Gỡ khó để phát triển nhà ở xã hội

Chia sẻ

Thời gian qua, Hà Nội đã thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, giải quyết nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng yếu thế. Tuy nhiên, do vướng mắc về vốn nên số dự án hoàn thành chưa nhiều. Vì vậy, thành phố đang tìm giải pháp gỡ khó, phát triển quỹ nhà ở này.

Nhà ở xã hội dành cho công nhân tại Khu đô thị mới Kim Chung (huyện Đông Anh). Ảnh:  Nguyễn QuangNhà ở xã hội dành cho công nhân tại Khu đô thị mới Kim Chung (huyện Đông Anh). Ảnh: Nguyễn Quang

Rời Nam Định lên Hà Nội học rồi ở lại lập nghiệp, gần 10 năm qua, vợ chồng anh Nguyễn Quốc Hùng, nhân viên Công ty cổ phần Công nghệ, thương mại và sản xuất Aloprint (quận Hoàng Mai) sống trong cảnh ở trọ. Mới đây, vợ chồng anh vui mừng dọn về căn nhà mới tại dự án nhà ở xã hội Kiến Hưng (quận Hà Đông). “Nhờ chính sách thuê mua nhà ở xã hội, nộp ngay 50% tiền mua nhà, 5 năm sau thanh toán 50% số tiền còn lại nên những người thu nhập thấp như chúng tôi có cơ hội sở hữu nhà ở” - anh Hùng chia sẻ.

Để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, thời gian qua, Hà Nội đã phát triển nhiều dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp. Ông Bùi Tiến Thành, Trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, quỹ nhà này được bán, cho thuê, thuê mua, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định cuộc sống của người lao động. Song số người may mắn như anh Nguyễn Quốc Hùng không nhiều, do quỹ nhà vẫn còn thiếu.

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng, giai đoạn 2016-2020, thành phố đã kêu gọi đầu tư 62 dự án. Đến nay, 19 dự án đã hoàn thành cung cấp khoảng 0,9 triệu mét vuông sàn nhà ở. Bên cạnh đó, còn 43 dự án đang triển khai với hơn 3,1 triệu mét vuông sàn. So với mục tiêu phát triển khoảng 6,2 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội, thành phố cần xây dựng thêm khoảng 2,2 triệu mét vuông sàn.

Là một trong những đơn vị triển khai các dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội, ông Bùi Viết Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long chia sẻ: "Mặc dù nhà ở xã hội được ưu đãi thuế đất, nhưng bị khống chế về giá. Do đó, lợi nhuận sẽ không bằng đầu tư phát triển nhà ở thương mại nếu không được hỗ trợ vốn vay ưu đãi"...

Về giải pháp gỡ khó khăn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng thông tin, bên cạnh cải cách thủ tục hành chính, hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện dự án, từ năm 2019, thành phố đã hình thành quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Nguồn tiền thu từ các dự án nhà ở thương mại tương đương giá trị 20-25% quỹ đất dự án (theo quy định dự án nhà ở thương mại phải dành 20-25% quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, thành phố cho phép chủ đầu tư quy đổi thành tiền). Đến nay, đã có 27 dự án nhà ở thương mại nộp hơn 2.754 tỷ đồng. Ngoài ra, còn 96 dự án chưa nộp tiền với khoảng hơn 8.249 tỷ đồng.

“Với số tiền này, Sở Xây dựng đang đề xuất UBND thành phố cho phép chuyển sang Quỹ Đầu tư phát triển thành phố quản lý, để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hoặc cho vay lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp đầu tư, người dân mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội” - ông Nguyễn Chí Dũng nói.

Sở Xây dựng cũng đề nghị UBND thành phố kiên quyết thu hồi các dự án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai, chậm tiến độ hoặc đã giao nhưng không triển khai; đồng thời có kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm bổ sung gói hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân vay tiền mua nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi.

Để thúc đẩy tiến độ xây dựng nhà ở xã hội trong thời gian tới, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giao Sở Xây dựng chủ trì, làm việc với các nhà đầu tư về tình hình thực hiện dự án, làm rõ các khó khăn, vướng mắc để xem xét, giải quyết, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ; Sở Quy hoạch - Kiến trúc kiểm tra, đôn đốc, hoàn thành công tác lập quy hoạch các khu nhà ở xã hội tập trung…

Dự kiến, cuối tháng 6-2020, thành phố Hà Nội sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư và phát triển. Tại đây, gần 100 dự án sẽ được trao chủ trương đầu tư, trong đó có 26 dự án nhà ở xã hội với số vốn là 72.000 tỷ đồng, hình thành hơn 3 triệu mét vuông nhà ở xã hội để cung cấp ra thị trường cho các đối tượng thu nhập thấp trong những năm tới.

 DẠ  KHÁNH/HNM

Theo http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Bat-dong-san/967516/go-kho-de-phat-trien-nha-o-xa-hoi

Tin cùng chuyên mục

Ra mắt Câu lạc bộ Nhà báo bảo vệ quyền trẻ em

Ra mắt Câu lạc bộ Nhà báo bảo vệ quyền trẻ em

(PNTĐ) - Sáng 18/7, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam đã tổ chức lễ ra mắt Câu lạc bộ Nhà báo bảo vệ quyền trẻ em. Đây là tổ chức tự nguyện của các nhà báo, hội viên Hội Nhà báo các cấp và những người hoạt động truyền thông liên quan đến trẻ em, do Tổng Biên tập Tạp chí Trẻ em Việt Nam Nguyễn Mạnh Huy làm Chủ nhiệm.
Thiêng liêng và xúc động với hành trình “Về nguồn” của Công an Hà Nội

Thiêng liêng và xúc động với hành trình “Về nguồn” của Công an Hà Nội

(PNTĐ) - Ngày 18/7, đoàn công tác Công an thành phố Hà Nội do Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền, Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc Công an thành phố làm trưởng đoàn đã thực hiện chương trình “Về nguồn” đầy ý nghĩa và xúc động khi đến thăm Khu di tích Nha Công an Trung ương (xã Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang).
“Sinh con là quyền – Nuôi dạy con tốt là trách nhiệm”

“Sinh con là quyền – Nuôi dạy con tốt là trách nhiệm”

(PNTĐ) - Ngày Dân số Thế giới 11/7 năm nay có chủ đề: “Quyền tự quyết về sinh sản trong một Thế giới đang thay đổi”. Chủ đề của ngày Dân số Thế giới được xác định trong bối cảnh thế giới nói chung, trong đó có Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số tăng nhanh, gây nguy cơ suy giảm và thiếu hụt nguồn lao động trong tương lai.