Kỷ niệm 74 năm ngày thương binh – liệt sỹ (27/07/1947 – 27/07/2021): Họa sỹ Lê Duy Ững vẽ Bác bằng cả trái tim

Chia sẻ

Với hoạ sỹ thương binh 1/4 Lê Duy Ứng (SN 1947, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội), khi nghĩ đến Bác Hồ, trong tâm khảm bừng lên nguồn sáng bất diệt. Nguồn sáng đó thôi thúc và cho ông nhiều cảm hứng sáng tạo nghệ thuật…

Nguồn sáng của người thương binh yêu nghệ thuật

Hoạ sỹ Lê Duy Ứng nổi tiếng với bức hoạ “Ánh sáng và niềm tin” vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng máu khi ông bị thương mù cả hai mắt ngày 28/4/1975 trên đường tiến vào Sài Gòn. Căn nhà nơi ông đang ở cùng vợ và con gái dành ba tầng để xây dựng bảo tàng gia đình. Nơi đây, đang được trưng bày hơn 3.000 bức tranh, tượng điêu khắc gỗ, trong đó phần lớn là tranh, tượng về Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhiều bức tranh, tượng điêu khắc thể hiện sinh động lát cắt của cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước hào hùng của dân tộc ta.

Họa sỹ Lê Duy Ứng bên bức tranh vẽ Bác Hồ bằng máu treo trong bảo tàng riêng của nhà mìnhHọa sỹ Lê Duy Ứng bên bức tranh vẽ Bác Hồ bằng máu treo trong bảo tàng riêng của nhà mình (Ảnh: HN)

Hoạ sỹ Lê Duy Ứng hào hứng khoe ông đã tổ chức được 44 cuộc triển lãm nghệ thuật, giành được 9 giải thưởng mỹ thuật trong và ngoài nước. Đa số các tác phẩm nghệ thuật ông được nhận giải thưởng đều là bức tranh hoặc điêu khắc về Bác Hồ - Vị cha già của dân tộc. Nhắc đến đây, họa sỹ Lê Duy Ứng trầm ngâm: “Hình ảnh Bác Hồ khắc sâu vào tâm trí, vào trái tim, nên dù mắt không còn nhìn thấy gì, tôi vẫn vẽ về Bác với những nét vẽ chân thực nhất”.

Tốt nghiệp phổ thông, ông thi vào trường Mỹ thuật Hà Nội. Học chưa hết năm thứ 3, cũng như bao thế hệ thanh niên “Ba sẵn sàng” thời đó nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ. Tại chiến trường ác liệt này, hoạ sỹ đã có nhiều ký hoạ phản ánh cuộc sống chiến đấu của quân và dân Quảng Trị anh hùng. 

Năm 1973, sư đoàn của Lê Duy Ứng tiến vào giải phóng Huế, Đà Nẵng để tiến về giải phóng Sài Gòn. “Hồi đó, Thiếu tướng Lê Linh, Chính uỷ Quân đoàn 2 đã gọi tôi lên, cho tôi xem bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp rồi yêu cầu tôi vẽ tranh cổ động treo trên xe tiến vào thành phố mang tên Bác. Lúc ấy, tôi cũng nghĩ đến hình ảnh Bác Hồ và vẽ bức “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” để cổ vũ tinh thần đồng đội” - ông Ứng kể lại.

Dùng máu để vẽ chân dung Bác Hồ 

Một năm sau, ông tiếp tục tham gia trận đánh Cửa Việt và giành thắng lợi. Để ghi lại cuộc kháng chiến ấy, ông đã vẽ bức tranh “Chiến thắng Cửa Việt” tặng Đại tướng Lê Trọng Tấn, Tư lệnh Sư đoàn 312, Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam. Rồi, ông lại vác máy ảnh, ba lô cùng các chiến sỹ vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1974. 

Đến sáng 28/4/1975, trong trận đánh căn cứ Nước Trong, cách cửa ngõ Sài Gòn 30 cây số, Lê Duy Ứng đang ngồi trên xe tăng 847 làm nhiệm vụ quay phim, chụp ảnh, vẽ ký hoạ thì xe tăng bị trúng đạn. Chiếc xe tăng khựng lại, quay ngang, hất ông cùng một đồng đội khác xuống đường. Khi tỉnh dậy, ông sờ thấy đồng đội của mình đã hy sinh, còn hai mắt của ông đã bị thương, chảy máu. 

“Tôi nghĩ mình khó qua khỏi nên dồn chút sức lực còn lại, vẽ cái gì đó thật ý nghĩa trong giờ phút lịch sử này. Dưới bom rơi bão đạn, tôi mò mẫm giấy, dùng ngón tay làm bút, dùng máu từ vết thương đang rỉ ra từ mắt của mình để vẽ bức chân dung Bác Hồ với nền lá cờ Tổ quốc, cờ Đảng. Dưới bức chân dung, dòng chữ “Ánh sáng niềm tin/Con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân” được ghi đậm rồi gấp gọn lại, cất vào ngực áo và ngất đi lúc nào không biết” – ông kể. 

Khi tỉnh dậy, ông thấy mình nằm trên cáng, còn đồng đội tưởng ông đã hy sinh nên chuẩn bị mang đi chôn. Thấy ông còn sống, mọi người vui mừng, đưa ông đi điều trị tại Viện Quân y. Tại đây, các y bác sỹ tìm thấy bức tranh đặc biệt trong túi áo của ông nên cất đi. Hiện bức tranh ấy đang được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Bà Lê là con gái Hà Nội đoan trang, xinh đẹp. Năm 1973, bà xung phong vào chiến trường miền Trung để động viên bộ đội. Đoàn T72 của bà đóng ở Thị xã Đông Hà, Quảng Trị, còn ông lúc ấy là trợ lý huấn luyện Trung đoàn 325, đóng gần đó. Hai người gặp gỡ, cảm mến nhau, nhưng chiến tranh khiến họ phải xa cách. Bà Lê vẫn ngày ngày chờ đợi tin ông, nhưng ông cố tình trốn tránh, bởi với đôi mắt đã mù, làm sao ông có thể làm chỗ dựa cho bà được? May thay, một người bạn đã báo tin cho bà Lê biết ông bị thương rất nặng, đồng thời nói rõ phòng, khoa của bệnh viện 108. Bà đã bên cạnh chăm sóc, yêu thương, thuyết phục ông để bà gánh vác cùng một phần vất vả của cuộc đời. Ngày 19/9/1976, họ làm lễ cưới.

Một năm sau, hai người sinh con trai đầu lòng, đặt tên là Lê Đông Hà để kỷ niệm nơi lần đầu tiên gặp nhau tại Quảng Trị đổ nát. Năm 1982, ông được Giáo sư - bác sĩ Nguyễn Trọng Nhân phẫu thuật ghép giác mạc, mắt ông sáng trở lại như một phép màu. Hai người sinh tiếp con gái đặt tên là Lê Thu Hà, kỷ niệm mùa thu Hà Nội sáng mắt của ông. Gần 40 năm cuộc đời, họ đã lặng lẽ đi bên nhau, làm chỗ dựa cho nhau đi qua những sóng gió cuộc đời…

HỒNG NHUNG

Tin cùng chuyên mục

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.
Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

(PNTĐ) - Không còn chiến tranh, không còn chia cắt, đất nước Việt Nam giờ đây vươn mình mạnh mẽ hội nhập với thế giới. Thế hệ thanh niên ngày nay cũng hướng đến trở thành những công dân toàn cầu, ham học hỏi, đầy tài năng. Và hơn hết, trong trái tim mỗi người đều một lòng yêu nước nồng nàn, tha thiết.
Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

(PNTĐ) - 790 người cao tuổi phường Bồ Đề được hướng dẫn bài thể dục tránh ngã. Đây là chương trình thuộc dự án "Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số áp dụng mô hình Tsuyama" (JICA). Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về già hóa dân số, trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.