Làng nghề loay hoay phát triển thương mại điện tử

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) -Thương mại điện tử (TMĐT) là một hướng đi tất yếu để các làng nghề phát triển trong khi không ít nghệ nhân, chủ cơ sở sản xuất vẫn còn tâm lý dè dặt. Tuy nhiên, việc phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường khi mà các sản phẩm ngoại nhập đang tràn lan, các làng nghề buộc phải lên mạng dẫu còn nhiều rào cản.

Làng nghề loay hoay phát triển thương mại điện tử - ảnh 1
Ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội dệt lụa Vạn Phúc giới thiệu sản phẩm lụa của làng nghề

TMĐT ở các làng nghề còn chưa thực sự phát triển 
Câu chuyện về cạnh tranh trên thị trường không còn ranh giới của hơn 5.000 làng nghề và làng có nghề trên cả nước (trong đó có hơn 1.700 làng nghề truyền thống đã được công nhận) đang là vấn đề “nóng” khiến nhà quản lý, các chuyên gia và chính các nghệ nhân, chủ cơ sở sản xuất tại các làng nghề trăn trở tìm lối đi. 

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, các làng nghề phát triển đa dạng với khoảng 50 nhóm nghề, thu hút khoảng 11 triệu lao động. Sản phẩm làng nghề Việt Nam đã xuất khẩu sang 160 quốc gia, vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,7 tỷ USD/năm. Tuy vậy, các làng nghề Việt Nam còn đối diện với rất nhiều khó khăn trong phát triển bởi quy mô nhỏ lẻ, phần lớn sản xuất thủ công. Đặc biệt, những năm qua, do ảnh hưởng dịch Covid-19, việc tiêu thụ sản phẩm làng nghề nhiều thời điểm bị gián đoạn, đứt gãy. Hơn nữa, xu hướng hội nhập, các làng nghề phải đối mặt sự cạnh tranh khốc liệt.

Đánh giá của Tiến sĩ Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, trong giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề, xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ cũng giảm sút trầm trọng. Chỉ có doanh thu từ mua sắm online qua các trang thương mại điện tử của một số doanh nghiệp là tăng từ 20-30%. Tuy nhiên, hoạt động TMĐT ở các làng nghề còn chưa thực sự phát triển, việc mua hàng trực tuyến hay thực hiện các giao dịch trên Internet còn hạn chế. Ông Hóa cho rằng, hiểu biết của người làm hàng thủ công mỹ nghệ chưa đủ, chưa quen với việc bán hàng trực tuyến.

Nghệ nhân Nguyễn Minh Ngọc đến từ làng nghề gốm Phú Lãng, tỉnh Bắc Ninh thừa nhận, người làm nghề gốm ở Phù Lãng còn thiếu kinh nghiệm trong xúc tiến thương mại. Các hoạt động xúc tiến thương mại thường tập trung vào việc duy trì, tìm kiếm và mở rộng thị trường để bán những sản phẩm mà thị trường vốn có sẵn mà chưa tạo ra sự độc đáo của riêng mình. 

Đi sâu vào phân tích, ông Vũ Hy Thiều, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam nhận định, còn có những trở ngại chủ quan đến từ chính các làng nghề mà mấu chốt là việc yếu về phát triển sản phẩm, chưa có sản phẩm đặc trưng mang tính riêng biệt. Thậm chí, có cơ sở còn lên mạng lấy mẫu mã về làm, do vậy, tham gia TMĐT dễ có nguy cơ đi quảng cáo cho sản phẩm của doanh nghiệp khác mà không gây dựng được thương hiệu của mình. Bên cạnh đó, về hạ tầng, dịch vụ trong thanh toán, vận chuyển chưa thực sự thuận tiện, bảo đảm tối đa khiến người tiêu dùng có tâm lý e ngại khi mua hàng online. Ví như, người dân nông thôn còn xa lạ sử dụng thẻ thanh toán và thanh toán online. 

Cần các giải pháp thúc đẩy phát triển 
Chia sẻ về kinh nghiệm lên mạng, ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội Dệt lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông cho hay, vì dịch bệnh, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong làng nghề Vạn Phúc đã tổ chức mô hình bán hàng trực tuyến theo nhóm. Đó là cách làm của cơ sở sản xuất kinh doanh lụa Lan Sơn, Phương silk, Phúc Hưng, Phong Thư silk,… Các cơ sở này đã thành lập các nhóm bán hàng trên mạng xã hội như Zalo, Facebook… liên kết hơn 100 hộ. Từ đó, làng nghề Vạn Phúc tích cực đưa những sản phẩm lên các sàn TMĐT. Tất cả sản phẩm được dán tem nhãn thương hiệu "Lụa Vạn Phúc", được bảo hộ độc quyền tới người tiêu dùng Việt Nam và quốc tế.

Về kinh doanh trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram - những nền tảng thu hút hàng triệu người tham gia. Bà Nguyễn Thị Tòng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng Mỹ thuật sản phẩm Làng nghề Việt Nam cho rằng: “Những cá nhân/đơn vị kinh doanh trực tuyến trên mạng xã hội không phải đăng ký kinh doanh sẽ khiến cho thị trường trực tuyến nhiễu loạn, bất cứ ai cũng tự do mua bán tùy ý, việc quản lý sẽ trở nên khó khăn, phức tạp". Vì vậy, theo bà Tòng, cần sự quản lý sát sao của cơ quan Nhà nước và đăng ký kinh doanh là quy định căn bản nhất để Nhà nước bao quát được thị trường.

Bà Tòng khuyến nghị, cần thiết hoàn thiện khung pháp lý cho kinh doanh trực tuyến, đặc biệt là kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội. Nhà nước cần ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến kinh doanh trực tuyến và tổ chức tuyên truyền, phổ cập pháp luật cho những cá nhân, tổ chức tham gia kinh doanh trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội.

Bên cạnh đó, nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy TMĐT tại các làng nghề như, cần nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động TMĐT, hỗ trợ đào tạo năng lực cho đội ngũ thực thi, nâng cao năng lực ứng dụng TMĐT… giúp thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh và tiêu dùng theo phương thức hiện đại, hiệu quả hơn. Đồng thời, tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT. 

Về phía các cơ quan Nhà nước, cần hỗ trợ hàng xuất khẩu, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển TMĐT tại các địa phương, như: Xây dựng gian hàng quốc gia trên một số sàn TMĐT lớn của thế giới; xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.