Du lịch Thủ đô hút khách quốc tế ngay từ đầu năm

Bài và ảnh: VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thời tiết thuận lợi cho hoạt động du xuân và nhiều đổi mới trong hoạt động du lịch đã khiến Thủ đô Hà Nội thu hút lượng khách quốc tế kỷ lục ngay từ những ngày đầu năm mới Giáp Thìn. Sở Du lịch Hà Nội nhận định, năm 2024, du lịch Thủ đô sẽ có bước khởi sắc khi nhiều sản phẩm du lịch được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng.

Du lịch Thủ đô hút khách quốc tế ngay từ đầu năm - ảnh 1
Khách quốc tế tham quan Hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: int

Những tín hiệu vui 

“Xông đất” Thủ đô và làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây ngày mùng 1, năm Giáp Thìn 2024 là đoàn 36 khách quốc tế đến từ Đan Mạch và Na Uy. Du khách đã được người dân và Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm chào đón nồng nhiệt, tặng những món quà Tết và sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Du khách đến làng cổ Đường Lâm được tham quan, tìm hiểu các di tích nổi tiếng như đình Mông Phụ, chùa Mía, nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh… tham gia các công đoạn làm bánh chè lam rồi cùng thưởng thức hương vị độc đáo. Họ được tìm hiểu các phong tục tập quán ngày Tết của người Việt như: Tục uống trà, ăn trầu, chúc Tết, mừng tuổi, múa lân… 

Du khách Sanne Skoby, người Đan Mạch bày tỏ xúc động khi đến làng cổ Đường Lâm đã nhận được sự đón tiếp nồng hậu, trọng thị của người dân và Ban quản lý di tích. Du khách được tìm hiểu và chứng kiến các phong tục cổ truyền ngày Tết của người Việt bày tỏ sự ngạc nhiên và thú vị.

Ông Nguyễn Đăng Thạo, Trưởng Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm cho rằng, vào đúng ngày mùng 1 Tết, người dân Sơn Tây được đón các vị khách quốc tế là báo hiệu năm mới nhiều bội thu. Từ đó, tiếp tục lan tỏa những giá trị tốt đẹp của làng cổ Đường Lâm, đóng góp vào sự phát triển chung của du lịch Thủ đô trong năm mới. Từ đầu năm đến nay, làng cổ Đường Lâm đã đón hơn 600 khách quốc tế, trong đó có đoàn khách đến từ Nhật Bản với 44 người. 

Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn đón 80.600 lượt khách; Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón hơn 106.000 lượt khách; Khu di tích Hoàng thành Thăng Long đón hơn 48.700 lượt khách; Điểm di tích Nhà tù Hỏa Lò đón 13.000 lượt khách; Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đón 3.000 lượt khách.
Ở khu vực ngoại thành, Khu di tích Cổ Loa đón 25.000 lượt khách; làng cổ Đường Lâm đón khoảng 15.000 lượt khách; Khu di tích Thành cổ Sơn Tây và phố đi bộ đón khoảng 25.000 lượt khách; chùa Tây Phương đón trên 32.000 lượt khách; đền Hai Bà Trưng đón 16.000 lượt khách; Vườn Quốc gia Ba Vì đón 10.391 lượt khách; điểm du lịch Hạ Mỗ (Đan Phượng) đón 8.026 lượt khách…
 

Để tiếp tục phát huy đà tăng trưởng, thời gian tới thị xã Sơn Tây nói chung, Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm sẽ triển khai nhiều giải pháp như tiếp tục làm việc với các đơn vị doanh nghiệp để đưa khách châu Âu, khách Nhật Bản về làng cổ Đường Lâm. 

“Chúng tôi sẽ phát triển các sản phẩm du lịch mới như du lịch chăm sóc sức khỏe (trồng cây thuốc nam, chế biến các thảo dược, trà thảo mộc, xoa bóp...). Đồng thời, phát triển các tour du lịch với điểm nhấn là những nương chè, phát triển thêm các không gian sáng tạo, khôi phục các nghề truyền thống như nhuộm củ nâu, đan gắn với trải nghiệm, nấu ăn về ẩm thực, phát triển loại hình photo tour...” - ông Nguyễn Đăng Thạo nhấn mạnh.

Bước sang năm 2024, du lịch Việt Nam nhanh chóng đón nhận tin vui vì lượng khách quốc tế tăng cao. Ngay trong tháng 1/2024, đã có 1,5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 73,6% so với cùng kỳ năm trước. Lượng du khách quốc tế đến Hà Nội đạt hơn 560.000 lượt, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ. Chỉ tính trong kỳ 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, lượng khách quốc tế đến các khu, điểm du lịch tăng cao. Hà Nội đã đón gần 103.000 lượt khách, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Bức tranh du lịch Việt Nam và Hà Nội trong kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn đều mang màu sắc tươi mới, thể hiện ở doanh thu từ hoạt động du lịch tăng mạnh. Các tỉnh, thành phố là trung tâm du lịch lớn đều có tổng doanh thu cao, như: TP Hồ Chí Minh được 6.550 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023; Hà Nội tổng thu được 2.350 tỷ đồng, tăng 35,1%; Ninh Bình ước đạt khoảng 1.580 tỷ đồng; Quảng Nam ước đạt khoảng 1.580 tỷ đồng...

Nhiều khách quốc tế đã lựa chọn Việt Nam, Hà Nội là điểm đến để trải nghiệm, khám phá văn hóa truyền thống Việt Nam. Hiện nay, khách quốc tế chủ yếu đến từ các thị trường: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Australia, châu Âu, Thái Lan, Ấn Độ...
Tự tin đạt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế năm 2024
Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu trong năm 2024 đón 18 triệu lượt khách quốc tế và 110 triệu lượt khách nội địa. 
Nhận định về mục tiêu trên, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho rằng, số lượng khách quốc tế đến nước ta tiếp tục tăng so với dịp Tết Dương lịch 2024 nhờ hiệu ứng từ chính sách thị thực thuận lợi, định hướng đúng trong cơ cấu lại thị trường khách du lịch, sự nỗ lực của các doanh nghiệp, địa phương và hoạt động xúc tiến, quảng bá được triển khai rộng khắp.

Du lịch Thủ đô hút khách quốc tế ngay từ đầu năm - ảnh 2
Du khách quốc tế đến làng cổ Đường Lâm “xông đất” trong ngày mùng 1 Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị chuẩn bị các kế hoạch thu hút khách quốc tế trong năm nay để hoàn thành mục tiêu đề ra. Trong năm 2024, ngành Du lịch sẽ tăng cường quảng bá, xúc tiến tại các hội chợ du lịch quốc tế như: Hội chợ ITB tại Berlin (Đức), Hội chợ du lịch quốc tế tại Hàn Quốc, Hội chợ ASEAN - Trung Quốc, Hội chợ du lịch quốc tế Trung Quốc (CITM), Hội chợ Du lịch thế giới (WTM)...

Đối với Hà Nội, theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, khách quốc tế vui đón Tết tại Thủ đô tăng cao là cơ sở để Hà Nội tự tin có thể đón được lượng khách quốc tế khả quan trong năm 2024. 

Có được kết quả đáng mừng ngay từ đầu năm như vậy phải kể đến sự nỗ lực của thành phố Hà Nội trong việc tổ chức nhiều hoạt động văn hóa truyền thống, đưa văn hóa trở thành tài nguyên và động lực để phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế du lịch. TP Hà Nội tổ chức nhiều chương trình, hoạt động sôi động, hấp dẫn, thu hút du khách đến Thủ đô tham quan, trải nghiệm dịp Tết như: Triển lãm tranh “Vẽ con rồng” tại di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám; chương trình “Tết phố năm 2024” tại không gian phố bích họa Phùng Hưng; “Chợ phiên - Chào năm mới 2024”, “Xuân về bản em”… 

Điểm nhấn hấp dẫn thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân và du khách là vào đúng đêm 30 Tết, tại khu vực hồ Tây (phố Nguyễn Đình Thi - Trích Sài), UBND quận Tây Hồ chủ trì, phối hợp với các đơn vị tổ chức Chương trình Lễ hội ánh sáng nghệ thuật Hà Nội “Rực rỡ Thăng Long” với màn trình diễn ánh sáng nghệ thuật bằng 2024 thiết bị bay không người lái với chủ đề “Một ngày kinh đô - Ngàn năm lịch sử”… 

Năm 2024, thành phố Hà Nội phấn đấu đón khoảng 27 triệu lượt khách, tăng 9,2% so với năm 2023. Trong đó, có 5,5 triệu lượt khách quốc tế (3,8 triệu lượt khách quốc tế có lưu trú), tăng 16,4% so với năm 2023 và 21,5 triệu lượt khách nội địa, tăng 7,5% so với năm 2023. Hà Nội đặt mục tiêu phát triển bền vững, hiệu quả, là “cửa ngõ” đón và phân phối khách du lịch ở phía Bắc và cả nước; là điểm đến du lịch “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”.  

Về mục tiêu gia tăng lượng khách quốc tế, Hà Nội sẽ tập trung vào những thị trường trọng điểm như: Đông Bắc Á, châu Âu, Mỹ và từng bước khai thác hiệu quả các thị trường mới, tiềm năng như: Ấn Độ, các quốc gia Halal (theo đạo Hồi), Nam Mỹ, Australia… 

Để tăng hiệu quả trong việc thu hút khách quốc tế, bà Đặng Hương Giang cho rằng, thời gian tới các địa phương cần tiếp tục đổi mới trong việc xây dựng sản phẩm, sao cho hấp dẫn các thị trường khách; đổi mới phương thức quảng bá, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động du lịch. Hà Nội sẽ tập trung các nguồn lực phát triển và hình thành các nhóm sản phẩm du lịch chuyên nghiệp, hấp dẫn bao gồm: Du lịch văn hóa, du lịch MICE, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch vui chơi giải trí - thể thao, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, du lịch golf…

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cảm động hành động xếp quạt, pha nước chanh mời người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cảm động hành động xếp quạt, pha nước chanh mời người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Thời tiết hai ngày diễn ra Lễ Quốc tang bắt đầu oi nóng, nhiều người dân từ khắp mọi miền đất nước đã bày tỏ lòng thành kính, biết ơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành cả cuộc đời để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Để xua tan không khí oi bức, người dân trên địa bàn thôn Lại Đà đã dành những tình cảm trân quý, tận tay pha nước mát, mở quạt dọc tuyến đường vào viếng Tổng Bí thư.
Người dân Đông Anh và cả nước vô cùng tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Người dân Đông Anh và cả nước vô cùng tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Sáng nay (25/7), lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà Tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Cùng thời gian trên, lễ viếng diễn ra tại Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư - xã Đông Hội, huyện Đông Anh (thành phố Hà Nội).
Hà Nội vận dụng sáng tạo quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô

Hà Nội vận dụng sáng tạo quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô

(PNTĐ) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo xuất sắc, người đồng chí mẫu mực và kính yêu mất đi, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho chiến sĩ, đồng bào cả nước. Đồng chí mất đi, nhưng những di sản mà đồng chí để lại cho Đảng, cho đất nước và nhân dân sẽ mãi trường tồn, là điểm tựa cho đất nước, cho Thủ đô tiếp tục tiến lên, dựng xây non sông Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Trong những chỉ đạo, định hướng lớn với Đảng bộ Hà Nội về phát triển kinh tế-xã hội, nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô tiêu biểu luôn được Tổng Bí thư đặc biệt quan tâm...