 2 ngày 1 đêm có thể tham quan Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), Vườn quốc gia Ba Vì, chùa Hương (huyện Mỹ Đức), nghỉ dưỡng tại khu du lịch Medi Thiên Sơn, Ao Vua (huyện Ba Vì), xem xiếc thú tại Thiên đường Bảo Sơn (huyện Hoài Đức), xem biểu diễn cá heo trong khu vui chơi Tuần Châu (huyện Quốc Oai)…

Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Quản lý tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây Nguyễn Đăng Thạo cho biết, hưởng ứng các hoạt động chào đón xuân Quý Mão và các sự kiện, các ngày lễ lớn của đất nước, nhằm quảng bá và xây dựng thương hiệu cho điểm du lịch Làng cổ Đường Lâm, UBND Thị xã Sơn Tây đã xây dựng kế hoạch tổ chức chương trình xúc tiến quảng bá du lịch với chủ đề “Tết làng Việt” chào xuân Quý Mão 2023 tại Làng cổ Đường Lâm. Theo đó, từ ngày 14/1-15/1 (tức 23 và 24 tháng Chạp) tại sân Đình Mông Phụ, Làng cổ Đường Lâm sẽ diễn ra Chương trình “Tết làng Việt” chào xuân Quý Mão 2023.

Năm 2023 du lịch Hà Nội sẽ tăng trưởng về quy mô và chất lượng dịch vụ

Du lịch Hà Nội xuân Quý Mão 2023: Kỳ vọng bứt phá - ảnh 3
Du khách quốc tế trải nghiệm gói bánh chưng Tết ở xã Đường Lâm, Sơn Tây 

Năm 2022, trong tổng số 18,7 triệu lượt khách đến Hà Nội (tăng gấp 1,87 lần so với kế hoạch và 4,7 lần so với năm 2021, bằng 64,7% lượng khách năm 2019) thì có đến 17,2 triệu lượt khách nội địa, bằng 78,5% lượng khách du lịch nội địa năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 60.000 tỷ đồng, tăng gấp 1,68 lần so với kế hoạch và bằng 57,8% tổng thu từ khách du lịch năm 2019. 

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, năm 2023, ngành Du lịch Thủ đô tạo bước tăng trưởng toàn diện cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, số lượng và chất lượng khách du lịch đảm bảo tính bền vững. Thành phố phấn đấu đón khoảng 22 triệu lượt khách du lịch, tăng 17,6% so với năm 2022; trong đó sẽ đón 3 triệu lượt khách quốc tế và 19 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 77.000 tỷ đồng, tăng 28,2% so với năm 2022.

Để đạt mục tiêu đó, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho rằng, trong năm 2023, ngành Du lịch Thủ đô sẽ tập trung triển khai kế hoạch nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích, làng nghề tại các quận, huyện, thị xã; chú trọng nâng cấp, phát triển sản phẩm du lịch; tập trung phát triển 5 tuyến du lịch, đó là: Tuyến trung tâm gồm các quận Hoàn Kiếm - Ba Đình - Đống Đa - Hồ Tây; tuyến Hà Đông - Mỹ Đức kết hợp với Tam Chúc (Hà Nam) - Tràng An (Ninh Bình) để đẩy xây dựng sản phẩm du lịch mới là Con đường hành hương kết hợp làng lụa Vạn Phúc Hà Đông và vùng phụ cận; tuyến Sơn Tây - Ba Vì - Quốc Oai với tuyến phố đi bộ quanh Thành cổ Sơn Tây; tuyến Đông Anh - Mê Linh với sản phẩm du lịch về làng hoa; tuyến Sóc Sơn với các sản phẩm du lịch trải nghiệm, có hồ Đồng Quan…

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu, trong thời gian tới Sở Du lịch Hà Nội rà soát quy hoạch du lịch, đầu tư phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật du lịch chuyên nghiệp, đồng bộ. Nâng cao chất lượng điểm đến, phát triển sản phẩm du lịch mới theo hướng gắn với thế mạnh của từng địa phương như: du lịch chăm sóc sức khỏe, thể thao mạo hiểm, nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch đêm, du lịch trải nghiệm trên nền tảng khai thác các giá trị truyền thống.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh các điểm đến, sản phẩm du lịch mới của Thủ đô trên các kênh truyền thông, trong nước và quốc tế. Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh kinh doanh dịch vụ du lịch. Sở Du lịch Hà Nội cần hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch xây dựng sản phẩm mới, chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh và quản lý du lịch nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của thành phố, hướng tới mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Phòng chống nạn tảo hôn: Đẩy mạnh truyền thông từ chính “người trong cuộc”

Phòng chống nạn tảo hôn: Đẩy mạnh truyền thông từ chính “người trong cuộc”

(PNTĐ) - Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) là huyện có đông đồng bào dân tộc cùng sinh sống. Trong những năm qua, dù vẫn còn tình trạng tảo hôn nhưng tỷ lệ đã giảm rất nhiều so với trước đây. Có được kết quả, tín hiệu đáng mừng ấy là nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, người dân; đặc biệt là sự góp sức, tham gia truyền thông, vận động từ chính người trong cuộc – những “nạn nhân” của việc tảo hôn.
Những người trẻ truyền lửa khát vọng cống hiến

Những người trẻ truyền lửa khát vọng cống hiến

(PNTĐ) - Không chỉ là những người trẻ tài năng, xuất sắc trong các lĩnh vực, họ còn là những hạt nhân tiên phong hành động, truyền lửa khát vọng cống hiến, phụng sự đất nước, cộng đồng. Họ là những gương mặt tiêu biểu được đề cử giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023.