Hầm chui - giảm “điểm đen” ùn tắc giao thông

Bài và ảnh VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) -Để giải quyết vấn đề giảm ùn tắc giao thông, thành phố Hà Nội đã và đang đầu tư xây dựng loạt nút giao thông khác mức như trên cao, đường bằng và hầm chui. Một số công trình hầm chui đi vào hoạt động đã phát huy tác dụng góp phần lưu thông nhanh chóng tại các nút giao vốn được coi là “điểm đen” nhiều năm nay.

Hầm chui - giảm “điểm đen” ùn tắc giao thông  - ảnh 1
Hầm chui đường Tố Hữu - Lê Văn Lương cắt qua đường Khuất Duy Tiến -Vành đai 3

Xóa điểm đen ùn tắc giao thông 
Hầm chui Tố Hữu - Lê Văn Lương đi ngầm qua nút giao Khuất Duy Tiến -Vành đai 3 có tổng chiều dài hầm và gờ chắn hai đầu là 475m, khởi công vào tháng 10/2020 tổng mức đầu tư 698 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Thành phố (TP) Hà Nội. Ngày 5/10/2022, hầm chính thức được thông xe và là công trình chào mừng kỷ niệm 68 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2022). Sau khi thông xe, nút giao có tổng cộng 10 làn xe theo hướng Lê Văn Lương - Tố Hữu và ngược lại, thay vì 8 làn xe như trước.

Ghi nhận của phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô cho thấy, tròn 1 tháng sau khi hầm chui Tố Hữu - Lê Văn Lương đi vào phục vụ người dân, đã giảm hẳn tình trạng tắc đường, người tham gia giao thông thêm một phần bớt áp lực dừng chờ và xung đột giao thông như trước đây. 

Chị Lê Thị Thư, ở chung cư Ecolife Capitol, số 58 Tố Hữu cho biết: Tôi đi làm ở khách sạn Fortuna ở số 6B Láng Hạ, cách nhà chỉ 4,7km song trước đây tôi thường bị tắc đường ở ngã tư Tố Hữu-Lê Văn Lương, mất thêm nhiều thời gian chờ đợi. Nay, từ khi có hầm chui tại đây, đường rộng, đẹp, tôi không còn bị tắc ở nút giao này nữa và đến nơi làm việc được nhanh hơn.

Quan sát nút giao được xem là “điểm đen” ùn tắc giao thông trước đây, nay đã được giải tỏa. Tại đây, với ba mức lưu thông là đường Vành đai 3 trên cao, đường bằng Tố Hữu - Lê Văn Lương và Khuất Duy Tiến đang phục vụ lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất đông song với hình thái nút giao mới hiện đại, đã mang lại hiệu quả rõ rệt là không còn cảnh tắc nghẽn như trước đây. 

Hầm chui Tố Hữu - Lê Văn Lương là hầm chui thứ tư của Hà Nội đi vào hoạt động. Trước đó, hầm chui Kim Liên - Xã Đàn khánh thành năm 2009, kết nối đường Trần Khát Chân và Kim Liên, Xã Đàn thuộc tuyến đường Vành đai 1. Hầm chui Trung Hòa kết nối đường Trần Duy Hưng với đại lộ Thăng Long và hầm nút giao Thanh Xuân, giữa đường Nguyễn Trãi với Khuất Duy Tiến-Vành đai 3 cùng đưa vào sử dụng năm 2016. Các hầm chui này đi vào hoạt động đều thực hiện được “sứ mệnh” giải quyết được ùn tắc tại chỗ một cách rõ rệt.

Ngày 6/10, UBND Thành phố khởi công hầm chui nút giao Vành đai 2,5 ở ngã ba đường Giải Phóng - Kim Đồng, kinh phí 778 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố, dự kiến hoàn thành sau 3 năm. Hầm chui quy mô 4 làn xe, tổng chiều dài hầm và đường dẫn 890m, trong đó hầm kín dài 140m, hầm hở dài 320m.

Kết nối giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội
Theo đánh giá của các chuyên gia, hầm chui dọc tuyến đường Vành đai 3 như hầm chui Trần Duy Hưng - Thăng Long và hầm chui Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến đi vào hoạt động đều đã phát huy tác dụng rõ nét, hóa giải tình trạng ùn tắc tại các điểm giao phức tạp. Đồng thời, phát huy vai trò tích cực, quan trọng đối với các tuyến đường hướng tâm trọng yếu khu vực cửa ngõ phía Tây và Tây Nam Hà Nội. Việc hình thành các nút giao khác mức (trên cao, đường bằng, hầm chui) được cho là biện pháp hiệu quả để giảm thiểu xung đột giao thông tại các nút giao lớn, nhất là trong khu vực đô thị đông dân cư. TP Hà Nội đã rất nỗ lực đầu tư cho hạ tầng, góp phần kết nối phục vụ vận tải, hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Cũng theo các chuyên gia, kết cấu hạ tầng là nguồn lực chính của giao thông nên phải có phương án tổ chức giao thông phù hợp, giữ gìn kỷ cương, luật pháp nghiêm minh, nâng cao ý thức người tham gia giao thông mới có thể tận dụng được tối đa nguồn lực hạ tầng.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đánh giá, tuyến đường Vành đai 3 có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống giao thông vận tải của Thủ đô. Đây vừa là trục giao thông đối nội, vừa là trục giao thông quá cảnh kết nối giao thông nhiều tỉnh, thành phố với trung tâm Thủ đô nên có lưu lượng xe rất lớn.

Theo quy hoạch giao thông vận tải TP Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016, trên tuyến đường Vành đai 3 dự kiến sẽ đầu tư xây dựng đồng bộ các nút giao khác mức: Nút giao đường trục Tây Thăng Long - Vành đai 3; nút giao đường Hoàng Quốc Việt-Vành đai 3; nút giao đường Mễ Trì - Dương Đình Nghệ-Vành đai 3. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

(PNTĐ) - Dịp nghỉ lễ Giải phóng miền Nam 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày, nhiều gia đình chọn đi du lịch bằng xe ôtô tự lái. Để chuyến đi được an toàn, có mấy lưu ý sau: