Đừng để quấy rối tình dục tại nơi làm việc là chuyện kể thầm
(PNTĐ) -Quấy rối tình dục tại nơi làm việc không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của người lao động. Thế nhưng, câu chuyện về nó vẫn được nhắc đến muộn màng, thậm chí được kể lại như một trò đùa, khó xử lý, cộng thêm việc phần lớn nạn nhân - nhất là phụ nữ đều không dám, ngại lên tiếng tố cáo mà chỉ biết “nhịn cho lành”. Điều này càng làm gia tăng thêm tình trạng bất bình đẳng giới và làm sai lệch cái nhìn về giá trị người phụ nữ.
87% phụ nữ Việt Nam từng bị quấy rối
Tại SEA Games 32, đội tuyển nữ Việt Nam đã đi vào lịch sử với tấm huy chương Vàng môn bóng đá nữ lần thứ 4 liên tiếp. Bên cạnh những lời khen ngợi, trên các bài đăng mạng xã hội, một bộ phận cư dân mạng đã để lại những bình luận cợt nhả, thô tục nhắm đến hình thể các cô gái, khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Đây không phải là lần đầu tiên những người phụ nữ trở thành mục tiêu của những hành vi đùa cợt quá đà, mang hàm ý quấy rối một cách công khai như vậy. Theo nghiên cứu của Tổ chức Action Aid, tỷ lệ phụ nữ Việt Nam từng bị quấy rối từ lời nói khiếm nhã cho đến hiếp dâm là 87%, con số này thậm chí còn cao hơn Ấn Độ, Campuchia và Bangladesh. Ở một quốc gia luôn đề cao và trân trọng giá trị truyền thống lại có con số phản ánh một thực tế đáng buồn.
Quấy rối tình dục nơi làm việc không phải hiện tượng hiếm có. Nó có thể biến công ty thành môi trường độc hại dù cho công việc có tuyệt vời đến đâu. Vấn đề với phần lớn nạn nhân là không nhận định được: mức độ nào thì nên báo cáo và phải làm gì nếu gặp phải. Đáng nói, những vụ xâm hại tình dục chỉ xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng lại có thể giày vò nạn nhân cả đời, để lại những tổn thương tâm lý vô cùng nặng nề.

Chị H.L (28 tuổi, một nhân viên văn phòng) kể lại ký ức buồn của mình: “Ngày trước tôi từng làm việc cho một công ty truyền thông. Môi trường làm việc hầu như toàn các bạn trẻ như mình, sếp cũng chỉ hơn chúng tôi vài tuổi. Vì thế, chuyện trêu chọc nhau là diễn ra thường xuyên. Nhưng cũng chính vì thường xuyên mà tôi và các bạn nữ hay trở thành đề tài để các bạn nam trêu theo kiểu nhắm vào ngoại hình của chúng tôi để phán xét. Ngoài ra, có lần tôi vào phòng làm việc của sếp nộp ý tưởng. Sếp nói chuyện và đụng chạm chân tay rất thân mật, rồi còn bảo tôi đấm lung, bóp đầu hộ, anh nói “anh em làm việc với nhau có gì phải ngại”. Nhiều lần khác, chúng tôi ăn uống ở công ty và có uống bia, rượu thì sau đó các nam nhân viên và sếp cũng hay “đụng tay đụng chân” với chị em. Vì không thích không khí đó nên sau một thời gian, tôi quyết định nghỉ làm, dù vậy thì hình ảnh về các nhân viên nam, sếp nam luôn “méo mó” trong suy nghĩ của tôi”.
Những lời nói, cử chỉ gợi mở, có tính chất tính dục như trong câu chuyện của chị L. diễn ra phổ biến và nhiều người coi chỉ là chuyện đùa. Và chính vì chỉ coi nhẹ nó như trò đùa nên đã có những trường hợp, hậu quả đi quá xa. Một nghiên cứu về quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động quốc tế - cho thấy, đa số nạn nhân bị quấy rối tình dục là nữ giới (chiếm tỉ lệ 78,2%) và ở độ tuổi từ 18 - 30. Phần lớn nạn nhân chỉ bắt đầu tìm kiếm sự trợ giúp khi họ bị quấy rối nghiêm trọng trong thời gian dài.
Phải đến nhiều năm sau biến cố ấy, Mai Anh (29 tuổi) mới dám nói ra sự thật, mình từng bị khách hàng quấy rối tình dục. Khi đó, cô đang là hướng dẫn viên du lịch cho một đoàn khách. Lúc cô dẫn khách đến một địa điểm vắng người thì trong số đó có một người khách đụng chạm vào cơ thể của cô. “Mình rất sợ và hoảng. Nhưng mình không dám nói ra. Vì lúc đó mới vào nghề, và mình cũng được biết qua rằng, nhiều người thấy bình thường khi khách nhắn tin hay sờ chạm một tí vào người, họ coi đó như một sự xã giao mà thôi. Vì không nói ra nên mình cứ ôm nỗi niềm ấy mãi trong người, để nó chi phối tâm lý khiến mình cũng khó mở lòng hơn khi tiến đến chuyện tình cảm. Giờ nói ra được rồi, mình chỉ ước giá mà nói được sớm hơn”- Mai Anh tâm sự.
Pháp luật nghiêm cấm hành vi quấy rối tình dục
Bộ luật Lao động 2019 định nghĩa: Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc quy định tại Khoản 9 Điều 3 của Bộ luật Lao động 2019 là bất cứ địa điểm nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động, bao gồm cả những địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc như các hoạt động xã hội, hội thảo, tập huấn, chuyến đi công tác chính thức, bữa ăn, hội thoại trên điện thoại, các hoạt động giao tiếp qua phương tiện điện tử, phương tiện đi lại do người sử dụng lao động bố trí từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, nơi ở do người sử dụng lao động cung cấp và địa điểm khác do người sử dụng lao động quy định.

Việc xử lý người có hành vi quấy rối tình dục cần được làm đến cùng, công khai rộng rãi, không chỉ xử lý nội bộ mà cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng, tránh “chìm” đi theo thời gian.
Điều 84 Nghị định 145/2020 (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động, có hiệu lực từ ngày 1/2/2021) quy định cụ thể về hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Theo đó, quấy rối tình dục có thể xảy ra dưới dạng trao đổi như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc; hoặc những hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi, nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối.
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc bao gồm:
a) Hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục;
b) Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục;
c) Quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.
Như vậy, có thể thấy, hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận và hành vi này bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động. Và cũng theo Điều 35 của Bộ Luật Lao động 2019, khi bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc thì người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần phải báo trước.
Còn với mỗi cá nhân - nhất là phụ nữ, để tự bảo vệ chính mình, không gì bằng việc trước tiên phải trang bị cho mình kiến thức để xứng đáng có một môi trường làm việc an toàn.
Theo ThS Thạc sĩ Nguyễn Thị Lan, Học viện Phụ nữ Việt Nam: "Các bạn phải nhận thức được đâu là hành vi quấy rối tình dục để thu thập những bằng chứng và dũng cảm lên tiếng, chia sẻ câu chuyện với đồng nghiệp, quản lí doanh nghiệp và với các cơ quan pháp lý, tổ chức nếu cần thiết. Hơn ai hết, người phụ nữ phải nhận thức được rằng tình trạng này ngày càng được quan tâm và hành vi quấy rối tình dục là hành vi vi phạm pháp luật để bảo vệ giá trị của chính mình”.