Hãy nói không với bạo lực trên cơ sở giới
(PNTĐ) - Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023, các cấp Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động thiết thực thu hút sự quan tâm không chỉ của cán bộ, hội viên phụ nữ mà còn của cả cộng đồng trong việc đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái.
Gần 63% phụ nữ từng phải chịu ít nhất 1 hình thức bạo lực
Phát biểu tại sự kiện, truyền thông Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới “Cùng chung tay, Cùng thay đổi” do Hội LHPN Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vừa qua, đồng chí Hà Thị Nga, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh: “Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, thời gian qua, Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc; đạt được nhiều kết quả tích cực về thu hẹp khoảng cách giới trong nhiều lĩnh vực".
Ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào các vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị. Tỷ lệ nữ tham gia cấp uỷ Đảng các cấp trong các nhiệm kỳ đều tăng; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 30,26% - cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực, đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á. Hơn 40% các nhà khoa học ở Việt Nam là nữ giới; tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 26,5% - thuộc top cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam là một trong những nước đi đầu về tỷ lệ nữ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình (tỷ lệ 16% so với tỷ lệ chung của các nước khoảng 10%). Trong lĩnh vực thể dục - thể thao, lần đầu tiên trong lịch sử, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam giành vé tham dự vòng chung kết Word Cup nữ 2023.
Theo Báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2023, Việt Nam đã tăng 11 bậc về bình đẳng giới so với năm 2022 (từ thứ hạng 83 lên 72 trong số 146 nước tham gia xếp hạng).
Tuy nhiên, cùng với kết quả đạt được, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em vẫn diễn ra nghiêm trọng và là những trở ngại hàng đầu trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và xây dựng xã hội phát triển, tiến bộ, văn minh ở Việt Nam.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga nhấn mạnh: "Theo kết quả đánh giá do UN Women thực hiện, 45% phụ nữ tại 13 quốc gia cho biết, họ hoặc một phụ nữ mà họ biết đã từng trải qua một dạng bạo lực kể từ khi Covid-19 xảy ra. Thống kê chưa đầy đủ (năm 2020), tại Việt Nam, bình quân mỗi ngày có 64 phụ nữ, 10 trẻ em và 7 người cao tuổi là nạn nhân của bạo lực gia đình; gần 63% phụ nữ từng phải chịu đựng ít nhất 1 hình thức bạo lực do chồng gây ra trong đời. Phụ nữ đã từng bị bạo lực có nguy cơ về vấn đề sức khoẻ tâm thần cao hơn gấp 3 lần so với những phụ nữ chưa từng bị bạo lực. Phụ nữ bị bạo lực phải chi khoảng hơn 9 triệu đồng do hậu quả của bạo lực, tương đương với 25% thu nhập hàng năm của họ".
Dưới tác động của Covid-19, áp lực bệnh tật, áp lực kinh tế và những khó khăn trong cuộc sống khiến các vụ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái có xu hướng gia tăng, làm trầm trọng thêm những thách thức hiện có và tạo ra những mối đe dọa mới.
Các cấp Hội Phụ nữ tích cực vào cuộc
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cho biết: Thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam luôn nỗ lực triển khai các hoạt động vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Cụ thể, các cấp Hội đã tập trung nguồn lực, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, trong đó, chú trọng các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ, trẻ em, điển hình là Chương trình “Mẹ đỡ đầu”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, Dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em” vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
Đặc biệt, với việc đề xuất thành công Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”, các cấp Hội tiếp tục các hoạt động hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế tập thể, tạo sinh kế và thu nhập ổn định, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình an toàn cho phụ nữ và trẻ em, trong đó, "Ngôi nhà Bình yên" của Hội đã trở thành mô hình điển hình, hỗ trợ toàn diện cho phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình. Đến nay, Ngôi nhà Bình yên đã tiếp nhận và hỗ trợ hơn 1.600 người đến từ 56 tỉnh/thành phố và 17 vùng dân tộc thiểu số.
Hưởng ứng tháng hành động năm 2023, Hội LHPN các tỉnh/thành cũng đã tổ chức nhiều hoạt động. Hội LHPN TP Đà Nẵng tổ chưc sự kiện truyền thông “Sắc Cam - Thắp sáng và Hành động” với thông điệp “Nói không với bạo lực phụ nữ và trẻ em vì thành phố Đà Nẵng an toàn”; tổ chức chương trình tọa đàm “Hãy nói không với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em” trên Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng để hưởng ứng chiến dịch 16 ngày hành động chấm dứt bạo lực; thắp sáng Cam - Cầu Rồng để thể hiện cam kết hành động của thành phố Đà Nẵng an toàn - không bạo lực với phụ nữ và trẻ em.
Hội LHPN tỉnh Sơn La tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì Bình đẳng giới tại Trường Đại học Tây Bắc. Tại buổi Lễ phát động Hội LHPN tỉnh phối hợp với Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội tỉnh tặng quà cho 20 phụ nữ, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời Hội LHPN tỉnh huy động 50 hội viên, phụ nữ của phường Quyết Tâm, Chiềng Sinh thành phố Sơn La dự tham gia diễu hành hưởng ứng. Hội LHPN huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang tổ chức đợt cao điểm truyền thông cộng đồng tại xã Xà Phiên nhằm cung cấp thông tin, kiến thức, từ đó nâng cao nhận thức, hành động, phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình, quyền trẻ em cho hội viên, phụ nữ và các em học sinh là người dân tộc Khmer.
Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội tổ chức chương trình truyền thông hưởng ứng; đồng thời tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng trong công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực phụ nữ và trẻ em cho cán bộ Hội các xã, phường; thành viên mô hình Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, Câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật, mô hình an toàn cho phụ nữ và trẻ em; công an khu vực, bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố/thôn trưởng… tại các quận, huyện.