Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về học suốt đời để trở thành người công dân tốt
(PNTĐ) - Ngày 14/5, Hội Cựu chiến binh (CCB) và Hội Khuyến học thành phố Hà Nội (KHHN) phối hợp tổ chức tọa đàm “Học tập và làm theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về học tập suốt đời để trở thành người công dân tốt”, hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”.
Tọa đàm có sự tham dự của Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Khuyến học TP Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Hà Nội Lê Như Đức cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành TP Hà Nội.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về tự học - Học để phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân
Tư tưởng Hồ Chí Minh về tự học rất lớn, Chủ tịch Hội CCB TP Hà Nội - Thiếu tướng Lê Như Đức nhấn mạnh, có thể xác định trên các vấn đề cơ bản như sau: xác định mục đích và xây dựng động cơ học tập đúng đắn; học mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoạt động học tập cũng như bất cứ hoạt động nào thì vấn đề cơ bản là phải xác định được mục đích. Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định mục đích của học tập: “Học để phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh, tức là để làm tròn nhiệm vụ người chủ của nước nhà”, tự học để phục vụ sự nghiệp cách mạng.
Tự học phải có kế hoạch, sắp xếp thời gian học tập hợp lý, phải kiên trì bền bỉ với kế hoạch đặt ra. Học phải đi đôi với hành, trong quá trình tự học Người có một nguyên tắc, học đến đâu, luyện tập và thực hành đến đó. Bác từng dạy: “Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thành hành không trôi chảy”. Học đi đôi với hành là một vấn đề thời sự, thường xuyên, tất yếu đối với tất cả người học, tất cả các cấp học. Học và hành là hai mệnh đề có mối quan hệ biện chứng với nhau.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Hách - Chủ tịch Hội Khuyến học (HKH) quận Cầu Giấy cho biết: “Tôi luôn nêu cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu, tìm tòi học hỏi, tiếp thu qua sách vở, đặc biệt là trên thực tế cuộc sống và công việc đặt ra, không chỉ dừng lại ở một giai đoạn, một công việc, mà học toàn diện với khả năng có thể, học bất cứ lúc nào, ở đâu, học cả những việc tốt, những tấm gương tự học thành tài, học người tốt để noi gương, để học hỏi; học cả người xấu để không mắc điểm xấu như họ, học để có cách tránh, cách đấu tranh với họ…”
Tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh là tài sản vô giá của Đảng và Nhân dân
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc học tập suốt đời trong đời sống xã hội; đề ra phương pháp học tập, nhận thức của bản về học tập suốt đời để trở thành công dân tốt. Bên cạnh đó, đưa ra những cách thức, kinh nghiệm mà Hội CCB và Hội KHHN đã và đang phối hợp hưởng ứng phong trào học tập suốt đời; vận động cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực học tập.
Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam nhận định: “Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là tài sản vô giá của Đảng và nhân dân ta”. Con đường học tập suốt đời cũng chính là tư tưởng của Bác. Ôn lại cuộc đời của Bác, chúng ta thấy tư tưởng của Người cao nhưng không xa, vĩ đại nhưng không choáng ngợp, gần gũi với đời thường.
Đồng thời, ông Lê Mạnh Hùng mong muốn TP Hà Nội tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; đẩy mạnh thực hiện chương trình "Xây dựng mô hình công dân học tập giai đoạn 2021-2030" và phong trào học tập suốt đời. Ngoài ra, đề nghị Hội KHHN, Hội CCB TP Hà Nội tiếp tục phối hợp, tăng cường đẩy mạnh công tác khuyến học - khuyến tài trong gia đình, trường học, cơ quan, xã hội.