Giải pháp để doanh nghiệp Hà Nội chuyển đổi số thành công

HÀ LINH
Chia sẻ

(PNTĐ) -Thực hiện “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội với vai trò là Thủ đô của cả nước đã trở thành đầu tàu trong cuộc đua chuyển đổi số, trong đó doanh nghiệp sẽ là trung tâm của sự chuyển đổi này.

Giải pháp để doanh nghiệp Hà Nội chuyển đổi số thành công - ảnh 1
Các nhà mạng sẵn sàng hạ tầng số và bảo đảm an ninh mạng cho quá trình chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Hà Nội Ảnh: PV
 

Khó khăn và thách thức
Đến năm 2030, Hà Nội dự kiến cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và mở dữ liệu cho doanh nghiệp. Đồng thời, hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan Nhà nước và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT). Chiến lược chuyển đổi số của Thủ đô đang kiến tạo một nền tảng dữ liệu trực tuyến, mở ra cơ hội để doanh nghiệp “chuyển mình”. 

Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội, có đến 90% doanh nghiệp quan tâm chuyển đổi số và quản trị số. Tuy nhiên, số doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư để chuyển đổi số chỉ chiếm 40%. Nhìn chung, đa phần các doanh nghiệp Thủ đô đều quan tâm đến chuyển đổi số nhưng mức quan tâm và tỉ lệ thực hiện chuyển đổi không đồng đều.

Tương tự, số liệu của Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) mới đây cho thấy: Kết quả khảo sát tại hơn 1.300 doanh nghiệp trong nước thì có trên 60% doanh nghiệp cho rằng, rào cản họ gặp phải khi áp dụng công nghệ số là chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao; 52,5% doanh nghiệp cho biết khó thay đổi thói quen kinh doanh khiến mục tiêu chuyển đổi số không đạt được. 

 Ông Nguyễn Văn Đoan - Giám đốc Công ty TNHH Đoan Trường, chuyên sản xuất đồ cơ khí chia sẻ: “Chúng tôi nhận thức rất rõ về vai trò của chuyển đổi số. Tuy nhiên, những hạn chế về nguồn nhân lực và tài chính đang là rào cản rất lớn để DN thực hiện chuyển đổi số. Dù công ty đã có chuyên viên kỹ thuật nhưng những công việc như lập trình, xử lý lỗi ứng dụng thì phải thuê, mua từ đơn vị cung cấp bên ngoài với chi phí rất đắt đỏ”.

Mặc dù vậy, cũng có không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hà Nội đã vượt qua rào cản, đẩy mạnh chuyển đổi số và thu được kết quả rất tích cực. Sở hữu hàng trăm siêu thị, minimart, cửa hàng thực phẩm, đến nay, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội - CTCP (Hapro) đã chuyển hướng đẩy mạnh phương thức bán hàng đa kênh qua ứng dụng mua sắm trực tuyến BRG shopping, số hotline, fanpage, giao hàng tại nhà với các hình thức thanh toán trực tuyến để đáp ứng nhu cầu khách hàng và thích ứng trong điều kiện dịch bệnh.

Cần nhiều giải pháp hỗ trợ
Để thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, trước hết cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ. Theo Phó Chủ tịch Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam TS Trần Hữu Chinh, cần xây dựng nền tảng, môi trường hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, hình thành hệ thống tổ chức điều phối mạng lưới để doanh nghiệp xây dựng chuyển đổi số. Cùng với đó, hỗ trợ, đào tạo lại nhân lực khi tham gia chuyển đổi số.

Chia sẻ về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ông Trần Văn Viển, đồng sáng lập Công ty cổ phần Base (đơn vị phát triển nền tảng quản trị và điều hành doanh nghiệp Base.vn, với hơn 50 ứng dụng, hiện có trên 5.000 khách hàng) cho biết: Base có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính triển khai công nghệ. Trong đó, gói giải pháp eCovax do Base và FPT phối hợp phát triển, với một số ứng dụng then chốt sẽ dành tặng doanh nghiệp 1 năm sử dụng. 

Theo ông Lê Hồng Quang, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần MISA, làn sóng chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ khiến các doanh nghiệp chậm thay đổi sẽ dễ bị tụt hậu trên thị trường. Các doanh nghiệp cần bắt kịp xu thế chuyển đổi số để cải tiến mô hình hoạt động tối ưu hơn, nhanh hơn, linh hoạt hơn. Từ thực tế đó, Misa đã đưa ra thị trường bộ giải pháp giúp chuyển đổi số công tác quản trị tài chính, kế toán, thuế tại doanh nghiệp với các ưu điểm như giúp kế toán dễ dàng làm việc mọi lúc, mọi nơi, CEO/chủ doanh nghiệp có thể nắm bắt thông tin kịp thời về "sức khỏe" doanh nghiệp...

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) Ngô Diên Hy cho rằng, thách thức khi doanh nghiệp bắt tay chuyển đổi số là việc thiết lập mục tiêu, xây dựng chiến lược, lộ trình và kinh phí thực hiện… Vì vậy, VNPT khuyến nghị doanh nghiệp nên lựa chọn nền tảng đa sản phẩm và giải pháp chuyển đổi số tổng thể. 

Ông Lương Cao Chí, Trưởng đại diện VNPT tại Hà Nội kiêm Giám đốc VNPT Hà Nội cũng cho biết, các doanh nghiệp tại TP Hà Nội cũng đã ý thức rõ chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng đến sự phát triển. VNPT cam kết đồng hành với 311.240 doanh nghiệp trên địa bàn, trong đó có 1.090 hợp tác xã, 8.873 hộ kinh doanh cá thể sản xuất, kinh doanh trong các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, đóng góp tích cực vào quá trình số hóa kinh tế, vào sự phát triển của Thủ đô. 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.
Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

(PNTĐ) - Không còn chiến tranh, không còn chia cắt, đất nước Việt Nam giờ đây vươn mình mạnh mẽ hội nhập với thế giới. Thế hệ thanh niên ngày nay cũng hướng đến trở thành những công dân toàn cầu, ham học hỏi, đầy tài năng. Và hơn hết, trong trái tim mỗi người đều một lòng yêu nước nồng nàn, tha thiết.
Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

(PNTĐ) - 790 người cao tuổi phường Bồ Đề được hướng dẫn bài thể dục tránh ngã. Đây là chương trình thuộc dự án "Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số áp dụng mô hình Tsuyama" (JICA). Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về già hóa dân số, trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.