Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024):

Giữ vững phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ“

Hồng Nhung - Hải Nam
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân, xả thân vì Tổ quốc, dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời. Sự cống hiến, hy sinh cao cả của các thương binh, liệt sĩ đã khiến đất nước ta “nở hoa độc lập, kết quả tự do”.

Giữ vững phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ“ - ảnh 1
Các đồng chí đại biểu Hội CCB Việt Nam thành phố Hà Nội, các nhà tài trợ chụp ảnh lưu niệm với CCB thương binh tiêu biểu. Ảnh: PV

Biết ơn những anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh vì độc lập dân tộc
Thành phố Hà Nội là địa phương có số người hưởng chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng lớn nhất cả nước với trên 800 ngàn người. Trong đó, có hơn 6.500 Mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 60 ngàn thương binh, hơn 80 ngàn liệt sĩ, hơn 13 ngàn người được hưởng chế độ hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, hơn 50 ngàn người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng huân chương, huy chương các loại.

Thời gian qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Hà Nội luôn chú trọng, nỗ lực thực hiện chính sách người có công với cách mạng. Chỉ tính riêng năm 2023, toàn Thành phố đã vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được hơn 28 tỷ đồng, đạt 122,1% kế hoạch; tặng 735 sổ tiết kiệm “Tình nghĩa” với kinh phí trên 2,3 tỷ đồng, đạt 58,6% so với kế hoạch. Đồng thời tu sửa nâng cấp 57 công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí trên 6,9 tỷ đồng, đạt 107% kế hoạch. 70/70 bà Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng.

Với Hội CCB Thành phố, nhiều năm qua, các cấp hội đã thường xuyên chăm lo và làm tốt công tác chính sách, gương mẫu đi đầu trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, chung sức giúp đỡ các gia đình người có công còn khó khăn cải thiện đời sống. Các cấp Hội đã vận động cán bộ, hội viên được 19,87 tỷ đồng, giúp 525 hội viên xây dựng mới, sửa chữa nhà ở; tặng 85 bò sinh sản; hỗ trợ gần 200 gia đình CCB nghèo hàng tỷ đồng để phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững, trong số đó có nhiều đồng chí là thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ…

Kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 năm nay, Thường trực Hội Cựu chiến binh Thành phố đã thăm và gửi quà tặng tới 208 hội viên là thương binh, với số tiền hơn 108 triệu đồng. Hội Cựu chiến binh Thành phố và các nhà tài trợ đã trao quà tặng 95 cựu chiến binh là thương binh tiêu biểu.

Tại buổi gặp mặt, tặng quà cho cựu chiến binh, thương binh tiêu biểu trên địa bàn Thành phố diễn ra ngày 19/7, Thiếu tướng Lê Như Đức, Ủy viên Thường vụ Hội CCB Việt Nam, Chủ tịch Hội CCB TP Hà Nội nhấn mạnh: 95 cựu chiến binh là thương binh tiêu biểu đại diện cho hơn 25 ngàn thương binh là những bông hoa đẹp tỏa ngát sắc hương trong vườn hoa đẹp cựu chiến binh-thương binh gương mẫu của Thủ đô để các thế hệ con cháu noi theo như lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Thương binh tàn, nhưng không phế”. 

CCB Nguyễn Quang Khải, thương binh hạng 4/4, Chủ tịch Hội CCB phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng xúc động: “Trong những năm qua Đảng, Nhà nước, nhân dân, các cấp, các ngành đã quan tâm giành nhiều tình cảm, tinh thần và vật chất cho việc chăm sóc, hỗ trợ, quan tâm về mọi mặt đối với các đối tượng chính sách đã làm ấm lòng, vơi bớt đi sự mất mát, đau thương đối với gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công. Chúng tôi nguyện tiếp tục phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, bằng nghị lực, ý chí vươn lên để chiến thắng thương tật, khắc phục khó khăn ổn định cuộc sống. Đồng thời tích cực tham gia vào các hoạt động cộng đồng và các phong trào cách mạng của địa phương, góp phần xây dựng cơ sở chính trị của địa phương ngày càng vững mạnh”.
Người cựu chiến binh 7 lần được phong danh hiệu dũng sĩ
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng mỗi khi nhắc lại những năm tháng gian khổ nhưng đầy hào hùng ấy, cựu chiến binh Trần Quang Vinh (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội) - người thương binh 3/4 thành tích 7 lần được tặng “Danh hiệu Dũng sĩ” vẫn không khỏi xúc động xen lẫn tự hào. 

Giữ vững phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ“ - ảnh 2
Cựu chiến binh Trần Quang Vinh, thương binh hạng 3/4, 7 lần được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ. Ảnh: H.N

Dù đã ở tuổi 85, nhưng thương binh Trần Quang Vinh vẫn còn rất nhanh nhẹn, minh mẫn, nhất là khi kể về cuộc đời binh nghiệp đầy hào hùng của mình. Ông vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba và nhiều huy chương cao quý khác.

Chỉ cho chúng tôi những vết thương chằng chịt khắp cơ thể, ông Vinh nói, trên người ông vẫn còn một số mảnh đạn, riêng phần đùi phải chằng chịt các vết sẹo mổ do vết thương từ chiến tranh để lại, ở phần đầu bên trái còn có vết sẹo của một mảnh đạn sượt qua, mắt trái bị mờ… 

Sinh ra và lớn lên tại Võ Liệt, Thanh Chương, Nghệ An, tháng 2/1960, ông Vinh trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, nhập ngũ vào Tiểu đoàn Công binh 25, Quân khu 4, đóng quân tại Nam Đàn, Nghệ An. Nhập ngũ được 1 năm, ông được bầu chọn là Chiến sĩ Thi đua và được cử đi học lớp Tiểu đội trưởng Công binh, sau đó một thời gian lại được tuyển chọn đi học Trường Sỹ quan Công binh tại Bắc Ninh (3 năm). Kết thúc khóa học, về đơn vị, ông được kết nạp Đảng. 

Đầu năm 1965, ông cùng đồng đội bắt đầu hành quân vào chiến trường. Sau 2 tháng hành quân dọc dãy Trường Sơn, tháng 3/1965, đoàn vào tới Bắc Kon Tum (Tây Nguyên). Tại đây, từ ngày 14/10 đến 26/11/1965, ông Vinh tham gia trận đầu tiên là Chiến dịch Pleime. Nhiệm vụ Đại đội Công binh do ông chỉ huy (khi ấy ông là thiếu úy, Đại đội phó) là “vây đồn, diệt viện”, tức là vây đồn, mục đích để khi quân Mỹ cứu trợ, ta sẽ tiêu diệt làm tiêu hao sinh lực địch.

Hơn 40 năm tham gia quân ngũ, thì 15 năm ông chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, biên giới Tây Nam và Campuchia. “Tôi tham gia tất cả các chiến dịch lớn, trận đánh lớn, nhỏ. Đây là chiến trường rừng núi thiếu thốn đủ thứ, ta vừa đánh giặc, vừa tự tăng gia sản xuất ngô, khoai, sắn để nuôi sống quân” - ông Vinh kể.

Là một sĩ quan chuyên ngành cầu đường, vượt sông, rà phá bom mìn, chất nổ, ông cùng đơn vị mở đường quân sự, làm cầu gỗ, xẻ gỗ đóng thuyền ghép thành phà để chở xe, pháo vượt sông Pô Cô vào Nam Tây Nguyên phục vụ chiến dịch đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột; phối hợp với các đơn vị bộ binh đánh vây hãm quân địch ở các cứ điểm; đào hầm độn thổ đánh phục kích trên các trục đường giao thông huyết mạch như: Đường 19 (Quy Nhơn đi Plei Ku đi Đức Cơ), quốc lộ 14 Kon Tum đi Plei Ku và Buôn Ma Thuột), đường 18 (Kon Tum đi Tân Cảnh, Đắk Tô và Plây Cần); đã phá hủy nhiều xe tăng, xe bọc thép, tiêu diệt hàng trăm lính Mỹ, ngụy. 

Hơn 10 năm chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, ông Vinh đã phá hủy nhiều xe tăng, xe bọc thép, bắn rơi máy bay trực thăng của Mỹ ở phía đông cao điểm núi Ngọc Bờ Biêng và Ngọc Ring Rua, được phong tặng Chiến sĩ thi đua, dũng sĩ diệt Mỹ, diệt xe cơ giới. “Tiêu chuẩn dũng sĩ là nếu bắn cháy được 1 xe tăng, hoặc đánh được 1 đoàn xe, trong đó có xe tăng thì được công nhận. Tôi 7 lần được tặng “Danh hiệu Dũng sĩ” vì 7 lần dùng thủ pháo ném xe tăng và thành công” - ông Vinh nói.

Trong những lần diệt xe tăng của địch, ông Vinh nhớ nhất là trận phục kích địch trên tuyến đường từ Ban Mê Thuột vào phía Nam. Khi đó, ông là Đại đội trưởng Đại đội công binh B3 (Tây Nguyên). Dưới sự chỉ huy của ông, đơn vị đã diệt được 17 xe và toàn bộ đoàn vận tải. Trong trận đánh này, ông không may bị thương ở đầu. 

Nhiều lần bị thương nhưng ông vẫn cùng đồng đội tham gia chiến đấu đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tham gia chiến dịch biên giới Tây Nam giải phóng Campuchia và hành quân ra bảo vệ biên giới phía Bắc. Sau này, ông được điều về công tác tại Ban Công binh, Mặt trận Tây Nguyên làm trợ lý, phụ trách Trưởng ban huấn luyện công binh cho các Sư đoàn. Sau đó, học tại Học viện Hậu cần và về Bộ Quốc phòng với vai trò Thanh tra viên, Chánh Thanh tra hậu cần, kỹ thuật, tài chính, kinh tế.

 Ông lập gia đình với cô gái gốc Hà Nội Nguyễn Thị Tiến và có hai con. Những năm ông ở quân ngũ, bà Tiến một mình tần tảo nuôi dạy con, động viên chồng yên tâm công tác. Sau hơn 40 năm phục vụ trong quân đội, đến năm 2000, ông Vinh về hưu, vợ chồng mới có cơ hội chăm sóc nhau. Hiện nay, ông Vinh là thương binh hạng 3/4. Vào các dịp lễ, tết, ông Vinh tham gia nói chuyện lịch sử với học sinh trên địa bàn. Từ những câu chuyện lịch sử của ông, các học sinh hiểu hơn về một thời khói lửa, về những hy sinh anh dũng của thế hệ cha ông, từ đó có quyết tâm luyện rèn, trở thành người có ích cho xã hội.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đảm bảo giải quyết kịp thời, đầy đủ quyền lợi cho người tham gia bảo  hiểm

Đảm bảo giải quyết kịp thời, đầy đủ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm

(PNTĐ) - Trước tình hình thiên tai, mưa lũ do cơn bão số 3 gây ra ở nhiều địa phương, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã chủ trì các cuộc họp khẩn, chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố nhanh chóng triển khai các giải pháp ứng phó linh hoạt với quan điểm xuyên suốt: bất kể trong mọi tình huống phải luôn đảm bảo tốt nhất, nhanh nhất quyền lợi cho người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT theo quy định.
Phát triển kinh tế gia đình từ mô hình nuôi ốc nhồi

Phát triển kinh tế gia đình từ mô hình nuôi ốc nhồi

(PNTĐ) - Trên địa bàn huyện Mê Linh, nhiều tấm gương hội viên phụ nữ vươn lên làm kinh tế giỏi, vượt qua khó khăn để ổn định cuộc sống gia đình. Điển hình là bà Tạ Thị Viền, Ủy viên Ban Thường vụ Hội LHPN xã Vạn Yên đã triển khai thành công mô hình nuôi ốc nhồi.