Hậu giãn cách, nhiều địa phương thí điểm du lịch nội địa

Chia sẻ

Sau khi kiểm soát được dịch bệnh, nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc đã gấp rút triển khai kế hoạch mở cửa các điểm du lịch, khu nghỉ dưỡng dành cho người dân nội tỉnh với nhiều tiêu chí đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, qua đó từng bước khôi phục thị trường du lịch nội địa.

Du khách tham quan, trải nghiệm tại một vườn quả tại thị trấn Bắc Hà, tỉnh Lào CaiDu khách tham quan, trải nghiệm tại một vườn quả tại thị trấn Bắc Hà, tỉnh Lào Cai

Đảm bảo các điều kiện đón khách an toàn

Ngày 21/9, tỉnh Quảng Ninh đã cho phép một số dịch vụ, các điểm đến di tích, danh thắng, cơ sở dịch vụ hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới. Theo Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, trước mắt, tỉnh kết nối du lịch Quảng Ninh - Hải Phòng, tận dụng cơ hội an toàn dịch bệnh giữa 2 địa phương, đặc biệt là tuyến phà Tuần Châu - Cát Bà và Lan Hạ - Cát Bà - Hạ Long. Điều kiện để du khách từ các tỉnh tham gia các hoạt động du lịch tại Quảng Ninh là phải có xét nghiệm RT-PCR trong vòng 48 giờ, tiêm đủ vắc-xin 2 mũi và sau khi hoàn thành tour sẽ được test nhanh. Tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu các đơn vị du lịch, khu nghỉ dưỡng đón khách với 50% công suất để bảo đảm an toàn, xây dựng các mô hình du lịch lưu trú dài ngày, sử dụng dịch vụ khép kín, được kiểm soát chặt chẽ ở mọi khâu, đảm bảo an toàn cho chính du khách và không gây rủi ro về dịch bệnh cho cộng đồng. Ngoài ra, tỉnh này yêu cầu người vận chuyển hàng hóa cung cấp dịch vụ phải tiêm 2 mũi vắc-xin, xét nghiệm âm tính; Nhân viên trong ngành du lịch thực hiện theo mô hình 3 tại chỗ, có xét nghiệm tầm soát hàng ngày.

Từ tuần thứ hai tháng 9, tỉnh Lào Cai khôi phục lại một số hoạt động dịch vụ, du lịch dành cho người dân trong tỉnh. Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, công tác kiểm soát khách du lịch được thực hiện nghiêm túc theo thông điệp 5K, quét mã QR để phục vụ công tác truy vết…

Mùa thu đông cũng là giai đoạn cao điểm của du lịch Hà Giang. Vì vậy, sau khi kiểm soát tốt dịch bệnh, tỉnh Hà Giang đã mở cửa các khu du lịch, cho phép các hoạt động kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú hoạt động để đón khách du lịch trong tỉnh. Để kích cầu du lịch, tỉnh Hà Giang sẽ giảm 50% phí tham quan tại các điểm danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa; Khuyến khích các điểm du lịch, khu vui chơi giải trí do doanh nghiệp tư nhân đầu tư cơ cấu lại giá vé vào cổng, giá dịch vụ; Có chính sách miễn, giảm giá vé cho từng đối tượng khách đi theo đoàn, khách cư trú trong tỉnh, khu vực.

Sẽ có chương trình quy mô toàn quốc khôi phục du lịch nội địa

Trong những ngày tới, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của lãnh đạo các địa phương, các Sở Du lịch, Hiệp hội du lịch các địa phương, Hiệp hội du lịch Việt Nam dự kiến sẽ công bố chương trình “Khôi phục du lịch nội địa toàn quốc khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19 đợt 4”.

Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội du lịch Việt Nam cho biết: Chương trình là hoạt động khắc phục hậu quả nặng nề do dịch Covid-19 sau đợt dịch thứ tư. Tuy hiện nay dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng để trở về trạng thái không có ca F0 trong cộng đồng là khó khả thi. Do đó, ở trạng thái bình thường mới với việc “sống chung với dịch bệnh” đòi hỏi các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ du lịch có giải pháp phù hợp, thích ứng với giai đoạn tiếp theo để tổ chức các hoạt động du lịch an toàn cho du khách và cộng đồng

Một trong những nội dung quan trọng của chương trình “Khôi phục du lịch nội địa toàn quốc khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19 đợt 4” được Hiệp hội Du lịch Việt Nam xây dựng là đưa ra các tiêu chí an toàn đối với các bên tham gia hoạt động du lịch. Cụ thể, đối với khách du lịch từ 18 tuổi trở lên, phải tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 hoặc đã hồi phục sau khi bị nhiễm SARS-CoV-2. Với khách du lịch dưới 18 tuổi, phải có xét nghiệm PCR trong vòng 48 giờ trước khi tham gia chương trình du lịch nội tỉnh. Đối với doanh nghiệp lữ hành phải thực hiện tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho 100% người lao động…Đối với các cơ sở lưu trú, doanh nghiệp dịch vụ du lịch (vận chuyển, điểm đến, ăn uống) phải thực hiện tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đầy đủ cho lực lượng lao động, nhân viên phục vụ; Thực hiện các quy định phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế. Đối với các điểm du lịch thuộc “vùng xanh” - vùng an toàn, để hạn chế tập trung đông người, chỉ phục vụ số lượng khách không quá 30% công suất…

Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Hiệp hội Du lịch Việt Nam yêu cầu các đơn vị du lịch chỉ lựa chọn những điểm du lịch, đơn vị cung cấp dịch vụ cho đoàn khách bảo đảm tiêu chí an toàn; Xây dựng các tuyến du lịch và phương pháp vận chuyển theo lộ trình an toàn. Khi xây dựng chương trình du lịch phải quy định rõ chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2, chi phí điều trị nếu khách trở thành F0. Ngoài bảo hiểm du lịch thông thường, còn phải có bảo hiểm với trường hợp nhiễm SARS-CoV-2…

VIỆT BÁCH

Tin cùng chuyên mục

Tác động kép của Hiệp định FTA thế hệ mới đối với ngành thủ công mỹ nghệ

Tác động kép của Hiệp định FTA thế hệ mới đối với ngành thủ công mỹ nghệ

(PNTĐ) - Theo số liệu của Ngành Công thương, xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ (TCMN) của Việt Nam hiện đạt khoảng 3,5 tỷ USD/năm, trong khi quy mô thị trường TCMN toàn cầu đạt 752,2 tỷ USD và được kỳ vọng tăng 10% mỗi năm. Điều đó cho thấy, Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để có thị trường mới.