Hà Nội: Cẩn thận sập bẫy lừa giả danh Cảnh sát phòng cháy
(PNTĐ) - Trong thời gian này, Công an thành phố Hà Nội đang thực hiện đợt tổng kiểm tra, rà soát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) đối với loại hình "nhà trọ", các đối tượng lừa đảo có thể lợi dụng việc này để giả danh Cảnh sát phòng cháy, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác.
Mới đây, Công an huyện Đan Phượng, Hà Nội phát đi khuyến cáo về việc các đối tượng gọi điện thoại đến một số cơ sở, doanh nghiệp, người dân mới đăng ký kinh doanh yêu cầu mua sách, tài liệu liên quan đến công tác PCCC để lừa đảo lấy tiền.
Một số chủ cơ sở kinh doanh, người dân trên địa bàn huyện nhận được điện thoại của đối tượng tự xưng là cán bộ Đội Cảnh sát PCCC Công an huyện Đan Phượng, tổ chức phối hợp tổ chức lớp tập huấn PCCC cho các hộ kinh doanh, do thời gian tập huấn ngắn nên lực lượng Công an có chuyển phát nhanh một bưu phẩm gồm các tài liệu và thư mời tập huấn cho chủ cơ sở.
Theo đó, các đối tượng giả danh Cảnh sát PCCC đã yêu cầu chủ cơ sở đóng 490.000 đồng, khi nhận bưu phẩm để làm lệ phí cấp giấy chứng nhận sau khi tập huấn xong… Do nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo nên chủ cơ sở đã trình báo với Công an huyện Đan Phượng thì được biết không có thông báo tập huấn trên.
Chia sẻ với phóng viên, Thượng tá Đặng Trung Kiên, Phó trưởng Công an huyện Đan Phượng cho biết, các đối tượng xấu đã lợi dụng Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính Phủ về về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới, trong đó mục tiêu đặt ra là 100% hộ gia đình nhà ở, hộ gia đình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh ký cam kết bảo đảm an toàn PCCC và mỗi hộ gia đình nhà để ở, hộ gia đình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh có ít nhất 1 người được tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng PCCC và cứu nạn, cứu hộ; 100% người làm nhiệm vụ PCCC tại các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC phải được tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ về PCCC…
Cũng theo Công an huyện Đan Phượng khẳng định, đây là những hành vi vi phạm pháp luật. Lực lượng Cảnh sát PCCC không tổ chức việc trang bị phương tiện chữa cháy, hay bán tài liệu qua điện thoại, hoặc qua chuyển phát nhanh. Mọi thông báo đều bằng văn bản, hoặc Công an xã có thông báo đến cơ sở hoặc tổ, cụm dân cư.
Cán bộ Cục Cảnh sát hình sự kiểm tra quần áo bảo hộ PCCC mà các đối tượng lừa đảo gửi cho các bị hại.
Hiện nay, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đang tập trung thực hiện tổng rà soát, kiểm tra PCCC và CNCH đối với loại hình nhà cho thuê, nhà ở nhiều căn hộ, chung cư mini… Dự báo, đây có thể là cơ hội cho các đối tượng lợi dụng để lừa đảo, vi phạm pháp luật.
Theo tìm hiểu, các đối tượng thường nhắm tới các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, nhất là cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự hoặc cơ sở mới đi vào hoạt động, đặc biệt là tại khu vực nông thôn, tại các huyện, nhằm đánh vào tâm lý của các chủ cơ sở. Tinh vi hơn, để tạo niềm tin, các đối tượng sử dụng luôn tên của các cán bộ thuộc lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH các cấp, thông báo sắp có đợt kiểm tra, tập huấn nghiệp vụ PCCC, ra điều kiện yêu cầu chủ cơ sở phải làm thủ tục giấy tờ, mua sách, tài liệu về PCCC và CNCH.
Theo thống kê của Bộ Công an, hiện đã có 52/63 địa phương xảy ra các vụ việc nhiều đối tượng giả danh cán bộ Cảnh sát PCCC và CNCH để lừa đảo. Mặc dù hình thức lừa đảo này xuất hiện nhiều năm nay và đã được cảnh báo. Tuy nhiên, một số cơ sở chưa kịp thời nắm bắt thông tin nên đã bị các đối tượng lừa đảo.
Đại diện Phòng Cảnh sát PCCC - Công an TP Hà Nội cho biết, hành vi của các đối tượng không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tạo dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của lực lượng Công an nhân dân nói chung và Cảnh sát PCCC nói riêng.
Công an Hà Nội khuyến cáo, để không bị mắc bẫy, người dân, chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh không nên giao dịch, mua bán và làm việc với các đối tượng lạ tự xưng là công an qua điện thoại; tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản hoặc chuyển tiền theo yêu cầu của các đối tượng. Khi có các đối tượng gọi điện như vậy, cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để xác minh và ngăn chặn.