Góp ý sửa đổi Hiến pháp: Tạo cơ sở hiến định để phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp
(PNTĐ) - Sáng 15/5, UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, Hiến pháp là văn kiện chính trị - pháp lý đặc biệt quan trọng, là đạo luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất, quy định những nguyên tắc nền tảng về tổ chức bộ máy Nhà nước, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, ngày 5/5/2025, Quốc hội khóa XV đã thảo luận và thông qua Nghị quyết số 194/2025/QH15 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; đồng thời, quyết định xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp với phạm vi sửa đổi tập trung vào các quy định về MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương.

Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp nhằm tạo cơ sở hiến định triển khai đồng bộ, thống nhất chủ trương của Đảng về tinh gọn bộ máy từ Trung ương đến cơ sở; bảo đảm hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển giàu mạnh.
Mọi sự thay đổi, điều chỉnh trong Hiến pháp đều tác động trực tiếp đến đời sống chính trị, pháp lý và xã hội. Do đó, việc lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân; phát huy trí tuệ, tâm huyết và tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của toàn dân, đảm bảo Hiến pháp phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang đề nghị, các đại biểu nghiên cứu kỹ toàn bộ nội dung, tích cực tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến có chất lượng đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản đồng tình, thống nhất cao với dự thảo Nghị quyết; đồng thời, tham gia đóng góp ý kiến làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến sắp xếp lại các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng trực thuộc MTTQ Việt Nam; quy định về tổ chức đơn vị hành chính; chính quyền địa phương; những quy định về quyền chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và cấp khu vực để đảm bảo cơ chế kiểm soát quyền lực của địa phương...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Hoàng Việt Phương đề nghị, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh truyền thông kịp thời, rộng rãi tới các tầng lớp nhân dân về việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013. Đặc biệt, các đơn vị, địa phương phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của cơ quan thông tin, báo chí, phương tiện truyền thông để nhân dân hiểu rõ, hiểu đúng, đầy đủ về mục đích, ý nghĩa và những nội dung sửa đổi Hiến pháp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp ý kiến.
Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc việc tổ chức lấy ý kiến, tổng hợp kết quả lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; tổng hợp kết quả lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị, địa phương, xây dựng dự thảo Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn tỉnh, trình UBND tỉnh chậm nhất ngày 25/5/2025.
Theo Đại tá Hoàng Trọng Vỹ, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang, xác định việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 là cần thiết, Công an tỉnh đã ban hành văn bản số 3206/CAT-QLHC ngày 13/5/2025 về phối hợp triển khai tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều Hiến pháp năm 2013 trên ứng dụng VNeID.
Theo đó, Công an tỉnh đề nghị, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo tuyên truyền rộng rãi; 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện và vận động người thân trong gia đình tham gia ý kiến qua ứng dụng VNeID mức 2. Công an cấp xã thiết lập các điểm hỗ trợ cố định hoặc lưu động, thực hiện theo hình thức “cuốn chiếu” tùy theo điều kiện thực tiễn để hỗ trợ nhân dân. Qua đó, Công an tỉnh đảm bảo mục tiêu 100% công dân trên địa bàn có tài khoản định danh mức 2 đang hoạt động tham gia đóng góp ý kiến qua ứng dụng VNeID; trên 90% công dân trên địa bàn tham gia qua ứng dụng VNeID có ý kiến đồng thuận, tán thành với dự thảo Nghị quyết. Thời gian thực hiện đến hết ngày 25/5/2025.
Theo https://baotintuc.vn/thoi-su/tao-co-so-hien-dinh-de-phu-hop-voi-mo-hinh-to-chuc-chinh-quyen-dia-phuong-2-cap-20250515124547260.htm