"Xanh hóa" môi trường làng nghề
Kỳ 1: Đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường
(PNTĐ) - Sự phát triển của các làng nghề truyền thống luôn giữ vai trò quan trọng giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập, đời sống cho nông dân. Tuy nhiên trong quá trình phát triển, các làng nghề bộc lộ nhiều hệ lụy về ô nhiễm môi trường, thậm chí trở thành “vấn nạn”. Trước thực trạng này, nhiều chương trình, giải pháp được triển khai để đồng hành với làng nghề “giải cứu môi trường” đã thành công. Từ đây, làng nghề đang “xanh hóa” góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế xanh.
Mệnh danh là đất trăm nghề, Thủ đô Hà Nội luôn tự hào với số làng nghề nhiều nhất cả nước, hội tụ những tinh hoa “nhất nghệ tinh”, người dân no ấm, những ngôi làng trù phú và đậm văn hóa được giữ gìn, bảo tồn. Theo xu hướng hội nhập, phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, các làng nghề cũng nhanh chóng cải thiện môi trường xanh hơn, sạch hơn.
Đầu tư công nghệ hiện đại, giảm chi phí
Trở về xã Dương Xá, huyện Gia Lâm nơi có các làng nghề chế biến hành, tỏi gần 20 năm trước, phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô từng chứng kiến không khí sôi động của làng nghề vào mùa cao điểm cuối năm. Các hộ làm nghề tràn cả ra ngõ xóm, xen lẫn mùi thơm hành phi còn có cả mùi nước thải, rác thải ùn ứ. Nhưng đó chỉ còn là ký ức một thời, bởi ngày nay, về Dương Xá, làng xóm khang trang, đường bê tông sạch đẹp, nhà cao tầng san sát, những con đường hoa mát dịu, qua các nhà làm hành tỏi chỉ còn thấy thơm phức, cuốn hút.
Với thâm niên gần 30 năm làm nghề chế biến hành, tỏi, bà Trần Thị Lan Hương, cơ sở sản xuất Hợp Hương ở thôn Thuận Quang, xã Dương Xá chia sẻ về hành trình làm nghề từ sử dụng bếp than tổ ong, mỗi buổi tối từ 7-10h chỉ chiên được 2,5kg hành; tiếp đến là chiên hành trên bếp củi, 3 tiếng ấy chiên được 10kg. Đến khi sử dụng lò than thì sản lượng cũng tăng lên 50-70kg và nay là dùng lò điện sản lượng tăng gấp nhiều lần với 5-7 tạ mỗi ngày.
“Ngày xưa làm thủ công thì vất vả nhưng hơn 10 năm nay, gia đình tôi đầu tư sử dụng công nghệ cao, mua các loại máy móc hiện đại như: Máy thái, máy trộn, máy vắt khô, máy chiên… Tổng đầu tư lên đến gần 1 tỷ đồng. Từ khi chuyển đổi công nghệ sản xuất không còn khí than độc hại như thời làm bằng than, mà chất lượng lại nâng lên, sản phẩm hành giòn hơn, đều hơn. Đặc biệt là tiết kiệm được chi phí năng lượng. Nếu như trước đây dùng than, mỗi tháng nhà tôi sử dụng hơn 80 triệu đồng tiền than thì nay chỉ hết 50 triệu đồng tiền điện, không còn khí thải độc hại ra môi trường xung quanh. Về rác thải như vỏ hành thì những năm xưa, các hộ phải tự mang ra điểm để rác, nay đã có đơn vị thu gom và xử lý rất sạch. Trước đây, hệ thống cống rãnh không có nắp đậy, không hố ga, nay đã có đầy đủ, sạch sẽ. Không chỉ người làm nghề mà bà con trong làng ai nấy đều rất vui vì được hưởng môi trường trong sạch hơn”- bà Hương cho hay.
Cũng từng quanh năm suốt tháng hít khói than, những người làm nghề gốm Bát Tràng, huyện Gia Lâm đã có bước đổi mới thay toàn bộ lò than sang lò gas hóa lỏng hiện đại. Nghệ nhân cả cuộc đời gắn bó với nghề gốm gia truyền - bà Hà Thị Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội cho hay: “Trước đây, mỗi ngày, làng nghề tiêu thụ khoảng 800 tấn than, đã thải vào môi trường các loại khí độc hại: CO, SO2, H2S, bụi silic, chất thải rắn... Cũng theo xu thế tất yếu, để giải quyết bài toán phát triển bền vững, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất làng nghề Bát Tràng đã tích cực tham gia chuyển đổi công nghệ nung gốm từ lò than, lò gas truyền thống sang lò gas hiện đại. Đến nay, toàn xã Bát Tràng đã có gần 1.000 hộ sử dụng lò nung gốm bằng khí gas cải tiến đã giúp giảm tiêu hao năng lượng, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường”.
Tăng cường giải pháp giảm tiêu hao nguyên liệu
Trở lại làng nghề - nơi được coi là “nhức nhối” về ô nhiễm môi trường trong nhiều năm bởi nguyên liệu làm ra sản phẩm từ sừng trâu bò, làng nghề lược sừng Thụy Ứng, xã Hòa Bình, huyện Thường Tín ngày nay đổi thay rõ rệt. 18 năm trước, phóng viên từng về Thụy Ứng đúng ngày đang nắng thì trời đổ mưa, đường bỗng lầy lội, gập ghềnh, rác thải, mùi hôi từ da, sừng bốc lên đến ngộp thở. Khi rời hộ sản xuất, phóng viên còn được nhắc là “về nhớ cọ rửa xe ngay kẻo hỏng hết vành, lốp xe vì đường đất ô nhiễm lắm”. Chia sẻ lại câu chuyện này, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bình Nguyễn Việt Hùng cũng xác nhận “Ngày xưa đúng là làng nghề ô nhiễm như vậy”.
Còn bây giờ, về làng nghề lược sừng Thụy Ứng đã thấy rõ sự đổi thay, đường làng ngõ xóm bê tông rộng rãi sạch đẹp. Với hơn 200 cơ sở sản xuất nằm xen trong khu dân cư nên việc bảo vệ môi trường ở đây cũng được các cơ sở đầu tư, từ máy móc hiện đại trong chế tác đến các giải pháp như: Làm hầm hút bụi ngay trong xưởng, các cơ sở sơ chế da và sừng trâu bò cũng xây bể lọc nước thải tại gia đình nhằm giảm bớt ô nhiễm ra hệ thống cống rãnh chung.
Đến với cái nôi của làng nghề mây tre đan có lịch sử hơn 400 năm - làng nghề Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, những người làm nghề chia sẻ về việc đã áp dụng sản xuất sạch hơn, vừa đem lại nhiều lợi ích kinh tế, vừa giữ môi trường sống cho cả làng.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh, làng nghề Phú Vinh cho hay: Khi chưa áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn trong khâu chế biến nguyên liệu, các doanh nghiệp đều bị hao hụt tới 10% mây tươi ở khâu luộc, tẩm, thu mua. Đặc biệt, hóa chất cũng tổn thất nhiều do hệ thống luộc và tẩm mây làm bằng xi măng không có gia nhiệt; ở khâu này cũng thêm 10% nguyên liệu tiếp tục bị hao hụt. Đến khi thực hiện giải pháp sản xuất sạch hơn, mang lại kết quả rất khả quan, lượng nguyên liệu hao hụt giảm mạnh, doanh nghiệp không mất nhiều chi phí, đặc biệt, giảm phát thải ra môi trường. Từ đây, chính người làm nghề và con cháu chúng tôi cũng được khỏe hơn vì môi trường đã sạch trở lại.
Theo TS Nguyễn Thị Tòng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng Mỹ thuật Sản phẩm làng nghề Việt Nam, ô nhiễm môi trường tại các làng nghề hoàn toàn có thể khắc phục được nếu áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn, giúp vừa giảm ô nhiễm vừa tăng hiệu quả kinh tế tại các khu vực làng nghề.
Ông Trịnh Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng, hầu hết các cơ sở sản xuất tại làng nghề đều có tiềm năng giảm lượng nguyên, nhiên liệu tiêu thụ từ 10-15%. Đầu tư máy móc thiết bị chính là một trong những cách để giảm chi phí sản xuất.
Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, nhiều nhất cả nước với 47 nghề (toàn quốc có 5.000 làng nghề với 52 nghề), trong đó có 318 làng nghề thuộc địa bàn 23 quận, huyện, thị xã đã được công nhận theo tiêu chí quốc gia. Nhiều năm nay, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình, dự án. Trong đó, Sở Công Thương Hà Nội triển khai nhiều nội dung trong việc thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sử dụng năng lượng thay thế để giảm chi phí, cải thiện môi trường làng nghề. Sở đã tuyên truyền, vận động hướng dẫn kỹ thuật cho các cơ sở sản xuất xây dựng và thực hiện các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Trong đó, hỗ trợ 64 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng máy móc tiên tiến, hiện đại vào sản xuất.
Đây thực sự là "đòn bẩy" hữu hiệu cho các doanh nghiệp, cơ sở làng nghề tiết kiệm năng lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm. (Còn nữa)