Kỳ vọng Hà Nội sẽ xử lý hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường, tạo không gian sống xanh

H.LAN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều quy định về quản lý và bảo vệ môi trường Thủ đô theo nguyên tắc phát triển bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, lịch sử của Thủ đô.

Để Thủ đô thêm “sáng, xanh, sạch, đẹp”

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định rõ, trên địa bàn Thủ đô nghiêm cấm lấn chiếm, gây ô nhiễm sông, suối, hồ, ao, đầm, công viên, vườn hoa, khu vực công cộng; chặt phá rừng, cây xanh trái phép; xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; sử dụng diện tích công viên, vườn hoa công cộng sai chức năng, mục đích. Việc san lấp, cải tạo sông, hồ, ao suối, đầm bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt phải phù hợp với quy hoạch đô thị, quy định về kiến trúc, cảnh quan, môi trường của Thủ đô.

Dự thảo cũng yêu cầu phải có sự bố trí nguồn lực và thu hút đầu tư vào các dự án phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, xử lý ô nhiễm môi trường sông, suối, hồ, ao, đầm có công nghệ tiên tiến, hiện đại. 

Kỳ vọng Hà Nội sẽ xử lý hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường, tạo không gian sống xanh - ảnh 1
Hà Nội đang nỗ lực tạo ra nhiều không gian xanh

Bên cạnh đó là việc quy định UBND thành phố Hà Nội có trách nhiệm xem xét, quyết định bổ sung khối lượng chất thải rắn sinh hoạt theo hình thức đặt hàng đối với Nhà đầu tư đang thực hiện dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt tự nguyện chuyển đổi toàn bộ công nghệ của dự án sang đốt phát điện. Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, lộ trình đối với công nghệ được chuyển đổi và điều kiện, định mức, đơn giá, giá đặt hàng liên quan đến khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được đặt hàng bổ sung, đảm bảo công khai minh bạch.

Về vai trò của HĐND thành phố, theo Dự thảo gồm quy định vùng phát thải thấp cho Thủ đô và Vùng Thủ đô bao gồm quy hoạch vùng phát thải thấp, các biện pháp khuyến khích đầu tư đối với lĩnh vực, phương thức sản xuất, kinh doanh dịch vụ phát thải thấp trên địa bàn Thủ đô; biện pháp kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân; cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ không đảm bảo tiêu chuẩn về phát thải, sử dụng năng lượng hiệu quả và chuyển dịch năng lượng; Các biện pháp kiểm soát ô nhiễm, phát triển tỷ lệ xanh trong xây dựng đô thị trên địa bàn Thủ đô; Các ưu đãi về đầu tư trong lĩnh vực trồng, phát triển cây xanh, trồng rừng, xử lý rác thải, nước thải, dịch vụ môi trường; năng lượng tái tạo; và các dự án có sử dụng năng lượng tái tạo, dự án hỗ trợ chuyển dịch năng lượng;

Bên cạnh đó, HĐND thành phố cũng quy định chính sách khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi và lộ trình thực hiện đối với cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch; thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện giao thông mới sử dụng năng lượng sạch để giảm ô nhiễm môi trường; sử dụng phương tiện giao thông công cộng để hạn chế ùn tắc giao thông; Biện pháp hỗ trợ, ưu đãi đầu tư sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao, ít sử dụng hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật; các hoạt động xử lý, tái chế sử dụng phụ phẩm, chất thải nông nghiệp; Các yêu cầu riêng về bảo vệ môi trường làng nghề, làng nghề du lịch; biện pháp ưu đãi đầu tư thu gom, xử lý rác thải liên xã, liên huyện trên địa bàn Thủ đô và Vùng Thủ đô.

Nỗ lực triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường.

Hà Nội hiện có 17 khu công nghiệp; hơn 770.000 xe ô tô, gần 6 triệu xe máy lưu thông hằng ngày. Bên cạnh đó là tình trạng đốt rơm rạ, rác; thu gom rác thải chưa tốt; ao hồ lâu năm chưa được xử lý cũng góp phần tạo ra tình trạng ô nhiễm môi trường tại Hà Nội. Qua ghi nhận từ các kết quả quan trắc, nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội vượt khoảng gần 2 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Trong đó, giao thông - vận tải đang là nguồn phát thải PM2.5 lớn nhất (chiếm 50-70%), tiếp đến từ nguồn sản xuất công nghiệp (14-23%), còn lại là từ các nguồn sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Kỳ vọng Hà Nội sẽ xử lý hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường, tạo không gian sống xanh - ảnh 2
Những con đường hoa ban làm đẹp Thủ đô

Bày tỏ kỳ vọng vào các quy định trong Luật, ông Nguyễn Văn Hùng, người dân ở quận Thanh Xuân cho biết: “Thực sự ô nhiễm môi trường là một vấn đề đối với những đô thị lớn, đặc biệt là thủ đô Hà Nội và được người dân đều quan tâm vì liên quan trực tiếp tới sức khỏe con người. Tôi rất mong chính quyền thành phố sẽ sớm có các chỉ đạo, giải pháp để giải quyết vấn đề này, đem lại môi trường trong lành đúng với tiêu chí của một Thủ đô Xanh, văn minh, hiện đại, hòa bình.

Kỳ vọng Hà Nội sẽ xử lý hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường, tạo không gian sống xanh - ảnh 3
Người dân tham gia trồng cây để góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Để có thể xử lý bài toán ô nhiễm, từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 do UBND thành phố Hà Nội đã đặt 5 mục tiêu cần đạt được, đó là: Tăng cường công tác quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn thành phố thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải, giám sát chất lượng không khí xung quanh, cảnh báo, dự báo nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí, giảm thiểu các tác động đến kinh tế, xã hội và sức khoẻ cộng đồng; xây dựng và hoàn thiện hệ thống quan trắc và cơ sở dữ liệu môi trường không khí nhằm hỗ trợ thiết lập hệ thống tổ chức, quản lý, theo dõi, đánh giá, hỗ trợ và xây dựng hệ thống cảnh báo, dự báo về chất lượng không khí tại các khu đô thị tập trung đông dân cư và nhiều nguồn thải trên thành phố Hà Nội.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đặt mục tiêu kiểm soát được các nguồn phát thải từ hoạt động giao thông, công nghiệp, nông nghiệp, dân sinh và đốt mở trên địa bàn thông qua các giải pháp về thể chế và kỹ thuật kiểm soát, ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm không khí từ nguồn phát thải. Huy động và đảm bảo các nguồn lực để thực thi hiệu quả các giải pháp cải thiện chất lượng không khí ngắn, trung và dài hạn.

Kỳ vọng Hà Nội sẽ xử lý hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường, tạo không gian sống xanh - ảnh 4
Hà Nội phấn đấu có 75 – 80% số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình

Nếu các mục tiêu này được thực hiện, Hà Nội phấn đấu có 75 – 80% số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình; giảm phát thải PM2.5 từ các nguồn thải chính, tổng phát thải bụi PM2.5 trên toàn thành phố giảm khoảng 20% so với năm cơ sở (năm 2019), tương đương tổng lượng phát thải giảm 6.200 tấn PM2.5. Đồng thời, duy trì và tiếp tục cải thiện các thông số SO2, NO2, CO, O3 trong môi trường không khí thành phố nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 05:2023/BTNMT.

Đánh giá về các giải pháp của Thành phố, bà Hoàng Thị Hồng, cư trú tại quận Hà Đông cho rằng, có rất nhiều việc phải làm để xử lý ô nhiễm môi trường ở Thủ đô. Vì vậy, bà mong Thành phố sẽ đề ra các mục tiêu, địa bàn cần ưu tiên thực hiện trước, chẳng hạn như ở khu vực nội thành nơi tập trung dân cư đông, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn. Đồng thời, cần có kế hoạch để kiểm định chất lượng khí thải từ các phương tiện, tăng cường việc thải rác từ các hoạt động xây dựng, sản xuất....

Ông Nguyễn Đức Cường, quận Long Biên tin rằng, tới đây khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sẽ tạo cơ chế để Thủ đô phát triển nhanh những bền vững. Đặc biệt, Hà Nội sẽ có thể ứng phó và xử lý hiệu quả đối với ô nhiễm môi trường, tạo không gian sống xanh cho người dân.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Kỳ 4: Hội Phụ nữ tích cực thúc đẩy bình đẳng giới

Kỳ 4: Hội Phụ nữ tích cực thúc đẩy bình đẳng giới

(PNTĐ) - Là tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam; phấn đấu vì sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới, những năm qua, cùng với các cấp Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, thể hiện sự nghiêm túc và trách nhiệm trong thúc đẩy bình đẳng giới; xây dựng môi trường sống an toàn, tạo điều kiện để phụ nữ, trẻ em phát triển toàn diện, phát huy vai trò trong xã hội.
Ra mắt Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi quận Tây Hồ

Ra mắt Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi quận Tây Hồ

(PNTĐ) - Sáng ngày 28/11, Ban Đại diện Hội Người cao tuổi quận Tây Hồ tổ chức Đại hội thành lập Hội Người cao tuổi quận Tây Hồ. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi quận gồm 22 nhân sự. Bà Trần Thị Thu Hường được bầu làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi quận Tây Hồ.