Kỳ 2: “ Điểm mặt” những thế mạnh công nghiệp văn hóa của Hà Nội

Chia sẻ

Hà Nội với bề dày văn hiến và phong phú các giá trị văn hóa đặc sắc, riêng có, hoàn toàn có nhiều lợi thế để phát triển ngành công nghiệp văn hóa xứng tầm với vị thế của Thủ đô. Song, để biến tiềm năng thành “của cải” thực sự thì Thủ đô Hà Nội cần một sự quyết liệt và chiến lược thoả đáng cho công cuộc này.

Mũi nhọn hàng đầu: Phát triển du lịch văn hóa

Nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển công nghiệp văn hóa, cần đánh giá thực trạng và tiềm năng, làm rõ lĩnh vực nào phải được ưu tiên quan tâm đầu tư là vô cùng quan trọng, tránh sự dàn trải, kém hiệu quả. Trong 12 lĩnh vực của công nghiệp văn hóa được Chính phủ Việt Nam xác định, qua khảo sát, tìm hiểu đánh giá của người dân về ngành nghề thế mạnh cạnh tranh của Hà Nội, các tác giả PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Ths. Phạm Thị Nhung (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) và nhóm nghiên cứu thực hiện cho biết: Du lịch văn hóa xếp hàng đầu, tiếp đến là những ngành như Điện ảnh; Thủ công mỹ nghệ; Nghệ thuật biểu diễn; Truyền hình và Phát thanh; Quảng cáo; Kiến trúc; Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; Xuất bản; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Thời trang; Thiết kế. 

Làng nghề Hà Nội cần một bước phát triển đột phá trong xây dựng công nghiệp văn hóaLàng nghề Hà Nội cần một bước phát triển đột phá trong xây dựng công nghiệp văn hóa (Ảnh: Int)

Ý kiến này được nhiều nhà nghiên cứu đồng tình. Hà Nội có thế mạnh phát triển du lịch văn hóa. Bởi Hà Nội là đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, hội tụ hàng ngàn di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, làng nghề và làng có nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, có đến 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, nhiều đơn vị nghệ thuật gắn với nhiều tên tuổi nghệ sĩ lớn cùng hệ thống thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư và đổi mới phương thức hoạt động, so với các địa phương khác trong cả nước. Phát triển du lịch văn hóa có thể giúp thành phố khai thác được những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, góp phần bảo tồn và làm giàu các giá trị văn hóa dân tộc. Đồng thời, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa khác như quảng cáo, kiến trúc, phần mềm, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn... 

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra, Hà Nội còn nhiều hạn chế, khiến thành phố vẫn chưa thực sự thu hút du khách do thiếu những hoạt động văn hóa nổi bật. Nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ: “Cho đến giờ, Hà Nội chưa có một dự án nghệ thuật nào mang tầm quốc tế đủ sức thu hút mọi thành phần công chúng trong và ngoài nước, đáp ứng mọi yêu cầu khắt khe về tính cạnh tranh với thói quen thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao của khán giả quốc tế”.

Chính vì vậy, mức độ hấp dẫn của Hà Nội đối với du khách quốc tế chưa cao. Mặc dù Hà Nội cũng từng là địa điểm thực hiện các liên hoan phim, một số sự kiện văn hoá lớn mang tầm quốc tế, nhưng vẫn chưa “thấm” vào đâu so với yêu cầu đẩy mạnh “mảng miếng” du lịch văn hoá trong nỗ lực phát triển công nghiệp văn hoá. 

Trong loạt bài dài kỳ “Du lịch Hà Nội: Tìm “cơ hội vàng” trong “sóng gió”, báo Phụ nữ Thủ đô vừa đăng tải trong tháng 7 vừa qua cũng đã chỉ ra Hà Nội còn rất nhiều tiềm năng du lịch văn hoá chưa khai thác hết để hấp dẫn du khách địa phương và quốc tế. Điều đó cũng là một điểm “chốt” để Hà Nội có thể “bùng nổ”, đưa du lịch văn hoá trở thành mũi nhọn trong phát triển công nghiệp văn hoá. Bên cạnh đó, Hà Nội cần khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển công nghiệp du lịch văn hóa nhằm tạo ra khung pháp lý và khuyến khích sự phát triển của các dịch vụ du lịch văn hóa. 

Phó Giám đốc Sở Du lịch Trần Trung Hiếu cũng cho rằng, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, Hà Nội cần kết hợp phát triển du lịch với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của Thủ đô và của dân tộc, với bảo vệ thiên nhiên và môi trường theo hướng bền vững. Phát triển du lịch phải đặc biệt coi trọng phát triển du lịch văn hóa, lấy du lịch văn hóa làm cơ sở, nền tảng phát triển các loại hình du lịch khác...

Phát huy thế mạnh của làng nghề truyền thống

Làng nghề truyền thống cũng được coi là một trong những điểm mạnh của Hà Nội. Năm 2018, tổng doanh thu trực tiếp từ làng nghề truyền thống và các làng có nghề của thành phố Hà Nội đạt khoảng 983,5 triệu USD (chưa bao gồm phần doanh thu gián tiếp do khu vực nghề thủ công truyền thống và nghệ thuật dân gian tạo ra), với tổng số gần 1 triệu lao động trực tiếp. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ đạt 192 triệu USD (chiếm tỷ trọng 1,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố Hà Nội).

Tuy nhiên, những người trong nghề cho rằng, làng nghề truyền thống vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng. Làng nghề vẫn luôn được nhắc đến khi nói về công nghiệp văn hóa, nhưng hơn 20 năm nay các làng nghề truyền thông gần như không có sự phát triển đột phá mà còn dần mai một. 

Ông Đỗ Trọng Đoàn, làng nghề sơn mài Hạ Thái, xã Duyên Thái, Thường Tín, Hà Nội chia sẻ: Ngày nay các làng nghề tồn tại và phát triển trong nền kinh tế thị trường hội nhập quốc tế, ngoài kỹ năng, bí quyết riêng của nghề thì cần có sự trao dồi kiến thức kinh doanh, quản lý kinh tế, phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ, dây chuyền và tổ chức tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề đào tạo, nâng cao trình độ kỹ thuật còn hạn chế, chất lượng nguồn lao động chưa cao, chưa có đủ năng lực, pháp lý, cạnh tranh, nhu cầu về vốn vay còn hạn chế, nguyên liệu đầu vào chưa ổn định vẫn phải nhập khẩu từ thị trường quốc tế. Do vậy để phát triển thủ công mỹ nghệ, Hà Nội cần có chính sách phát triển thị trường, cũng như hỗ trợ về vốn vay ưu đãi, có chính sách hỗ trợ, đào tạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ về pháp lý, cạnh tranh lành mạnh, bền vững trong quá trình phát triển kinh tế hội nhập. Cần duy trì đầu tư, phát triển sản xuất tại các làng nghề theo hướng bền vững, hiện đại. Nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã...

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Một số lĩnh vực thế mạnh khác của Hà Nội cũng được đề xuất, trong đó có lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Hà Nội có ưu thế vượt trội là quy tụ số lượng nhà hát, đơn vị biểu diễn đông đảo nhất cả nước, đặc biệt là các nhà hát nghệ thuật truyền thống. Nơi đây cũng hội tụ những nghệ sĩ hàng đầu, là tinh hoa của nghệ thuật biểu diễn. Đó là thế mạnh để Hà Nội có thể phát triển lĩnh vực này trong công cuộc xây dựng công nghiệp văn hoá, thu hút khán giả trong và ngoài nước. Giống như nhiều quốc gia khác, phát triển nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là nghệ thuật biểu diễn truyền thống không chỉ đem lại lợi ích kinh tế, mà còn đem lại ích lợi lớn về quảng bá hình ảnh văn hoá dân tộc. Những ích lợi này sẽ gắn chặt với các lĩnh vực khác trong công nghiệp văn hoá cùng nhau phát triển. 

Theo NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, các nhà hát chuyên nghiệp, nhiều cá nhân, tổ chức đã nhạy bén vận dụng quy trình sản xuất sản phẩm văn hóa đại chúng để đưa các loại hình nghệ thuật biểu diễn  sân khấu  đến gần hơn với khán giả, đồng thời thu về nhiều giá trị lợi ích cả về tinh thần lẫn vật chất, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của công chúng. Trên địa bàn Hà Nội so với cả nước đã cải thiện rất lớn về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện biểu diễn cho các đơn vị nghệ thuật. Tuy nhiên, đối với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của công chúng, những đầu tư cho nghệ thuật hiện nay chưa thể tương xứng, chưa đáp ứng theo kịp được sự phát triển công nghiệp và công nghệ như vũ bão hiện nay. 

Do đó, cần tiếp tục đổi mới cơ chế, cơ cấu các đơn vị nghệ thuật biểu diễn trên địa bàn Hà Nội, để có môi trường lành mạnh và công bằng. Phải có những nhà hát với trang thiết bị, cơ sở vật chất tương xứng. Đặc biệt hơn, là phải có một đội ngũ tác giả, đạo diễn, diễn viên, họa sĩ, nhạc sĩ và khán giả... mang tầm trí thức thời đại mới.

Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm khẳng định: “Chúng ta cần quan tâm đến các nghệ nhân, nghệ sĩ, đến sản phẩm văn hóa, tạo ra môi trường văn hóa chất lượng để họ có thể quảng bá sản phẩm của mình. Ví dụ như hiện nay, Hà Nội có một số phòng tranh tổ chức đấu giá các tác phẩm mỹ thuật, đây là nơi chúng ta tăng nguồn thu đồng thời cũng kiểm soát chất lượng nghệ thuật”. 

Ông Lê Trung Kiên - Bí thư Huyện ủy Đông Anh cho rằng, yếu tố quyết định trong xây dựng công nghiệp văn hóa là con người và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, phải có sự tham gia của doanh nghiệp, trong bối cảnh các sản phẩm công nghiệp văn hóa tại Thủ đô phần nhiều được đầu tư từ nhà nước chứ ít khi xuất phát từ khu vực tư nhân. Ông Lê Trung Kiên nhận định: "Nếu không kết nối được những nhà đầu tư, doanh nghiệp với người làm nghệ thuật thì không tận dụng hết được nguồn nhân lực này, công nghiệp văn hóa không thể phát triển".

Hà Nội có tiềm năng thế mạnh về văn hóa mà không địa phương nào có được

Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại cuộc tọa đàm "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Thực trạng và giải pháp", Hà Nội có tiềm năng thế mạnh về văn hóa mà không địa phương nào có được. Trong quá trình vận động, phát triển, Hà Nội cũng luôn xác định mục tiêu bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống, xây dựng văn hóa và con người Hà Nội, được lựa chọn là chương trình công tác riêng liên tiếp trong nhiều nhiệm kỳ. Trong nhiệm kỳ này, Đảng bộ thành phố Hà Nội quyết định lựa chọn xây dựng Nghị quyết chuyên đề "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" làm bước đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô với tầm nhìn rộng mở, bắt kịp xu thế thời đại; không ngừng phát triển, nâng cao chất lượng văn hóa, bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển văn hóa, cải thiện đời sống tinh thần nhân dân. Trước bài toán phát triển công nghiệp văn hóa, Phó Bí thư Thành ủy thừa nhận Hà Nội không thể cùng lúc tập trung cho tất cả các lĩnh vực mà cần chia thành nhiều giai đoạn.

Kỳ cuối: Khi công nghiệp văn hoá thực sự là “quyền lực mềm” của Hà Nội

KHÁNH NGỌC - MINH TRANG

Tin cùng chuyên mục

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

(PNTĐ) - Dịp nghỉ lễ Giải phóng miền Nam 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày, nhiều gia đình chọn đi du lịch bằng xe ôtô tự lái. Để chuyến đi được an toàn, có mấy lưu ý sau:
Sở Tư pháp Hà Nội hướng dẫn người dân đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp  trên VNeID

Sở Tư pháp Hà Nội hướng dẫn người dân đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID

(PNTĐ) - Hướng dẫn đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VneID) và Hướng dẫn tra cứu trạng thái hồ sơ và nhận kết quả cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID) do Sở Tư pháp Hà Nội biên soạn được đăng tải tại Trang thông tin điện tử của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố https://pbgdpl.hanoi.gov.vn/ và Cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp Hà Nội https://sotuphap.hanoi.gov.vn.
Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo

Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo

(PNTĐ) - Tối 22/4, Hội LHPN quận Đống Đa tổ chức “Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo”. Phó chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương; Phó Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy; Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Đống Đa Nguyễn Anh Cường đến dự.