Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi): Cần quy định rõ hơn nghĩa vụ bên thua kiện
(PNTĐ) -Sáng 26/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đặt câu hỏi: Trường hợp người tiêu dùng đi kiện không đúng, lợi dụng việc đi kiện trong khi doanh nghiệp đang sản xuất rất có uy tín nhưng bị kiện gây mất uy tín, không bán hàng được, gây thiệt hại thì sao?
Cụ thẻ, theo đại biểu Nguyễn Hòa Bình, khi chúng ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong tất cả các hiệp định thương mại tự do thì người ta đều khuyến cáo Việt Nam phải nội luật hóa nghĩa vụ của bên thua, tức là việc người tiêu dùng hay là trường hợp khác đi kiện mà thắng thì đương nhiên nhà sản xuất hay là nhà cung cấp dịch vụ phải bồi thường như luật này là rất rõ.

"Nhưng trong trường hợp người tiêu dùng đi kiện mà lại không đúng, lợi dụng việc đi kiện, doanh nghiệp đang sản xuất rất có uy tín nhưng bị kiện để làm mất uy tín của người ta, người ta không bán hàng được, gây thiệt hại cho người ta thì pháp luật của chúng ta chưa đặt ra nghĩa vụ của bên thua" - đại biểu Hòa Binh băn khoăn.
Thế giới thì trong các hiệp định thương mại tự do người ta khuyến cáo việc xác định trách nhiệm, nghĩa vụ của bên thua. Trong đây, nghĩa vụ của người đi kiện, tức là người tiêu dùng chúng ta cũng nói là xử theo luật, nhưng thực ra chúng ta không có nghĩa vụ trong trường hợp lợi dụng việc này làm mất uy tín của nhà sản xuất đứng đắn, nghiêm túc, làm theo pháp luật nhưng bị đưa lên mạng.
Liên quan đến việc này, đại biểu Hòa Bình cũng cho biết, mình thấy việc đi kiện, sau đó đưa lên mạng công khai, đi kiện không có nghĩa người đi kiện là đúng. Cho nên đưa lên mạng công khai thì điều này cần phải cân nhắc lại, bởi vì đây là quyền con người, quyền của doanh nghiệp, chưa chắc bên kiện đã đúng nhưng đã kiện xong đưa lên công khai thì điều này liên quan đến nghĩa vụ của bên thua.