Bệnh Viện Phụ Sản Hà Nội:

“Hồi sinh” sự sống từ kỹ thuật can thiệp bào thai

THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chính thức đi vào khai trương và điều trị từ tháng 1/2022, đến nay Trung tâm Can thiệp bào thai (Bệnh viện (BV) Phụ Sản Hà Nội) đã trở thành “ngôi nhà” chung của hàng trăm em bé - những trường hợp thai nhi nguy kịch được các y, bác sĩ Trung tâm cứu sống từ khi còn trong bụng mẹ. Bởi vậy, nếu nói rằng Tết là dịp để các gia đình sum vầy, đoàn tụ, dành cho nhau tình yêu thương và những lời chúc tốt đẹp nhất, thì có lẽ ở Trung tâm Can thiệp bào thai, hầu như ngày nào cũng là Tết.

Trái ngọt từ những nỗ lực, tâm huyết

Nhớ lại chặng đường đã đi qua, TS.BSCKI Nguyễn Thị Sim - phụ trách Trung tâm kể: Từ những năm 2010, y học bào thai thế giới bắt đầu nở rộ và có nhiều thành tựu được báo cáo rộng rãi trên thế giới. Tuy nhiên, việc tiếp cận thông tin cũng như học hỏi các kỹ thuật can thiệp bào thai đối với bác sĩ (BS) của Việt Nam chủ yếu qua báo cáo tại hội thảo, hội nghị quốc tế. Nhiều ca bệnh thông qua sàng lọc, chẩn đoán trước sinh dù đã phát hiện tình trạng bệnh nặng, thai nhi dị tật phải sửa chữa… nhưng BS đành “lực bất tòng tâm” do không có máy móc, kỹ thuật. 

Vì thế, khi được Sở Y tế Hà Nội trao cho 1 suất đi đào tạo tại Pháp, BV cùng BS Sim lựa chọn ngay lĩnh vực can thiệp bào thai. Sau này, BV cũng tiếp tục đầu tư, chủ động đào tạo thêm 2 BS về can thiệp bào thai, trong đó có GS.TS.BS Nguyễn Duy Ánh hiện đang là Giám đốc BV. Đến tháng 10/2019, cùng với các giáo sư hàng đầu châu Âu, tại phòng mổ đạt chuẩn quốc tế, kíp BS của Phụ sản Hà Nội đã thực hiện thành công 2 ca phẫu thuật trong buồng ối đầu tiên.

“Hồi sinh” sự sống từ kỹ thuật can thiệp bào thai - ảnh 1
    Các bác sĩ Trung tâm Can thiệp bào thai - BV Phụ Sản Hà Nội thực hiện kỹ thuật truyền ối cho thai thiểu ối   Ảnh: BVCC

Tháng 1/2022, sau quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, Trung tâm can thiệp bào thai của BV chính thức được thành lập với nhiệm vụ: Hỗ trợ tất cả thai kỳ nguy cơ cao như sảy thai, thai lưu nhiều lần, mẹ mắc bệnh mạn tính tiểu đường, cao huyết áp, bệnh lý tuyến giáp hoặc ung thư, lao phổi, mắc bệnh virus… Với gia đình có bệnh lý di truyền trước đó, có khả năng tác động đến thai kỳ cho tất cả các lần mang thai thì sẽ được tư vấn trước khi mang thai. 

Ước tính sơ bộ đến nay Trung tâm đã can thiệp bằng phẫu thuật thành công cho hơn 200 ca; và rất nhiều bệnh nhân khác được can thiệp, điều trị hiệu quả bằng phương pháp nội khoa. Đáng nói, phạm vi điều trị không chỉ dừng ở Hà Nội, BV còn tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân ở rất nhiều tỉnh thành trên cả nước: Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang, Nghệ An, Quảng Trị, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh…; thậm chí cả người đang sinh sống tại nước ngoài. 

Như thời điểm cuối tháng 9, đầu tháng 10/2022, BV đã khám và hỗ trợ theo dõi, chăm sóc thai kỳ từ xa cho 2 bệnh nhân người Mông Cổ, có nguy cơ cao thai nhi mắc hội chứng Down. Những bệnh nhân này đã tự liên lạc BV và nhờ BS hỗ trợ. Tới khi về nước, họ tiếp tục giới thiệu về BV Phụ Sản Hà Nội cho bạn bè của mình. Trước đó, cũng có không ít người Việt Nam định cư ở Nhật, Singapore… khi biết BV Phụ Sản Hà Nội có ekip bác sĩ chuyên môn tốt về can thiệp bào thai, trang thiết bị được đầu tư hiện đại hàng đầu khu vực… cũng đã về nước, lựa chọn đây là nơi điều trị, theo dõi thai kỳ.
“Sự tin tưởng, quan tâm của người bệnh trong và ngoài nước là động lực rất lớn, thôi thúc y bác sĩ Trung tâm Can thiệp bào thai tiếp tục cố gắng, không ngừng trau dồi chuyên môn để thực hiện thêm nhiều kỹ thuật mới như: Truyền máu cho bào thai, dẫn lưu ứ nước bể thận, tràn dịch màng phổi, bàng quang, sinh thiết gai rau… cùng nhiều kỹ thuật chuyên sâu hoặc cao hơn” - BS Sim khẳng định.

“Năm 2023 bệnh viện Phụ Sản Hà Nội sẽ triển khai các kỹ thuật mới, sửa chữa tổn thương của bào thai như: Thoát vị hoành, tim bẩm sinh, Spina Bifida, truyền máu thai thiếu máu, dẫn lưu dịch màng phổi, ứ nước bể thận...” 
GS.TS.BS Nguyễn Duy Ánh 

“Mái nhà” thứ hai của thai phụ, thai nhi

Cũng chính từ những kết quả mà BV đạt được, ngày càng có nhiều thai phụ tìm tới Trung tâm Can thiệp bào thai để được hỗ trợ. Theo chia sẻ của BS Sim, thường thì mỗi người đến với Trung tâm đều mang trong mình một câu chuyện, tâm trạng rất riêng: Người từng rất nhiều lần hỏng thai trước đó, người thì đã vô sinh rất lâu rồi, người mà bệnh lý của mẹ lại rất nặng và người thì con tự dưng phát hiện ra bất thường…  

Đứng trước bệnh nhân lúc này, các BS của Trung tâm không phải chỉ làm chuyên môn về sản là khám và siêu âm, mà còn thành người bạn, người thân của bệnh nhân; săn sóc, chia sẻ với họ từ vấn đề tâm lý tới dinh dưỡng. Cho đến khi trẻ chào đời, các BS cũng vẫn tiếp tục đồng hành cùng gia đình, tư vấn cả về ăn uống, nghỉ ngơi, cho trẻ nằm thế nào, để trẻ ngủ ra sao, thậm chí là chọn sữa tắm nào phù hợp với con, để nhiệt độ phòng cho con bao nhiêu, giữ ấm mũi, họng thế nào… 

“Có lẽ vì vậy mà các bà mẹ luôn dành tình cảm đặc biệt cho y bác sĩ của Trung tâm. Bé nào ra đời cũng gọi các BS ở đây là mẹ, vì gần như bao nhiêu gian khó, vất vả, chúng tôi đồng hành hết với gia đình, với sản phụ. Thậm chí, BS còn trò chuyện rất nhiều với bố mẹ chồng, bố mẹ đẻ của sản phụ về cách chăm sóc con dâu và cháu. Đó là tình cảm trân quý mà thường chỉ người thân trong gia đình mới dành cho nhau. Bởi vậy mới nói, Trung tâm giống như mái nhà thứ 2 của nhiều mẹ và bé. Với chúng tôi, các bé cũng như con mình vậy” - BS Sim vui vẻ tâm sự.

“Hồi sinh” sự sống từ kỹ thuật can thiệp bào thai - ảnh 2
  Bé Vũ Phương V (22 tháng tuổi) - một trong những trường hợp được bác sĩ BV Phụ Sản Hà Nội “hồi sinh” nhờ can thiệp bào thai nay đã lớn khôn, khỏe mạnh   Ảnh: BSCC  

Quả thực, không nhận theo thủ tục nhưng các bé khi tới thăm Trung tâm vẫn thân thương gọi các BS ở đây  là “mẹ”. “Ở mỗi cột mốc phát triển của con như: tập lẫy, biết bò, biết đi, biết ca hát…, chúng tôi đều được gia đình chia sẻ qua hình ảnh, video và theo rất sát sự lớn lên từng ngày của trẻ. Nhưng trực tiếp thấy chúng khỏe mạnh, còn được chúng gọi là “mẹ”, hạnh phúc của các BS như nhân lên gấp trăm, gấp ngàn lần” - BS Sim nói và khẳng định: Trong khoảnh khắc ấy, mỗi BS đều tự nhủ dù vất vả hơn nhưng chỉ cần nhờ đó có thể cứu thêm được 10 em bé, rồi 100, 1.000 bé… thì cũng sẽ không quản ngại. Có như vậy, y học mới tiệm cận được với thế giới, và người dân mới được chăm sóc sức khỏe tốt nhất.

Tất nhiên, một cá nhân không làm nên thành tựu. BS Sim cũng không thể một mình làm được nhiều điều như vậy mà còn có sự phối hợp, đồng tâm, đồng sức của các anh em trong Trung tâm; đặc biệt là sự hỗ trợ, định hướng, chèo lái của những người đứng đầu BV, với mục đích cao nhất là cứu được nhiều trẻ. Nếu như Trung tâm Can thiệp bào thai là ngôi nhà thứ 2 với nhiều mẹ, bé, thì với các y bác sĩ của Trung tâm, BV cũng giống ngôi nhà thứ 2 của mình. Chẳng phải đợi đến Tết, ngay tại Trung tâm Can thiệp bào thai các y, bác sĩ, người bệnh chắc chắn lúc nào cũng được sống trong yêu thương, sẻ chia và hạnh phúc.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

(PNTĐ) - Tại Hội nghị Geneve, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kiên định với lập trường: "Đi tới một giải pháp hoàn chỉnh là đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương".