Hướng đi nào bền vững
Với bề dày truyền thống hơn 1.000 năm lịch sử, Hà Nội không chỉ nổi tiếng là vùng đất của những giá trị văn hóa, di sản, mà còn là mảnh đất trăm nghề, là nơi lưu giữ tới 1.350 làng nghề thủ công truyền thống đa dạng và phong phú.
Xác định thế mạnh của Hà Nội là phát triển du lịch văn hóa từ những nét đặc sắc của các làng nghề truyền thống, thời gian qua, Thủ đô đã xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù tại các làng nghề này.
Giàu có tài nguyên văn hóa làng nghề
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, trong những nguồn lực tạo tài nguyên văn hóa của Thủ đô, các làng nghề chính là một nguồn tài nguyên quý giá. “Là nơi gặp gỡ Đông- Tây, Hà Nội là thành phố (TP) của sự đa dạng các tài nguyên văn hóa. Với hệ thống hàng nghìn di sản dày đặc, kết cấu hạ tầng văn hóa phong phú, mạng lưới 1.350 làng nghề thủ công truyền thống trải khắp các phố phường, làng quê cùng cộng đồng sáng tạo mới mẻ, phong phú, Hà Nội đã và đang trở thành nơi nuôi dưỡng, hội tụ và thúc đẩy sự sáng tạo các sản phẩm và dịch vụ công nghiệp văn hóa…”.
Sự đa dạng của các tiềm năng văn hóa, trong đó có các sản phẩm thủ công truyền thống như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, sơn mài Hạ Thái cùng các sản phẩm của sự sáng tạo đã có mặt ở khắp nơi trong TP Hà Nội, từ các tuyến phố nội thành đến các làng nghề thủ công truyền thống.
Đây chính là nhân tố quan trọng tạo nên bản sắc riêng có của Hà Nội trong cách thành phố lưu giữ truyền thống, định hình hiện tại và hướng tới tương lai dựa trên việc phát huy nguồn tài nguyên văn hóa, tạo thành sức mạnh.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Phương, tìm hiểu đánh giá của người dân về ngành nghề thế mạnh cạnh tranh của Hà Nội cho thấy, du lịch văn hóa đang xếp hàng đầu.
Trong những năm gần đây, trước khi đại dịch Covid-19 ập đến, Hà Nội đang trở thành điểm thu hút mạnh du khách quốc tế nhờ khai thác tương đối hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng. Hà Nội cũng là nơi có cộng đồng và các nhóm sáng tạo tiềm năng; trong đó, Hội nghệ nhân thợ giỏi, Hiệp hội làng nghề Hà Nội có 230 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng đến từ 1.350 làng nghề…
Những năm gần đây, nhiều điểm đến du lịch là các làng nghề của Hà Nội như: Lụa Vạn Phúc, gốm Bát Tràng, làng đúc đồng Ngũ Xá, làng hoa Tây Tựu… đã trở thành điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch. Mỗi làng nghề của Hà Nội mang trong mình những nét đặc trưng văn hóa riêng.
Làng gốm Bát Tràng là một trong những địa chỉ hàng đầu trong bản đồ du lịch khám phá Thủ đô của du khách, với trên 2.300 hộ dân, trong đó có 910 hộ sản xuất và kinh doanh gốm. Những năm gần đây (trước khi có dịch Covid-19), du khách đến thăm quan Bát Tràng ngày càng tăng, trong đó khách quốc tế ước tính chiếm tỉ trọng hơn 20%.
Điểm du lịch Làng cổ ở xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây cũng là một "địa chỉ đỏ" có sức thu hút đặc biệt. Ngoài hệ thống nhà cổ, địa chỉ này cũng có sức hút với các lễ hội lớn, văn bia, thư tịch sắc phong cổ, các nghề thủ công, trò chơi dân gian...
Làng gốm Bát Tràng (Ảnh: Int)
Hướng đi nào bền vững cho văn hóa làng nghề?
Để phát triển bền vững du lịch văn hóa tại các làng nghề trên địa bàn Thủ đô, còn rất nhiều việc phải làm. Huyện Ba Vì mặc dù có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng, thế nhưng hình thức này vẫn ở giai đoạn manh nha. Xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) - địa chỉ đã được công nhận là điểm du lịch cấp thành phố từ năm 2018, có “đặc sản” thu hút du khách là làng nghề sinh vật cảnh, song việc phát triển du lịch cộng đồng vẫn còn rất mới mẻ. Ngay cả làng gốm sứ Bát Tràng với các di tích cổ, làng nghề lâu năm, sản phẩm đa dạng thu hút nhiều du khách nhưng việc phát triển du lịch cộng đồng vẫn mang tính tự phát.
Điểm qua những ví dụ nêu trên để thấy, ngoài việc nâng cao chất lượng, kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm, các làng nghề cần tập trung hơn nữa vào sáng tạo sản phẩm mang tính đặc trưng, cùng lúc quan tâm tới thị trường khách du lịch nước ngoài và trong nước. Dù có nhiều làng nghề truyền thống, sản xuất ra những sản phẩm lưu niệm nổi tiếng, không chỉ gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc mà còn là mây tre đan Phú Vinh, thêu Quất Động, khảm trai Chuôn Ngọ, sơn mài Hạ Thái, nón Chuông... nhưng vẫn phải thừa nhận sản phẩm của các làng nghề vẫn chưa tạo được điểm nhấn riêng, trở thành quà tặng đặc trưng của Hà Nội.
Một thực tế là mỗi năm, các làng nghề của Hà Nội thu hút hàng nghìn khách du lịch, tuy nhiên, hiện hầu hết các công ty du lịch lữ hành mới chỉ dừng lại ở việc đưa khách đến tham quan các sản phẩm của làng nghề, giới thiệu lịch sử làng nghề. Các làng nghề cũng chỉ đưa ra cái mình có, thiếu sự tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của du khách. Nhiều làng nghề chủ yếu làm sản phẩm cung cấp cho thị trường, chưa khai thác hết tiềm năng điểm đến, thu hút du khách đến trải nghiệm, mua sắm sản phẩm ngay tại địa phương.
Trước thực tế đó, câu hỏi đặt ra là: Hướng đi nào bền vững cho sự phát triển du lịch văn hóa từ các làng nghề? Ở nhiều nơi, các nghệ nhân, chủ cơ sở sản xuất sản phẩm du lịch làng nghề đã nỗ lực tìm hướng đi mới để tạo ra sức hấp dẫn cho sản phẩm, trong đó có việc xây dựng dòng sản phẩm đặc thù. Những thay đổi cần thiết không chỉ cụ thể qua từng sản phẩm mà phải là sự thay đổi đến từ tư duy, cách tiếp cận và khai thác tiềm năng, chinh phục thị trường.
Nâng cao tính chuyên nghiệp trong du lịch làng nghề, bài toán đặt ra trước mắt là cần phải tập trung nâng cao kiến thức về du lịch, ngoại ngữ của người dân ở các làng nghề. Lâu nay, người dân không có kiến thức về tiếp thị, không được học cách tiếp khách du lịch... nên khách đến tham quan nhưng khó có thể tìm hiểu về văn hóa cũng như tập quán sản xuất của điểm đến.
Bên cạnh đó, ngoài một số mô hình điểm như Bát Tràng và Vạn Phúc, Hà Nội cũng nên đẩy mạnh xây dựng mô hình làng nghề kiểu mẫu hoặc điểm đến du lịch làng nghề truyền thống để các làng nghề có thể phát huy tiềm năng, lợi thế của mình gắn với phát triển du lịch. Thời gian qua, một số làng nghề tiềm năng đã được khảo sát như làng nghề chuồn chuồn tre Thạch Xá (huyện Thạch Thất), làng khảm trai Chuôn Ngọ (huyện Phú Xuyên), làng điêu khắc gỗ Dư Dụ, làng nón Chuông (huyện Thanh Oai)...
Việc lựa chọn một làng nghề có đủ tiêu chí như đã được công nhận là làng nghề truyền thống, giàu bản sắc văn hóa, cảnh quan hấp dẫn, hệ thống giao thông thuận lợi, bảo đảm vệ sinh môi trường, sản phẩm đặc trưng... để xây dựng mô hình làng nghề kiểu mẫu, từ đó nhân rộng ra các làng khác được đánh giá là một hướng đi hữu ích.
Điều hiển nhiên là, việc phát triển làng nghề gắn với du lịch sẽ nâng cao hình ảnh, tên của làng nghề; sản phẩm được tiếp cận với du khách trong và ngoài nước, từ đó giải quyết được việc làm và tăng thu nhập cho lao động địa phương; góp phần phát triển ổn định làng nghề, nghề thủ công. Muốn vậy, ngay từ bây giờ, tự thân mỗi làng nghề cần có sự chuyển mình, đổi mới.
MỘC MIÊN