Hàng hóa dồi dào, Hà Nội đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu người dân

Chia sẻ

Thực hiện Công điện số 15 ngày 18/7/2021 của UBND TP Hà Nội về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19, ngay trong sáng ngày 19/7, ghi nhận của phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô tại các chợ dân sinh và siêu thị, nông sản, thực phẩm bày bán khá phong phú, dồi dào, giá cả cơ bản vẫn giữ ổn định.

Vừa mua thực phẩm, vừa lo phòng dịch

Từ 6h sáng 19/7, chợ Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, tất cả người dân ra vào chợ đều đeo khẩu trang, một số chị em cẩn thận đeo thêm kính chắn giọt bắn. Bà Nguyễn Thị Kim Anh - Trưởng ban quản lý chợ Thanh Xuân Bắc cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thành phố, các quầy hàng kinh doanh quần áo, vàng mã… không thiết yếu đã tạm dừng hoạt động nên người dân đến chợ chủ yếu mua thực phẩm, rau xanh hàng ngày.

Chị Hiền - chủ quầy rau tại chợ cho biết: Nguồn hàng nhập không có dấu hiệu khan hiếm. Do ảnh hưởng tâm lý, giá bán rau xanh nhích thêm 1-2 giá chứ không tăng đột biến.

Kệ hàng đầy ắp rau xanh, thực phẩm tại siêu thị Vinmart ngõ 3 Tôn Thất Thuyết sáng ngày 19/7, phường Dịch Vọng Hậu, Hà NộiKệ hàng đầy ắp rau xanh, thực phẩm tại siêu thị Vinmart ngõ 3 Tôn Thất Thuyết sáng ngày 19/7, phường Dịch Vọng Hậu, Hà Nội (Ảnh: Diệu Linh)

Tại chợ Gia Lâm, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, hơn 60/100 hộ kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu (gồm quần áo, giày dép và hàng ăn tại chỗ) đã tạm dừng hoạt động; chỉ còn các quầy bán rau xanh, thực phẩm thiết yếu hàng ngày là mở cửa phục vụ khách. Theo ông Nguyễn Thế Trọng - Trưởng ban quản lý chợ cho biết: Để đảm bảo yêu cầu phòng dịch, Ban quản lý chợ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền người bán hàng không tăng giá; người mua không tích trữ quá nhiều thực phẩm; đặc biệt thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K để phòng chống dịch.

Tại một số chợ dân sinh khác tại quận Hoàn Kiếm, ngay từ đầu giờ sáng, lực lượng dân phòng chốt trực, liên tục nhắc nhở các quầy bày hàng hóa gọn gàng, không được để cho khách đứng mua quá 5 người/quầy…

Khảo sát nhiều siêu thị trên địa bàn thành phố, không còn cảnh khách xếp hàng dài chờ thanh toán hay khan hiếm thực phẩm. Tại các quầy rau xanh, thịt tươi sống… luôn được lấp đầy các kệ.

Ngày 19/7, AEON Việt Nam cũng tăng thêm trữ lượng hàng tươi sống lên 1,5-2 lần để đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của khách hàng. Trước đó được sự hỗ trợ của Sở Công Thương và Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, AEON Việt Nam đã phối hợp với các nhà cung cấp đăng ký thông tin phương tiện, tài xế và tuyến đường của các chuyến xe giao hàng cho siêu thị AEON.

Theo ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng Giám đốc Công ty BRG Retail, doanh nghiệp đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp để tăng lượng dự trữ hàng hóa tại từng điểm bán lên khoảng 300% và tăng gấp 10 lần tại kho hàng trung tâm. Trong đó, tập trung chủ yếu vào nhóm 13 mặt hàng thiết yếu cần bình ổn giá, gồm: Gạo, thịt gà, trứng gà, thực phẩm chế biến, đồ hộp, thủy hải sản đông lạnh, bún mỳ phở ăn liền, gia vị, rau củ quả… đáp ứng mọi nhu cầu khách hàng.

Ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc miền Bắc hệ thống siêu thị Vinmart cho biết: Trên địa bàn thành phố có hơn 800 điểm bán hàng Vinmart và 51 siêu thị lớn. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhà phân phối đã lên kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu tăng gấp 3 lần; trứng và rau xanh tăng gấp 5 lần so với ngày thường và đang tiếp tục tăng dự trữ các loại rau củ có thể bảo quản lâu như bí xanh, khoai tây…; làm việc với các nhà cung ứng thịt tươi sống để lên kế hoạch sản xuất đảm bảo không để tình trạng kệ hàng bị trống. Với 4 kho hàng lớn ở các tỉnh lân cận, đại diện hệ thống siêu thị Vinmart cam kết vận chuyển hàng hóa xuyên đêm để đưa về các siêu thị lớn và đảm bảo đủ hàng hóa thiết yếu cung cấp liên tục cho người dân từ 9-15 ngày. Riêng các mặt hàng mỳ tôm, nước mắm… đủ cung cấp đến 45 ngày liên tục.

Đại diện các doanh nghiệp phân phối và sản xuất như Big C, Saigon Co.opmart, công ty cổ phần phần chăn nuôi C.P, công ty thực phẩm Vissan… cho biết: Đã tăng dự trữ lượng hàng hóa thiết yếu từ 3-5 lần. Tại các siêu thị ở nội thành, các kho đã tập kết kín hàng để đảm bảo liên tục bổ sung hàng hóa và cam kết không tăng giá bán thời điểm này.

Đề xuất cho xe các tỉnh, thành lưu thông, vận chuyển hàng hóa phòng chống dịch

Nhằm đảm bảo nguồn hàng tiêu dùng thiết yếu, Sở Công Thương Hà Nội đã tăng cường liên kết với các tỉnh, thành khu vực phía Bắc; nắm rõ các doanh nghiệp chủ lực sản xuất hàng công nghiệp, nông sản tại các địa phương để cung cấp cho các đơn vị phân phối của Hà Nội chủ động liên hệ, ký kết nguồn hàng, sẵn sàng cung cấp lượng hàng cần thiết khi Hà Nội có nhu cầu.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan khẳng định, Hà Nội bảo đảm dự trữ đầy đủ 17 nhóm hàng thiết yếu, đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng của người dân khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Lượng hàng hóa chuẩn bị sẵn sàng phục vụ nhân dân trên địa bàn trong 3 tháng khoảng 194.000 tỷ đồng; hàng hóa dự kiến hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố khoảng 21.500 tỷ đồng. Ngành Công Thương Hà Nội dự trữ 836.000 tấn gạo, 167.346 tấn thịt lợn, thịt trâu bò 48.150 tấn, 55.782 tấn thịt gia cầm, trên 1 triệu quả trứng gia cầm…Theo đó, căn cứ theo mức độ lây lan của dịch đã xác định tổng trị giá lượng hàng hóa phục vụ nhân dân tại các khu vực cách ly, phong tỏa theo cấp độ như sau: Cấp độ 1 từ 20 ca nhiễm đến dưới 1.000 trường hợp mắc bệnh trở lên là 313,78 tỷ đồng; cấp độ 2 từ 1.000-3.000 trường hợp mắc là 1.048,71 tỷ đồng; cấp độ 3 từ trên 3.000-30.000 trường hợp mắc là 5.359,05 tỷ đồng.

Trước khó khăn về vận chuyển hàng hóa thiết yếu của doanh nghiệp, Sở Công Thương đã đề xuất UBND TP Hà Nội chấp thuận cho phép 132 xe ôtô, xe sitec của 20 doanh nghiệp được hoạt động 24/7 cung ứng hàng hóa thiết yếu, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu nhân dân, bình ổn thị trường và công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, Sở tiếp tục trình TP cho phép thống nhất phương án chấp thuận cho xe các tỉnh, thành phố và xe của doanh nghiệp lưu thông 24/7 ngày phục vụ vận chuyển hàng hóa phòng, chống dịch.

Sở Công Thương cũng phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Công an thành phố Hà Nội tạo điều kiện cho 495 xe ôtô chở hàng hóa, nông sản, nguyên vật liệu tỉnh Bắc Giang được phép lưu thông trên địa bàn Hà Nội. Đối với lưu thông liên tỉnh, Bộ GTVT đã có giấy phép luồng xanh, doanh nghiệp nào cần cấp luồng xanh gửi ngay về Sở để Sở gửi Bộ GTVT cấp luồng xanh cho hệ thống phân phối đi liên tỉnh nhanh nhất.

 Dẹp chợ cóc, chợ tạm, hạn chế tập trung đông người

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND thành phố, chính quyền các địa phương phối hợp với công an, dân phòng ra quân, xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm tại các khu dân cư, hạn chế tập trung đông người, đảm bảo các yêu cầu phòng dịch. Trung tá Vũ Hữu Thái - Phó Trưởng công an phường Thành Công, quận Ba Đình cho biết: Sáng 19/7, công an phường phối hợp với lực lượng tăng cường của công an quận Ba Đình kiểm tra việc chấp hành Công điện số 15 trên địa bàn quận, trong đó có việc giải tỏa chợ cóc xung quanh chợ Thành Công. Lực lượng công an phường đã dựng rào chắn, căng dây giữa một số dãy nhà để chống tái chiếm, yêu cầu các hộ kinh doanh không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, không gian chung để bày bán hàng hóa.

Tương tự, tại phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, lực lượng công an phường đã cho lập hàng rào và căng dây để người bán và người mua giữ khoảng cách; ngay đầu chợ, tổ chức cắm chốt nhắc nhở bà con về chủ trương phòng chống dịch trong giai đoạn hiện nay.

Tại phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, lực lượng chức năng đã tuyên truyền, tuần tra, giải tỏa hàng rong; lắp 8 camera giám sát tại 3 ngõ 323, 92, 66 dẫn vào chợ Gia Lâm. Trong những ngày tới, lực lượng công an và dân phòng tăng cường kiểm tra đột xuất 3 ca/ngày để giải toả tất cả các điểm hàng rong, người tụ tập khu vực vườn hoa Gia Lâm và các ngõ ngách trên địa bàn.

HẠNH LÊ - VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

(PNTĐ) - Tại Hội nghị Geneve, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kiên định với lập trường: "Đi tới một giải pháp hoàn chỉnh là đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương".