Giữ nghề thuốc Nam ở phố Lãn Ông

Bài và ảnh: Mạnh Sơn
Chia sẻ

(PNTĐ) - Phố Lãn Ông là con phố nổi tiếng tại Hà Nội, với bề dày lịch sử lâu đời và nghề truyền thống chủ đạo là kinh doanh thuốc Đông y. Đây cũng là một trong số ít các con phố trong 36 phố phường Hà Nội vẫn giữ được nghề truyền thống. Sau hàng trăm năm lịch sử, phố Lãn Ông đã trở thành thương hiệu chợ thuốc Đông y nổi tiếng tại Thủ đô.

Tinh hoa nghề được bảo tồn

Phố Lãn Ông, nằm trên khu vực từng là đất thôn Hậu Đông, tổng Hậu Túc của huyện Thọ Xương cũ, hiện thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cách Hồ Gươm hơn 200m về phía Bắc, phố này giáp với ngã tư Hàng Ngang - Hàng Đường ở phía Đông và kết nối với Hàng Buồm, phía Tây giáp ngã tư phố Thuốc Bắc - Hàng Vải và cắt ngang ngã tư phố Chả Cá - Hàng Cân ở đoạn giữa.

Cuối thế kỷ 19, khi thực dân Pháp chiếm đóng Hà Nội, họ đặt tên cho con phố này là “rue de Fou-Kien” (tức “phố Phúc Kiến”), do có nhiều người Hoa Kiều từ tỉnh Phúc Kiến đến sinh sống. Vào năm 1946, con phố này đã được đổi tên thành Lãn Ông, theo tên của một danh y lừng danh của đất Việt.

Khu phố cổ Hà Nội, với kiến trúc độc đáo và bản sắc văn hóa rõ rệt, chủ yếu là khu dân cư với các nghề thủ công truyền thống. Phố Lãn Ông nổi tiếng là nơi tập trung của nghề Đông y, buôn bán thuốc Nam, thuốc Bắc - loại thuốc y học cổ truyền. Phố này chuyên doanh về Đông Nam dược, với các biển hiệu bằng gỗ, bằng đồng cổ kính ghi tên các nhà thuốc đã tồn tại hàng trăm năm.

Giữ nghề thuốc Nam ở phố Lãn Ông - ảnh 1
Các cửa hàng thuốc Bắc trên phố Lãn Ông.

Những người đầu tiên làm nghề thuốc ở phố Lãn Ông là một số Hoa Kiều, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến dòng họ “Phó” đến từ tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Sau đó còn có hàng chục lương y người Việt thành danh trên phố, họ có gốc gác phần lớn là từ những làng nghề làm thuốc có truyền thống như Đa Ngưu, Nghĩa Trai, Ninh Hiệp, Đồng Tâm, hay từ những vùng đất học giỏi như Nhân Chính, Đông Ngạc (Hà Nội), Hành Thiện (Nam Định)…

Ngày nay, phố Lãn Ông vẫn sôi động với các cơ sở kinh doanh thuốc Nam và các phòng chẩn trị Y học cổ truyền, giữ vững nghề truyền thống giữa lòng Hà thành. Đi qua con phố này, thoang thoảng một hương vị nồng nàn đặc trưng của các loại thảo dược như nhục quế, đương quy, đại hồi, sa nhân...

Trên phố Lãn Ông, thuốc bầy bán được đựng trong những bao giấy, bọc trong những túi nylon xếp đầy trước cửa hay treo lủng lẳng phía trên đầu. Người bán hàng đa phần là phụ nữ, họ không dùng cân tiểu ly với cán gỗ, đĩa đồng để cân thuốc lạng như các cụ ngày xưa, mà thay thế vào đó những chiếc cân đồng hồ để chia thuốc.

Các cơ sở kinh doanh dược liệu đáp ứng từ vài ba lạng đến hàng cân, thậm chí hàng tạ, hàng tấn theo nhu cầu. Khó mà biết được mỗi ngày bao nhiêu tấn dược liệu được bán cho không chỉ Hà Nội mà còn các địa phương khác trong cả nước phục vụ khám chữa bệnh, với phương châm “Người Nam dùng thuốc Nam” (Nam dược trị Nam nhân).

Các cửa hàng thuốc nằm san sát nhau, bán các loại thuốc từ cao cấp như: Đông trùng hạ thảo, Nhân sâm, Linh chi cho tới các Loại thảo dược khô hoặc tán bột, với đủ các sản vật từ miền núi cao như: Ngải tượng, hoài sơn, tam thất, tắc kè… cho đến hải sâm, hải mã, ô tặc cốt… của miền Duyên hải. Không chỉ là thuốc, vài gói thảo dược tần gà cũng được bày bán giúp cho các bà nội trợ đem hương thuốc đến từng gia đình.

Giữ nghề thuốc Nam ở phố Lãn Ông - ảnh 2
Hoạt động tái hiện không gian quầy bốc thuốc Đông Nam dược phố Lãn Ông tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ.

Bên cạnh các cửa hàng bán thuốc luôn tấp nập người vào ra thì những Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền của các lương y lại có một vẻ thâm trầm, kín đáo, bên trong thường có chân dung Hải Thượng Lãn Ông đặt ở vị trí trang trọng. Sát tường là những chiếc tủ gỗ đựng thuốc lên nước nâu bóng với hàng trăm ngăn kéo quai đồng, mỗi ngăn có đề tên thuốc bằng chữ Hán Nôm hoặc bằng tiếng Việt. Những người bệnh đến đây được tận tình đón tiếp, được xem mạch và kê đơn bốc thuốc. Chỉ trong chốc lát thảo dược đã được gói thành những gói vuông vắn cho khách hàng.

Hiện nay, hầu như không còn thuyền tán, mà thay vào đó là máy xay thuốc. Các cơ sở Khám chữa bệnh YHCT hiện đã có trang bị máy sắc thuốc cho bệnh nhân, giúp thay thế cách sắc thuốc như xưa kia. Nghề thuốc ở con phố này vốn dĩ “cha truyền con nối” từ bao đời nay.

Hiện nay, con em các Lương y hầu hết đều có bằng cấp được đào tạo chuyên ngành bác sĩ, y sỹ YHCT. Một số lương y cao tuổi hiện còn tham gia khám chữa bệnh YHCT như lương y Phạm Xuân Nội (số nhà 69 Lãn Ông), lương y Nguyễn Kim Bảng (số nhà 56 Lãn Ông), BS Tạ Văn Minh (số nhà 55 Lãn Ông), lương y Trần Vũ Cường (số nhà 45 Lãn Ông), lương y Nguyễn Thị Ngọc (số nhà 58 Lãn Ông), y sỹ YHCT Đặng Quốc khánh (số nhà 50 Lãn Ông )…

Khai thác và phát huy giá trị của phố nghề

 Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan cho biết: Năm 2014 - 2015, UBND quận Hoàn Kiếm đã triển khai dự án trùng tu và chỉnh trang phố Lãn Ông để bảo tồn và phát huy giá trị của phố nghề truyền thống trong khu phố cổ.

Phố Lãn Ông không chỉ là phố chuyên doanh thuốc Đông Nam dược mà còn là điểm giới thiệu Y học cổ truyền và các sản phẩm Đông Nam dược truyền thống. Điều này không chỉ góp phần vào việc chăm sóc sức khỏe của nhân dân mà còn kế thừa và phát huy tinh hoa y học của cha ông.

Giữ nghề thuốc Nam ở phố Lãn Ông - ảnh 3
Giới thiệu các loại cây thuốc Nam tại Trung tâm giao lưu phố cổ.

Bà Trần Thị Thúy Lan cho hay: Nhân sự kiện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc UNESCO vinh danh Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đồng thời hướng tới kỷ niệm 300 năm ngày sinh của danh y, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với các đơn vị, nghệ nhân, nhà nghiên cứu, lương y, bác sĩ y học cổ truyền tổ chức chuỗi hoạt động văn hóa với chủ đề “Giữ nghề xưa trên phố” với nhiều sự kiện đa dạng.

Chương trình diễn ra tại các điểm di sản và không gian công cộng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm do Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội được giao quản lý. Theo đó, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, 50 Đào Duy Từ, Hà Nội, sẽ trưng bày giới thiệu nghề thuốc Đông y cổ truyền Việt Nam, tái hiện không gian hoạt động của gia đình lương y làm nghề thuốc đông y truyền thống như: Trưng bày giới thiệu cây thuốc dược liệu, sản phẩm thuốc, khu vực điều chế thuốc Đông y cổ truyền, không gian tư vấn bắt mạch…

Có thể nói, khu phố cổ Hà Nội, với kiến trúc độc đáo và bản sắc văn hóa rõ rệt, chủ yếu là khu phố nghề với các nghề thủ công truyền thống, trong đó, phố Lãn Ông nổi tiếng. Nghề thuốc Đông y ở phố Lãn Ông không chỉ nổi tiếng với các kỹ thuật nghề, các phương pháp điều trị đa dạng mà giá trị của nghề còn được thể hiện qua các Y huấn mà những bậc tiền nhân để lại, như Hải Thượng Lãn Ông với tư tưởng nhân văn “sống vì mọi người”, tinh thần “học tập suốt đời” cùng Y huấn về 8 điều nên làm của một vị lương y là “Nhân - Đức - Lượng - Khiêm - Minh - Trí - Thành - Cần” hay “Nam dược trị Nam nhân” của thiền sư Tuệ Tĩnh.

Phố Lãn Ông hiện là điểm đến hấp dẫn cho người dân Thủ đô và du khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu về một phố nghề cũng như khám phá, trải nghiệm về nét đẹp cũng như sức hấp dẫn của phố cổ Hà Nội, trải qua thời gian vẫn được bảo tồn, lưu giữ.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hơn 300 phóng viên, biên tập viên tập huấn nghiệp vụ tuyên truyền Luật Thủ đô 2024

Hơn 300 phóng viên, biên tập viên tập huấn nghiệp vụ tuyên truyền Luật Thủ đô 2024

(PNTĐ) - Nhằm nâng cao kiến thức, nghiệp vụ về công tác tuyên truyền về Luật Thủ đô cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, ngày 25/10, tại Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy tổ chức Lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác tuyên truyền Luật Thủ đô 2024.
Thêm một mái ấm tình thương của Báo Hội tới hội viên phụ nữ khó khăn

Thêm một mái ấm tình thương của Báo Hội tới hội viên phụ nữ khó khăn

(PNTĐ) - Tiếp tục chương trình an sinh xã hội phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, ngày 25/10, Báo Phụ nữ Thủ đô và Hội LHPN huyện Thạch Thất tổ chức khánh thành và bàn giao nhà mái ấm tình thương cho gia đình bà Nguyễn Thị Viện, hội viên phụ nữ thôn Đoàn Kết, xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất (Hà Nội).
 Chung tay xây dựng đoạn đường/tuyến phố nở hoa, làm đẹp cảnh quan môi trường

Chung tay xây dựng đoạn đường/tuyến phố nở hoa, làm đẹp cảnh quan môi trường

(PNTĐ) - “Đoạn đường nở hoa” ở khu tập thể A13 Học viện cảnh sát nhân dân (thuộc Tổ dân phố số 2, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) dài 400m, trồng 350 gốc cây che bóng mát và các loại hoa gồm: hoa chiều tím, ngũ sắc, hoa ban, dừa cạn, mười giờ, hoa sử quân tử, mào gà… Đây là đoạn đường được Hội LHPN quận Bắc Từ Liêm trao giải Đặc biệt trong cuộc thi Đoạn đường/tuyến phố nở hoa, bích họa” năm 2024.
Khắc ghi lời Bác Hồ, 70 năm giữ nguồn sáng Thủ đô

Khắc ghi lời Bác Hồ, 70 năm giữ nguồn sáng Thủ đô

(PNTĐ) - Hai tháng sau ngày tiếp quản Thủ đô, ngày 21/12/1954, Bác Hồ đến thăm Nhà máy Đèn Bờ Hồ (tiền thân của Tổng Công ty Điện lực Hà Nội - EVN Hà Nội) và căn dặn: “Cán bộ, công nhân viên Nhà máy Điện phải đoàn kết, thi đua, tiết kiệm. Trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng phải đoàn kết, thi đua nhằm tăng năng suất, tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu”. Ghi sâu lời dạy của Bác, 70 năm qua, ngành Điện lực Thủ đô đã đoàn kết, sáng tạo, xây dựng và phát triển lớn mạnh.
Ngàn năm vang tiếng nghề gốm sứ Bát Tràng

Ngàn năm vang tiếng nghề gốm sứ Bát Tràng

(PNTĐ) - Cùng với lịch sử Thăng Long - Hà Nội hơn nghìn năm tuổi, làng nghề gốm Bát Tràng bên sông Hồng đã bền bỉ duy trì và phát triển nghề thủ công truyền thống, làm ra các dòng sản phẩm mỹ nghệ từ đôi bàn tay khéo léo của người thợ. Nền tảng văn hoá “đất trăm nghề” được các thế hệ nghệ nhân sáng tạo, lan tỏa, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Thủ đô Hà Nội hào hoa, văn hiến.