Kỳ 1: An cư để gắn bó và cống hiến lâu dài

Chia sẻ

Trong chương trình tài khoá lớn nhất từ trước đến nay để phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 trị giá tới 350 nghìn tỷ đồng, Chính phủ đã dành gói tín dụng 65 nghìn tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, trong đó, có nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 9 khu công nghiệp (KCN) và chế xuất đang hoạt động thu hút gần 170.000 lao động (LĐ) làm việc. Trong đó, hơn 70% là LĐ ngoại tỉnh. Việc giải quyết nhà ở cho người LĐ được TP đặc biệt quan tâm nhưng chưa thể đáp ứng nhu cầu…

Niềm vui trong căn nhà tiện nghi

Đặng Thu Thảo, quê ở Yên Bái đã có 10 năm làm việc tại công ty TNHH Canon, KCN Thăng Long, xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Xuống Hà Nội làm công nhân điện tử khi còn trẻ, rồi xây dựng gia đình, trở thành mẹ của 3 người con, Thu Thảo xem xã Kim Chung như quê hương thứ 2 của mình. Một trong những nguyên nhân chính để cô gắn bó lâu dài là bởi gia đình Thảo may mắn có chỗ an cư ổn định để lập nghiệp. “Năm 2014, sau khi lập gia đình, em đã đăng ký và được xét duyệt để thuê căn hộ khép kín tại nhà 5 tầng DN2 trên địa bàn xã” - Đặng Thu Thảo cho biết.

Căn nhà của vợ chồng cô rộng hơn 60m2 gồm 1 phòng khách và 2 phòng ngủ có giá thuê 1,7 triệu đồng/tháng. “Trước khi xây dựng gia đình, em sống trong căn phòng trọ ở trong làng, chật chội và ẩm thấp. Chuyển lên khu nhà chung cư khép kín này, em thấy chất lượng cuộc sống tốt hơn, vợ chồng sắm sửa được nhiều thiết bị tiện nghi, nhà của mình đi khoá về mở nên đảm bảo an toàn, nhất là với gia đình có con nhỏ” - Đặng Thu Thảo tâm sự.

Khu nhà ở công nhân tại KCN Thăng Long với giá thuê ưu đãiKhu nhà ở công nhân tại KCN Thăng Long với giá thuê ưu đãi

Rời quê Vĩnh Phúc, Vũ Văn Hùng cùng chị gái và anh trai xuống Hà Nội làm công nhân điện tử tại KCN Thăng Long. Anh em của Hùng đang sinh sống trong căn hộ của toà chung cư 15 tầng CT1A. “Bước vào căn phòng rộng rãi, thoáng đãng, chúng em rất vui mừng phấn khởi. Số tiền thuê nhà là 1,7 triệu đồng/tháng, bằng tiền thuê nhà trọ một căn phòng cấp 4 mà diện tích lại rộng gấp đôi, khép kín. Tiền điện, tiền nước hàng tháng dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu theo giá sinh hoạt, thấp hơn nhiều so với giá khoán.

So với nhà trọ, ở chung cư thế này tốt và rẻ hơn” - Vũ Văn Hùng nói. “Bố mẹ ở quê lên thăm anh em cũng rất vui mừng vì các con có công ăn việc làm ổn định, nhà ở khang trang. Hàng tuần đều đặn, bố mẹ gửi thêm rau xanh và thực phẩm trong vườn nhà cho các con nên với mức lương từ 8-10 triệu đồng/tháng, chúng em cũng dành dụm được một khoản tích luỹ” - Vũ Thị Hậu, nữ công nhân công ty TNHH Meiko Thăng Long, em gái của Hùng cho biết thêm.

Chăm lo cho người lao động bằng cách hỗ trợ nhà ở

Ở gần toà nhà CT1A là chung cư 15 tầng được công ty TNHH Nitori Việt Nam thuê lại để làm chỗ ở cho công nhân ngoại tỉnh. Chủ tịch Công đoàn công ty Mai Văn Tuyến cho biết: Công ty có đặc thù là LĐ nữ chiếm hơn 90%, 30% trong số đó là LĐ ngoại tỉnh.

Đa phần chị em có thâm niên hơn 10 năm làm việc cho Nitori nên công ty quan tâm đến nơi ăn chốn ở của chị em. Khi được tiếp cận với nhà ở xã hội, công ty đã thuê riêng toà nhà 15 tầng làm ký túc xá miễn phí cho người LĐ. Tại mỗi phòng trong toà nhà, công ty trang bị đầy đủ các thiết bị gia đình như tivi, tủ lạnh, điều hoà, bếp… đảm bảo cuộc sống cho người LĐ. Hàng ngày, công ty bố trí xe đưa đón công nhân đến nhà máy. Được tạo điều kiện ăn ở thuận lợi cùng với các chế độ phúc lợi đảm bảo nên những năm qua, nguồn nhân lực của công ty ổn định, người LĐ yên tâm gắn bó và cống hiến.

Ông Cao Đức Đại, Phó Tổng Giám đốc phụ trách công ty TNHH một thành viên quản lý và phát triển nhà Hà Nội - đơn vị được TP Hà Nội giao quản lý, vận hành và khai thác các khu nhà ở công nhân trên địa bàn xã Kim Chung, huyện Đông Anh cho biết: Dự án nhà ở công nhân có tổng diện tích sử dụng theo thiết kế được đầu tư xây dựng là 20ha, gồm 24 đơn nguyên nhà 5 tầng (với 1.084 phòng - 9.168 chỗ thuê) và 4 đơn nguyên nhà 15 tầng.

Trong tổng số các đơn nguyên trên, có 14 đơn nguyên nhà 5 tầng và 2 đơn nguyên nhà 15 tầng (nhà CT2, CT3) được thiết kế theo kiểu tập thể khép kín theo phòng dành cho công nhân độc thân thuê với 8.176 chỗ ở. Các toà nhà còn lại được thiết kế theo kiểu tập thể khép kín theo phòng có thể dành cho hộ gia đình với 4.800 chỗ thuê. Những công nhân độc thân có nhu cầu thuê nhà cần được doanh nghiệp và công đoàn xác nhận và gửi văn bản đề nghị xin thuê nhà đến công ty. Số tiền nhà người LĐ độc thân phải thanh toán (bao gồm trợ giá của TP) là 120.000 đồng/tháng.

Ngoài ra, theo Ban Quản lý KCN và chế xuất TP Hà Nội, tại KCN Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, chủ đầu tư là tập đoàn Phú Mỹ xây dựng Làng công nhân với 10 khu nhà cao tầng, mỗi tầng có 20 phòng làm nhà ở cho công nhân với giá thuê là 1,2 triệu đồng/phòng/tháng cùng các thiết chế phụ trợ như nhà trẻ, trạm y tế, trung tâm thương mại, cây xanh, hồ nước… Trong khi đó, tại KCN Thạch Thất - Quốc Oai, hai doanh nghiệp là công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam và công ty TNHH Young Fast đã đầu tư xây dựng các đơn nguyên nhà cao tầng cung cấp hơn 5.000 chỗ ở cho công nhân và một số công trình phụ trợ.

Những căn hộ khép kín mang lại cuộc sống tiện nghi và đảm bảo cho các gia đình công nhânNhững căn hộ khép kín mang lại cuộc sống tiện nghi và đảm bảo cho các gia đình công nhân

Cầu luôn vượt cung

Tại khu nhà ở công nhân tại KCN Thăng Long, do bất cập trong khâu thiết kế nên nhà ở cho công nhân độc thân nhiều hơn căn hộ cho gia đình; trong khi thực tế, số công nhân đến tuổi kết hôn, sinh nở rất lớn dẫn đến một nghịch lý: Căn hộ cho công nhân độc thân thuê thì thừa, còn các hộ gia đình có nhu cầu thuê nhà lớn thì lại không có căn hộ để thuê.

Phó Tổng Giám đốc phụ trách công ty TNHH một thành viên quản lý và phát triển nhà Hà Nội Cao Đức Đại thông tin: hiện quỹ nhà cho hộ gia đình thuê tại các chung cư cao tầng ở xã Kim Chung có 630 phòng và luôn rơi vào tình trạng lấp đầy. Đặc thù của các căn hộ này là thuê ổn định, lâu dài, ít có sự thay đổi nên không thể đáp ứng được nhu cầu của hàng ngàn hộ gia đình công nhân đang làm việc tại KCN Thăng Long.

Trong khi đó, nguồn cung nhà ở công nhân những năm qua không được bổ sung vì nhiều lý do khác nhau như thiếu các cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển các dự án nhà ở xã hội cho công nhân; thiếu quy hoạch đồng bộ nên ở huyện Mê Linh, dù đã bố trí quỹ đất cho nhà ở công nhân tại KCN Quang Minh 1, 2 nhưng chưa được lập quy hoạch...

Để giải quyết “nút thắt” này, Chính phủ đã thông qua đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện. Tại mỗi thiết chế công đoàn có nhà ở cho công nhân thuê và các điểm sinh hoạt cộng đồng, thể thao văn hoá văn nghệ đáp ứng nhu cầu giải trí, nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân.

Hiện nay, một số tỉnh, thành trọng điểm đã xây dựng thiết chế công đoàn. Tuy nhiên, tại Hà Nội, theo ông Tạ Văn Dưỡng - Trưởng ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn Lao động TP Hà Nội), việc xây dựng thiết chế công đoàn còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Nguyên nhân chính là thiếu quỹ đất, thiếu sự quan tâm của chính quyền một số địa phương. Vì vậy dự kiến đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu xây dựng một khu thiết chế công đoàn trên cơ sở địa phương chuẩn bị quỹ đất, công đoàn xây dựng cơ sở hạ tầng.

Kỳ 2: Cuộc sống thiếu thốn trong những dãy nhà trọ

Bài và ảnh: HẠNH LÊ

Tin cùng chuyên mục

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Hội LHPN Hà Nội tổ chức tập huấn công tác đối ngoại năm 2024 với chuyên đề: "Hiệp định Giơnevơ - Ý nghĩa lịch sử với tình hình Việt Nam và thế giới hiện nay”. Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Thị Thiên Hương đến dự.
 Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

(PNTĐ) - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện nhiều gói ma túy được đóng gói và có thiết bị định vị, để rồi sau đó các đối tượng buôn bán trục vớt mang đi tiêu thụ.
Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

(PNTĐ) - Biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX là hình ảnh kết hợp cấu trúc chữ tượng hình từ số lần Đại hội, biểu hiện thông qua chữ số IX, là sự tích hợp các hình tượng tiêu biểu xoay quanh biểu trưng Thanh niên Việt Nam.