“Kiến trúc sư” của con đường tranh gốm

Chia sẻ

PNTĐ-Đó là cái tên mà người dân trong khu phố 18-4, tổ 28 phường Dịch Vọng Hậu đặt cho bà Vũ Thị Bắc, người đã có ý tưởng “biến” bức tường “rác” thành một bức tranh gốm...

 
“Kiến trúc sư” của con đường tranh gốm - ảnh 1
Bà Vũ Thị Bắc bên bức tường tranh gốm
 
Bà Vũ Thị Bắc – Phó Chủ tịch UBMTTQ phường khi bà là người nảy sinh ý tưởng và vận động các hộ gia đình trong khu phố “biến” bức tường “rác” thành một bức tranh gốm nghệ thuật đẹp và đầy ý nghĩa nhân văn.
 
  Từ phố Duy Tân rẽ vào ngõ 78 một quãng đến khu phố 18-4, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi thấy tấm biển "Tổ 28 đường tranh gốm - khu 18-4". Bởi đường tranh gốm ở Hà Nội lâu nay thường được mọi người biết đến với con đường tranh gốm sứ dọc đê sông Hồng, chứ chưa mấy ai biết đến có một con đường tranh gốm thứ hai nên rẽ vào con ngõ này, mọi người sẽ rất bất ngờ. Ngay đầu ngõ, là hình ảnh thân thuộc của Khuê Văn Các - biểu tượng văn hóa của Hà Nội.
 
Tiếp đó, là bức tranh với chủ đề "Vinh quy bái tổ", một chủ đề tranh dân gian truyền thống của Việt Nam. Nhiều hình ảnh về Hà Nội, các làng quê Bắc Bộ, phong cảnh thiên nhiên Việt Nam đan xen nhau, tạo nên một gallery tranh gốm ngoài trời đẹp mắt. Mỗi bức tranh được người thợ tỷ mỷ ghép từ nhiều mảnh gốm nhỏ, ngoài những mầu sắc phong phú, đa dạng, chúng còn được kết hợp với kỹ thuật đắp nổi, tạo nên những điểm nhấn sinh động. Mọi người đi qua đây đều trầm trồ thán phục khi biết rằng, con đường gốm sứ thứ hai của Hà Nội được làm nên hoàn toàn nhờ sự đóng góp của cộng đồng. Và ngạc nhiên hơn khi được nghe kể và gặp người nảy sinh ý tưởng làm đẹp khu phố: bà Vũ Thị Bắc – số nhà 37.
 
Bà Bắc kể, điểm xuất phát ý tưởng làm con đường tranh gốm này chỉ đơn giản là để ngăn chặn tình trạng dán quảng cáo, tờ rơi trên bức tường trước cửa nhà của gia đình bà, hưởng ứng thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị”. Bức tường chạy dọc con ngõ trong khu phố 18 – 4, trước cửa các hộ gia đình là mặt sau của bức tường bao quanh trường THCS Dịch Vọng Hậu.
 
Ngay sau khi trường xây xong, bức tường đã bị những người thiếu ý thức làm bẩn với những quảng cáo gia sư, kết nối mạng, khoan cắt bê tông… gây mất mỹ quan khu phố. Gia đình bà Bắc cũng như các hộ dân trong khu đã rất tích cực xóa quảng cáo, tờ rơi trên bức tường nhưng không xuể, bởi cứ ban ngày mọi người bóc, xóa thì ban đêm những tờ rơi mới lại xuất hiện. Để ngăn chặn tình trạng này, bà Bắc nghĩ ra cách làm bức tranh gốm nổi trên bức tường trước cửa nhà, vừa đẹp mắt lại không bị “rác tường” nữa. Sau khi bức tranh trước cửa nhà bà làm xong, mọi người trong khu khen đẹp lại có tác dụng khi trước cửa nhà bà không còn bị dán giấy rao vặt quảng cáo.
 
Thấy mọi người trong khu dân phố thích thú với bức tranh trước nhà, bà Bắc nảy ra ý tưởng vận động mọi gia đình trong khu dân cư cùng làm đẹp cho bức tường. Việc “dân vận khéo” đối với một Phó Chủ tịch UBMTTQ phường như bà Bắc dường như cũng không gặp nhiều khó khăn khi bà phân tích cho mọi người trong khu dân cư thấy tác dụng và ý nghĩa của việc làm những bức tranh gốm trên tường. “Công trình” bắt đầu được triển khai từ giữa năm 2014 với sự đồng ý đóng góp kinh phí của các hộ gia đình trong khu phố.
 
Không chỉ là người đề xuất ý tưởng làm tranh, bà còn là người nghĩ ra chủ đề của những bức tranh gốm. “Tôi luôn tâm niệm “quê hương là chùm khế ngọt” nên muốn đặt những bức tranh về Hà Nội, về những miền quê Bắc Bộ bình dị với cây đa, bến nước, con đò. Chúng tôi làm những hình ảnh này để người lớn tuổi thì nhớ về quê hương, còn con trẻ sinh ra ở thành phố có dịp hình dung về làng quê của Việt Nam ra sao. Hai bức tranh Khuê Văn Các và Vinh quy bái tổ được đặt đầu tiên với mong muốn nhắc nhở con cháu chăm chỉ học hành để làm rạng danh quê hương, đất nước”.
 
Trước khi đặt tranh, bà nghiên cứu kỹ chất liệu, màu sắc của các loại tranh gốm. Các bức tranh đều có màu chủ đạo là nâu đỏ, chất liệu của tranh làm bằng đất nung – có khả năng bắt vữa và bám tường bền lâu, khi thấm nước mưa bức tranh càng sáng, màu càng rõ và đẹp. Sau vài tháng thi công, con đường tranh gốm dài 200 m được hoàn thành với tổng số tiền 127,8 triệu đồng. Cùng với sự đóng góp kinh phí của hơn 20 hộ dân, gia đình bà Bắc đã góp hơn 50 triệu đồng để hoàn thiện “bức tranh gốm nghệ thuật” ngoài trời.
 
Bà Bùi Hiền Sinh, tổ phó tổ dân phố 28 chia sẻ: “Với ý tưởng độc đáo của bà Bắc, bức tranh gốm trên tường của khu phố được hình thành. Từ đó đến nay, nạn dán quảng cáo rao vặt trái phép trên tường đã không xuất hiện nữa. Và mỗi người dân trong khu phố 18-4 cũng thêm tự giác trong việc bảo vệ môi trường, cảnh quan để giữ gìn khu phố luôn sáng, xanh, sạch, đẹp góp phần thực hiện tốt “Năm trật tự văn minh đô thị” mà Thành ủy Hà Nội phát động”.
 
Thu Lan
 

Tin cùng chuyên mục

Đoàn thanh niên xã Hồng Vân ra quân tổng vệ sinh môi trường

Đoàn thanh niên xã Hồng Vân ra quân tổng vệ sinh môi trường

(PNTĐ) - Sáng 5/7, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam xã Hồng Vân tổ chức Lễ ra quân tuyên truyền hưởng ứng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ, các đoàn viên, thanh niên xã hăng hái tham gia vệ sinh môi trường, làm sạch cảnh quan.
BSR viết tiếp câu chuyện nâng cao chất lượng giáo dục tại huyện miền núi Quảng Ngãi

BSR viết tiếp câu chuyện nâng cao chất lượng giáo dục tại huyện miền núi Quảng Ngãi

(PNTĐ) - Ngày 25/6, Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) phối hợp cùng UBND huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Lễ khánh thành công trình 6 phòng học, các hạng mục phụ trợ tại Trường Mầm non xã Sơn Dung và Khối phòng Hiệu bộ, các hạng mục phụ trợ tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở (PT DTBT TH&THCS) xã Sơn Dung thuộc huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi. Hai công trình do BSR tài trợ với số tiền 10 tỷ đồng.
Sôi nổi Hội thao Công an Thủ đô năm 2025

Sôi nổi Hội thao Công an Thủ đô năm 2025

(PNTĐ) - Chiều 4/7, Công an thành phố Hà Nội tổ chức bế mạc và trao giải Hội thao Công an Thủ đô năm 2025. Hội thao Công an Thủ đô năm 2025 là hoạt động thiết thực, ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam và 20 năm Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.