Hàng giả, hàng lậu lộng hành trên không gian mạng

Chia sẻ

Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang cận kề, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao. Đây cũng là thời điểm hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng lộng hành. Các đối tượng sử dụng nhiều chiêu thức, thủ đoạn tinh vi đưa hàng vi phạm lên không gian mạng đang tạo ra những thách thức đối với lực lượng chức năng.

Gian lận thương mại trên môi trường mạng gia tăng

Theo ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục Điều tra Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, tình hình kinh doanh hàng gian, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ đang có chiều hướng gia tăng; đặc biệt là các mặt hàng thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch như: Găng tay y tế, khẩu trang, dụng cụ sát khuẩn; các loại thuốc lá, thực phẩm chức năng, thời trang giả nhãn hiệu nước ngoài. Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, lực lượng chức năng liên tục phát hiện, bắt giữ, nhiều vụ liên quan đến các mặt hàng trên và vi phạm chủ yếu diễn ra ở các cửa hàng kinh doanh trực tuyến (online).

Việc kiểm soát hàng hóa trên nền tảng internet khiến cơ quan chức năng vất vả hơn trước rất nhiều, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) chỉ ra rằng, việc đặt hàng qua các sàn thương mại điện tử như: Tiki, Shopee, Lazada... để đưa hàng từ nước ngoài vào Việt Nam rất dễ dàng. Đặc thù của việc kinh doanh online là người bán không có gian hàng thực tế nên rất khó kiểm tra.

Có khi họ chỉ lập ra website hoặc gian hàng ảo trong một thời gian ngắn và bán hết lô hàng thì đóng cửa, nên khi cơ quan chức năng phát hiện thì không xử lý được. Theo ông Lê, dịp cuối năm nhu cầu mua sắm tăng cao, tâm lý sính hàng ngoại, đồng thời một bộ phận cán bộ ngó lơ hoặc tiếp tay cho việc buôn lậu đã khiến cho tình hình chống hàng gian, hàng giả trở nên phức tạp hơn trước.

Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an Hà Nội cùng các ngành chức năng phát hiện vụ tàng trữ kho sách lậu lớn tại Cầu Giấy và Bắc Từ LiêmPhòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an Hà Nội cùng các ngành chức năng phát hiện vụ tàng trữ kho sách lậu lớn tại Cầu Giấy và Bắc Từ Liêm

Cần sự hợp lực từ người tiêu dùng

Nhận định tình hình buôn lậu, hàng giả, hàng nhái dịp cuối năm 2021 sẽ diễn biến phức tạp, ông Lê Thanh Hải, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho hay, các đối tượng sẽ tìm mọi phương thức, thủ đoạn để buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, như tẩy, xóa hạn sử dụng… Đồng thời, các thủ đoạn đặt sản xuất hàng giả, giả mạo nhãn hiệu, hàng nhái từ nước ngoài rồi nhập về tiêu thụ trong nước. Các đối tượng lợi dụng các website, trang mạng xã hội như facebook, zalo... để rao bán, quảng cáo, khuyến mãi nhiều mặt hàng giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng kém chất lượng.

Để chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, ông Lê Thanh Hải cho biết, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu các cơ quan chức năng chủ động nắm chắc diễn biến tình hình, tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin, phối hợp kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán.

Bên cạnh đó, phân công rõ trách nhiệm quản lý, kiểm soát địa bàn cho từng cơ quan chức năng thuộc địa phương và Trung ương đóng tại địa bàn; kiểm soát các hành vi lợi dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, mua, bán online, mạng xã hội để kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Theo ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục Điều tra Chống buôn lậu, việc tăng cường kiểm soát việc kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử là những nội dung mới, trọng tâm trong kế hoạch tập trung kiểm tra cuối năm nay.
Trong công tác phòng, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng, phải đặc biệt đề cao đến các biện pháp phòng ngừa.

Do vậy, công tác tuyên truyền phổ biến là rất quan trọng, phải đổi mới, sáng tạo các hình thức truyền thông. Bên cạnh các biện pháp truyền thống, phải tận dụng sức mạnh từ các nền tảng mạng xã hội, tuyên truyền, phổ biến cho người tiêu dùng, doanh nghiệp cách nhận biết, phân biệt hàng thật, hàng giả, sáng suốt lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để tự bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của chính mình.

HOÀNG NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục

Tác động kép của Hiệp định FTA thế hệ mới đối với ngành thủ công mỹ nghệ

Tác động kép của Hiệp định FTA thế hệ mới đối với ngành thủ công mỹ nghệ

(PNTĐ) - Theo số liệu của Ngành Công thương, xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ (TCMN) của Việt Nam hiện đạt khoảng 3,5 tỷ USD/năm, trong khi quy mô thị trường TCMN toàn cầu đạt 752,2 tỷ USD và được kỳ vọng tăng 10% mỗi năm. Điều đó cho thấy, Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để có thị trường mới.
Dấu xưa nơi làng Cựu

Dấu xưa nơi làng Cựu

(PNTĐ) - Làng Cựu thuộc xã Vân Từ (huyện Phú Xuyên), cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km và nổi tiếng chỉ sau làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây). Đây là một trong ít nơi trên cả nước vẫn còn lưu dấu những căn biệt thự có kiến trúc pha lẫn Việt - Pháp - Hoa cổ kính.