Hà Nội đứng thứ 2 về Chỉ số cải cách hành chính

Chia sẻ

PNTĐ-Năm 2018, thành phố (TP) Hà Nội đạt 83,98%, giữ vững vị trí thứ 2 trong tổng số các tỉnh thành.

 
Theo bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) do Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ công bố, năm 2018, thành phố (TP) Hà Nội đạt 83,98%, giữ vững vị trí thứ 2 trong tổng số các tỉnh thành.
 
Đây là kết quả từ sự đổi mới, sáng tạo của cả hệ thống chính trị để ngay từ cơ sở, mỗi cán bộ, công chức, viên chức đều làm việc với tâm thế: Lấy doanh nghiệp và nhân dân là tâm điểm phục vụ. Trong năm 2018, TP đã tập trung tăng cường các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp về thể chế cũng như về thủ tục hành chính; khuyến khích khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư...
 
Xác định rõ, CCHC cần dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, TP đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, tạo chuyển biến rõ nét; đặc biệt cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực phục vụ doanh nghiệp và đời sống dân sinh như y tế, giáo dục, giao thông, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động; bảo vệ môi trường…
 
Trong năm 2018, TP đã triển khai mô hình cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh được thực hiện trực tuyến qua mạng, kết hợp trả kết quả giải quyết hồ sơ tại nhà hoặc trụ sở của doanh nghiệp.
 
Bên cạnh đó, TP tiếp tục hoàn thiện và đưa lên mạng các dịch vụ công trực tuyến. Toàn TP hiện có 1.031 dịch vụ công trực tuyến, đạt 55% thủ tục hành chính được triển khai cung cấp theo mức độ 3, 4 góp phần tăng hiệu quả công việc cho các cơ quan, đơn vị, giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức, tránh được nhũng nhiễu từ cán bộ do giảm giao dịch trực tiếp.  
 
Nền tảng của công nghệ hiện đại ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác của đời sống nhằm gia tăng sự tiện lợi cho người dân, minh bạch trong quản lý như dịch vụ đỗ xe thông minh qua phần mềm trực tuyến Iparking tại tất cả các quận nội thành; thí điểm biên lai điện tử tại một số cơ quan thu phí đối với dịch vụ hành chính công; thí điểm, đầu tư mở rộng lắp camera giám sát theo dõi xử lý vứt rác thải, đỗ xe, bán hàng không đúng quy định... tại một số tuyến đường liên phường, khu dân cư, tổ dân phố ở quận Long Biên, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm…; thí điểm vận hành chuỗi “Cửa hàng tự động”; vận hành mạng lưới “Máy bán hàng tự động” tại các địa điểm công cộng… đã nhanh chóng được người dân đón nhận và đánh giá cao. 
 
Nhờ những chính sách cải cách mạnh mẽ và hỗ trợ kịp thời, Hà Nội đã tạo nên những bứt phá ngoạn mục trong thu hút đầu tư. Năm 2018, lần đầu tiên đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với 7,5 tỷ USD, đây cũng là con số cao nhất về thu hút vốn FDI mà TP đạt được trong vòng 30 năm qua.
 
Trong 4 tháng đầu năm 2019, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước thu hút FDI chiếm 30,6% tổng vốn đăng ký… Những con số trên góp phần minh chứng cho sự chuyển mình rõ nét của Thủ đô.
 
Lan Anh

Tin cùng chuyên mục

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

(PNTĐ) - Tại Hội nghị Geneve, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kiên định với lập trường: "Đi tới một giải pháp hoàn chỉnh là đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương".