Gỡ khó cho người dân sống khổ vì Nghĩa trang Yên Kỳ chậm tiến độ

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Báo Phụ nữ Thủ đô số 47, ngày 23/11/2022 có bài viết “Xã Phú Sơn, Ba Vì: Người dân kêu cứu vì dự án chậm tiến độ” phản ánh về việc hàng trăm hộ dân xã Phú Sơn đang gặp khó khăn trong cuộc sống vì dự án xây dựng Nghĩa trang Yên Kỳ chậm triển khai gần chục năm nay. Phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô đã làm việc với cơ quan chức năng để tìm lời giải.

Gỡ khó cho người dân sống khổ vì Nghĩa trang Yên Kỳ chậm tiến độ - ảnh 1
Người dân xã Phú Sơn đề nghị các cơ quan chức năng sớm giải quyết

Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang cận kề, hàng chục hộ dân ở thôn Phú Mỹ A, xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, nằm trong dự án Công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng rơi vào tình cảnh có nhà không về được. Lại thêm một Tết phải “ăn nhờ ở đậu”, còn hộ dân không có chỗ nhờ thì sống trong thiếu thốn.

Dự án Công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 từ ngày 16/6/2011 tại Công văn số 2724/QĐ-UBND, với quy mô khoảng 203,18ha. Nếu đúng hạn, năm 2019 dự án nghĩa trang Yên Kỳ đã phải hoàn thành đưa vào sử dụng thì các hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp vào nhà ở đã có thể được sống yên ổn chứ không phải “vất vưởng” hàng chục năm nay, còn hàng trăm hộ dân đã mất ruộng sản xuất cũng thiệt hại, chưa được đền bù để chuyển đổi làm kinh tế.

Nút thắt ở đây phải kể đến là phía chủ đầu tư - công ty cổ phần tập đoàn xây dựng Bình Minh. Từ năm 2009, dự án đã thực hiện thu hồi 83,85ha, đã chi trả tiền đền bù 81,55ha, còn 2,3ha chưa chi trả đền bù cho người dân. Trước năm 2017, công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án do Trung tâm Phát triển quỹ đất, thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thực hiện. Từ năm 2017, công tác giải phóng mặt bằng được bàn giao lại cho UBND huyện Ba Vì tiếp tục triển khai. Từ năm 2017 đến nay, chủ đầu tư - Công ty cổ phần tập đoàn xây dựng Bình Minh đã không thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Vì vậy, cho đến nay, vẫn còn tồn đọng các trường hợp đã phê duyệt phương án đền bù, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa chuyển tiền nên Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện vẫn chưa có tiền chi trả cho người dân.

Hơn nữa, công ty cổ phần tập đoàn xây dựng Bình Minh lại chưa hoàn thiện xong bản đồ và hồ sơ kỹ thuật từng thửa đất. Đến nay, thời gian thực hiện dự án bị quá hạn, chủ đầu tư này chưa được thành phố Hà Nội gia hạn cho phép được tiếp tục triển khai. Được biết, hiện công ty cổ phần tập đoàn xây dựng Bình Minh đang nợ nghĩa vụ gần 100 tỷ đồng tại dự án khác nên chưa được gia hạn tiếp tục triển khai dự án này. Vì thế, cũng chưa thể khởi động lại việc chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng cho hơn 500 hộ dân còn lại.

Gỡ khó cho người dân sống khổ vì Nghĩa trang Yên Kỳ chậm tiến độ - ảnh 2

Những ngôi nhà của người dân thôn Phú Mỹ A, xã Phú Sơn trở nên hoang tàn

Trên thực địa, nhiều mốc giới không còn, một số khu vực đã mất hiện trạng, hồ sơ bản đồ địa chính phục vụ công tác giải phóng mặt bằng thửa đất không đầy đủ, còn thiếu sót. Dự án kéo dài nên chế độ, chính sách bồi thường có nhiều thay đổi… Dự án còn liên quan đến khoảng 90 hộ gia đình có đất ở và phải bố trí tái định cư, song hiện nay khu tái định cư vẫn chưa thực hiện xong (huyện đang đề nghị UBND thành phố Hà Nội gia hạn thời gian thực hiện dự án và xin bổ sung nguồn vốn để thực hiện dự án tái định cư).

Đối với dự án Công viên nghĩa trang Yên Kỳ, để đảm bảo quy hoạch cũng như nhu cầu cấp thiết an táng của thành phố, UBND huyện Ba Vì cũng đề nghị UBND thành phố cho phép gia hạn thời gian thực hiện dự án, bổ sung vốn cho dự án xây dựng khu tái định cư.

UBND huyện Ba Vì đã có văn bản đề nghị chủ đầu tư - công ty cổ phần tập đoàn xây dựng Bình Minh nhanh chóng thực hiện trách nhiệm của nhà đầu tư, trong đó có nhiệm vụ cung cấp bản đồ đo đạc địa chính 1/500 và các mốc giới. Cùng đó, chủ đầu tư cần bố trí nguồn kinh phí để chi trả cho các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân đã có quyết định thu hồi đất phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thuộc dự án mở rộng Công viên nghĩa trang Yên Kỳ.

Đồng thời, để giải quyết những tồn tại, vướng mắc tại dự án Công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng, UBND huyện Ba Vì cũng đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét đồng ý áp dụng các cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp và ổn định cuộc sống của người dân.

Còn đối với những người dân xã Phú Sơn trực tiếp bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống nên khẩn thiết mong các cơ quan chức năng làm rõ, dự án có triển khai tiếp hay không. Nếu dự án này không được gia hạn thì cần sớm có biện pháp phục hồi lại hệ thống giao thông, mương máng tưới tiêu,… để người dân tiếp tục sống và lao động sản xuất trên chính mảnh đất của mình.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Để sông Tô Lịch thành “dải lụa xanh” của Thủ đô

Để sông Tô Lịch thành “dải lụa xanh” của Thủ đô

(PNTĐ) - Sông Tô Lịch đang từng bước chuyển mình, dần trở nên thân thiện với người dân khi dọc hai bên bờ sông được cải tạo thành đường đi bộ. Nỗ lực hồi sinh sông Tô Lịch đang tiếp tục được thực hiện từng bước bằng những chỉ đạo quyết liệt, cụ thể của lãnh đạo Thành phố tại các dự án vệ tinh nhằm bổ trợ nguồn nước và giảm tải nguồn gây ô nhiễm. Người dân Thủ đô kỳ vọng trong tương lai sông Tô Lịch sẽ là “dải lụa xanh” của Hà Nội, cùng Thủ đô vươn mình đón “kỷ nguyên xanh”.
Mức sinh tại Việt Nam giảm thấp nhất trong lịch sử

Mức sinh tại Việt Nam giảm thấp nhất trong lịch sử

(PNTĐ) - Tổng tỷ suất sinh toàn quốc năm 2023 của Việt Nam là 1,96 con/phụ nữ, mức giảm thấp nhất từ trước tới nay và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo, dẫn đến những hệ lụy như thiếu hụt lực lượng lao động, già hóa dân số nhanh và suy giảm quy mô dân số…