Gia đình đồng hành hỗ trợ trẻ tự kỷ hòa nhập

LÝ THANH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trong chăm sóc, điều trị trẻ tự kỷ, cha mẹ có vai trò vô cùng quan trọng, là nhân tố giúp trẻ tự kỷ nâng cao chất lượng cuộc sống, sớm hoà nhập cộng đồng. Cha mẹ vừa là bác sĩ, vừa là điều dưỡng, chuyên gia dinh dưỡng, cũng là thầy cô giáo và bạn bè của con.

Với việc tiếp xúc trẻ hàng ngày, hiểu từng thói quen, sở thích của trẻ... cha mẹ giống như sợi dây kết nối trẻ với thế giới bên ngoài.

Theo ThS.BS CKII Thành Ngọc Minh – Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương, trong thời gian gần đây, cụm từ “rối loạn phổ tự kỷ” không còn xa lạ với nhiều người. Chứng tự kỷ là một dạng khuyết tật phát triển về tâm thần kéo dài suốt cuộc đời. Trẻ mắc chứng tự kỷ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Dấu hiệu cha mẹ cần lưu ý

Bên cạnh đó, tự kỷ còn là một rối loạn phát triển lan toả với mức độ từ nhẹ đến nặng do rối loạn phát triển hệ thần kinh. Bệnh thường khởi phát trước 3 tuổi và diễn biến kéo dài khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và can thiệp sớm cùng sự hỗ trợ từ gia đình và cộng đồng, trẻ mắc tự kỷ sẽ có khả năng phát triển các giá trị bản thân, hòa nhập cộng đồng.

Các đặc điểm chính của rối loạn phổ tự kỷ là trẻ khó tương tác và giao tiếp xã hội, các hành vi và sở thích bị hạn chế và lặp đi lặp lại. Trẻ em mắc chứng tự kỷ có thể rất thông minh, trí thông minh bình thường, hoặc gặp khó khăn trong học tập. Ở mỗi độ tuổi phát triển, biểu hiện tự kỷ ở trẻ sẽ khác nhau.

Do đó, cha mẹ cần nắm được các dấu hiệu nhận biết trẻ có nguy cơ mắc tự kỷ theo từng độ tuổi để kịp thời phát hiện khi trẻ có biểu hiện bệnh và có biện pháp can thiệp phù hợp, giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp, xã hội cần thiết, mang lại cho trẻ chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Với trẻ dưới 12 tháng tuổi, một số dấu hiệu biểu hiện cần lưu ý là: Trẻ không thể hiện sự thích thú trên khuôn mặt; không giao tiếp bằng mắt; không trả lời khi trẻ được gọi bằng tên, không quay lại để xem nơi phát ra âm thanh hoặc không tỏ ra giật mình khi nghe thấy một tiếng động lớn; không thể hiện sự quan tâm đến các trò chơi mà các trẻ khác thường chơi và thích thú; không nói bập bẹ hay tạo ra âm thanh như tiếng cười, khóc khi thích thú hay giận dữ một chuyện gì đó; không sử dụng cử chỉ, chẳng hạn như đưa tay về phía cha mẹ khi trẻ muốn được bế.

Gia đình đồng hành hỗ trợ trẻ tự kỷ hòa nhập - ảnh 1
Cha mẹ nên dành nhiều thời gian để đồng hành, tương tác với con nếu trẻ mắc chứng tự kỷ. Ảnh: Int

Với trẻ trong độ tuổi 12-24 tháng tuổi, cha mẹ cần lưu ý nếu thấy trẻ không có cử chỉ như chỉ tay, vẫy tay, bắt tay, nhìn mắt, cười đáp (khi 12 tháng tuổi); trẻ không sử dụng các từ đơn khi 16 tháng; nói câu có 2 từ khi 24 tháng; trẻ bị mất kỹ năng ngôn ngữ hoặc kỹ năng xã hội; có động tác phớt lờ hoặc không chú ý đến những người xung quanh; luôn lặp đi lặp lại một cử động cơ thể hoặc một hành động nhất định nào đó; đi nhón chân hoặc trẻ không thể bước đi.

Với trẻ từ 2 tuổi trở lên có thể gặp một số dấu hiệu: Gặp khó khăn trong giao tiếp với cộng đồng và thích thu mình trong thế giới riêng, ít chơi hoặc quan tâm tới các trẻ khác cùng lứa; thích chơi với một vài đồ vật nào đó, ngắm nghía quan sát hình dạng, màu sắc của chúng nhưng không quan tâm đến công dụng của những đồ vật này.

Trẻ không có trí tưởng tượng sáng tạo trong các hoạt động vui chơi, học tập; không có khả năng thích nghi với những thay đổi trong sinh hoạt hàng ngày và môi trường xung quanh, bắt mọi người phải tuân theo một nếp sinh hoạt nhất định. Trẻ có thể kháng cự, không hợp tác hoặc hoạt động quá mức, hiếu động, bốc đồng hoặc hung hăng.

Nghi ngờ trẻ tự kỷ, cha mẹ cần làm gì?

Theo các chuyên gia, khi nghi ngờ trẻ bị tự kỷ, việc đầu tiên cha mẹ cần làm là tìm đến bác sĩ, chuyên gia để được tư vấn. Việc điều trị sớm sẽ giúp trẻ phát triển các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Tùy từng mức độ, tình trạng của bệnh, mỗi bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị khác nhau, bao gồm cả điều trị bằng thuốc và tâm lý học.

Trong đó phương pháp chữa trị tốt nhất để cải thiện tình trạng của trẻ là sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt của cha mẹ, gia đình và người thân. Sự quan tâm, chăm sóc không chỉ thể hiện bằng tình yêu mà còn là sự kiên trì, nhẫn nại, bền bỉ. Gia đình đồng hành cùng trẻ vượt qua những thử thách khó khăn, để trẻ có thể hòa nhập được với các bạn.

Muốn vậy, người thân, gia đình cần luôn theo dõi tình trạng, hành vi của trẻ; thường xuyên trao đổi với bác sĩ, chuyên gia tâm lý trẻ em, giáo viên của trẻ về những chuyển biến trong hành vi tiếp cận, giao tiếp của trẻ, để có những thay đổi phù hợp với lộ trình điều trị bệnh tự kỷ của trẻ.

Phương pháp thường áp dụng để chữa tự kỷ ở trẻ là giáo dục can thiệp. Việc điều trị được thực hiện kết hợp xuyên suốt ở nhà và ở trường học một cách chặt chẽ, khoa học, theo hướng dẫn của các chuyên gia; giúp trẻ cải thiện kỹ năng xã hội, xây dựng môi trường sống tích cực, phương pháp can thiệp phù hợp.

Gia đình đồng hành hỗ trợ trẻ tự kỷ hòa nhập - ảnh 2
Việc điều trị sớm rất tốt cho trẻ tự kỷ.

Liên quan tới biện pháp chăm sóc, hỗ trợ trẻ, điều dưỡng Đào Thị Thủy – Điều dưỡng trưởng Khoa Tâm thần, BV Nhi Trung ương thông tin: Sự phát triển đánh dấu sự trưởng thành của trẻ không chỉ về vận động mà còn về tâm lý. Thông qua chuyển động, trẻ sẽ thực hiện được nhiệm vụ sinh tồn cơ bản, đặt nền tảng cho quá trình phát triển tâm lý, kỹ năng xã hội và ngôn ngữ… Với trẻ tự kỷ, cha mẹ có thể áp dụng một số hoạt động, kỹ năng dễ thực hiện để giúp can thiệp tại nhà.

Cụ thể, cha mẹ nên chơi và dạy trẻ mọi lúc, mọi nơi; ít nhất 3 giờ/ngày. Cho trẻ đi lớp, hạn chế trẻ xem tivi. Gọi tên, nhìn mắt, nhìn theo tay chỉ, gây sự chú ý của trẻ, tạo nhu cầu cho trẻ. Dạy trẻ chỉ ngón trỏ vào bộ phận cơ thể, đồ vật, tranh ảnh. Dạy trẻ cử chỉ giao tiếp (chào, ạ, xin, bye, bắt tay, hoan hô); cách chơi đồ chơi và chơi với người khác: Chi chành, ú oà, kiến bò…; bắt chước các động tác môi miệng, nét mặt, tiếng kêu con vật, đồ vật, từ đơn giản; nói ngắn, rõ, nhấn mạnh từ chính kèm theo cử chỉ, điệu bộ, tranh ảnh, đồ vật.

Giao tiếp bằng tranh để đổi lấy thứ trẻ cần (PECS); đề nghị trẻ làm những việc đơn giản, thực hiện mệnh lệnh. Kích thích cảm giác khác nhau của trẻ tại nhiều vị trí như da, cơ khớp bằng cách mát xa, chải, xoa bóp, ép khớp. Hướng dẫn trẻ tự tập xúc ăn, cầm cốc, đi vệ sinh, mặc quần áo, đi dép… Khuyến khích trẻ chơi cùng trẻ khác. Luôn khuyến khích, động viên, khen ngợi với tiến bộ nhỏ nhất của trẻ.

Ngoài các hoạt động vận động “thô” như đi bộ, bò, lăn, nhảy, trượt, thể dục, đạp xe, lăn bóng… cha mẹ còn có thể lựa chọn hướng dẫn trẻ tham gia các hoạt động “tinh”, có tính tư duy, suy nghĩ nhiều hơn như: Xếp, ghép, vẽ tô, xâu, cắm, xé, cắt dán… Cha mẹ không nên vì nghĩ là nguy hiểm hay sợ bẩn mà cấm con, cha mẹ nên ở bên cạnh hỗ trợ con, tận dụng mọi hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày để con vừa chơi, vừa học, qua đó giúp con được trải nghiệm và phát triển.

Có thể nói, cha mẹ đóng vai trò quyết định trong việc can thiệp điều trị rối loạn phổ tự kỉ ở trẻ em. Nếu cha mẹ chủ động tham gia, đầu tư thời gian, kiến thức tìm hiểu chơi, tương tác, giao tiếp với con và tìm nhà chuyên môn có kinh nghiệm cũng như can thiệp theo chứng cớ khoa học thì trẻ sẽ có tiến bộ. Ngược lại, cha mẹ không chấp nhận vấn đề của con, không quan tâm, không tìm phương pháp khoa học, cha mẹ mâu thuẫn, gia đình có nhiều căng thẳng, không giao tiếp với con thì trẻ không tiến bộ, có khi còn nặng hơn.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Sinh viên đến thư viện trong thời đại số

Sinh viên đến thư viện trong thời đại số

(PNTĐ) - Hiện nay, ở nhiều thư viện ở các trường đại học vẫn thu hút được nhiều sinh viên đến phòng đọc, tuy nhiên hình ảnh lật giở từng trang sách giấy như trước đây không còn nhiều mà thay vào đó sinh viên sử dụng laptop để đọc sách số, lướt web,...
Hiểu biết về bệnh tan máu bẩm sinh để góp phần nâng cao chất lượng giống nòi Việt

Hiểu biết về bệnh tan máu bẩm sinh để góp phần nâng cao chất lượng giống nòi Việt

(PNTĐ) - Ngày Thalassemia thế giới được tổ chức hàng năm vào ngày 8/5, là  cơ hội để giúp những người mắc bệnh này sống khỏe mạnh hơn, lâu hơn và hiệu quả hơn thông qua chia sẻ kiến thức, trao đổi thông tin, tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức có mục tiêu và giáo dục chất lượng về bệnh Thalassemia.
Phụ nữ huyện Thanh Trì đồng diễn dân vũ mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Phụ nữ huyện Thanh Trì đồng diễn dân vũ mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Sáng ngày 5/5, chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, hơn 4.000 nghìn hội viên, phụ nữ 16/16 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thanh Trì đồng loạt thực hiện màn đồng diễn dân vũ. Đây là những màn đồng diễn được thực hiện trên nền nhạc 3 ca khúc "Qua miền Tây Bắc", "Chiến thắng Điện Biên" và "Inh lả ơi".
Phụ nữ Ba Đình đồng diễn dân vũ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Phụ nữ Ba Đình đồng diễn dân vũ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Sáng ngày 5/5, tại vườn hoa Vạn Xuân (Ba Đình, Hà Nội) Hội LHPN quận Ba Đình đã tổ chức đồng diễn dân vũ với sự tham gia của đông đảo cán bộ hội viên phụ nữ trên địa bàn quận. Dự chương trình có  đồng chí Nguyễn Thị Hiền Thúy - UVTV, Chánh Văn phòng Hội LHPN thành phố Hà Nội; đồng chí Đinh Thị Phương Liên, Chủ tịch Hội LHPN quận Ba Đình và đại diện lãnh đạo hội phụ nữ cơ sở.