Vụ một luật sư bị kiện đòi bồi thường 82 tỷ đồng
Luật sư Trương Anh Tú: “Tôi bị kiện vì dám bảo vệ người tiêu dùng“
(PNTĐ) - TAND tỉnh Khánh Hoà vừa tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án “Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoại hợp đồng” giữa Công ty TNHH Thương mại Khu du lịch Vịnh Thiên Đường và Luật sư Trương Anh Tú. Theo đó, toà án đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty Vịnh Thiên Đường buộc Luật sư Trương Anh Tú phải xin lỗi, bởi Văn phòng luật sư Trương Anh Tú đã có các công văn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng về Công ty Vịnh Thiên Đường và hoạt động kinh doanh sở hữu kỳ nghỉ.
Theo đó, nguyên đơn là Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường (gọi tắt là Công ty Vịnh Thiên Đường, có địa chỉ tại phường Lộc Thọ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà) và bị đơn là ông Trương Anh Tú, luật sư.
Theo đơn khởi kiện của Công ty Vịnh Thiên Đường do bà Phạm Thị Kiều Hưng làm đại diện theo uỷ quyền của nguyên đơn, Công ty là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Công ty triển khai mô hình Sở hữu kỳ nghỉ thông qua việc ký Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ tại không gian nghỉ dưỡng thuộc Khu nghỉ dưỡng trên cơ sở lặp lại định kỳ hàng năm trong suốt thời hạn được cấp phép của khu nghỉ dưỡng.
Khách hàng muốn sở hữu kỳ nghỉ sẽ đặt cọc một khoản tiền để giữ chỗ và có quyền bắt đầu thực hiện kỳ nghỉ dưỡng tại Khu nghỉ dưỡng kể từ khi dự án ALMA được hoàn thành và khách hàng hoàn tất nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng.

Thời gian chờ Khu nghỉ dưỡng ALMA chính thức đi vào hoạt động, công ty thực hiện việc liên kết với đối tác cung cấp không gian nghỉ dưỡng và/hoặc dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng tại các khu nghỉ dưỡng khách sạn khác để tạo điều kiện cho các khách hàng của mình được trải nghiệm các kỳ nghỉ dưỡng trong nước hoặc quốc tế tuỳ thuộc vào lựa chọn của khách hàng. Đây được gọi là quyền nghỉ dưỡng tuỳ chọn của khách hàng trong thời gian chờ xây dựng khu nghỉ dưỡng, áp dụng ngay sau khi khách hàng ký hợp đồng thanh toán tối thiểu 30% giá trị hợp đồng.
Theo nguyên đơn, từ năm 2016, luật sư Trương Anh Tú liên tục vu khống tung tin tiêu cực, sai sự thật về công ty, dự án ALMA và hợp đồng cung cấp kỳ nghỉ trên mạng xã hội gây khó khăn và thiệt hại nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của công ty như: rủi ro trong hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ; hàng loạt khách hàng tố ALMA lừa bịp, vạch mặt ALMA – Vịnh Thiên Đườn qua phóng sự của VTV1…
Luật sư Trương Anh Tú còn trả lời một số báo lớn như Ngày nay, Dân trí... về dự án ALMA và Công ty, gây ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của công ty đối với khách hàng và cộng đồng.
Cũng theo nguyên đơn, hành vi của ông Tú vi phạm các điều cấm của pháp luật Việt Nam và gây thiệt hại cho công ty cũng như hành vi trái pháp luật, vu khống, phá hoại, cố ý bôi nhọ hình ảnh, uy tín của công ty bằng truyền thông và facebook, từ dó đề nghị Toà tuyên buộc ông Tú bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho công ty hơn 82 tỷ đồng.
Bị đơn Trương Anh Tú sau đó đã làm đơn phản tố, với nội dung, sau hàng loạt đơn yêu cầu luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho khách hàng đã ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ với công ty Vịnh Thiên Đường, văn phòng luật sư Trương Anh Tú đã nhận thấy có nhiều điều bất thường xâm phạm đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Trước tình cảnh đó, Luật sư Trương Anh Tú quyết định tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân. Trong quá trình giải quyết vụ việc, Văn phòng luật sư Trương Anh Tú nhận thấy có nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến Công ty Vịnh Thiên Đường, dự án Alma, hoạt động kinh doanh sở hữu kỳ nghỉ nên đã gửi các công văn đến các cơ quan chức năng để làm rõ và xử lý giải quyết đảm bảo quyền lợi cho người dân. Tuy nhiên vì lý do đó, Công ty Vịnh Thiên Đường đã tiến hành khiếu nại, tố cáo, khởi kiện luật sư đến nhiều cơ quan có thẩm quyền.
Công ty Vịnh Thiên Đường thay vì củng cố dịch vụ, hoàn thiện hợp đồng, giải quyết ổn thoả các khiếu nại của khách hàng, lại quay sang đổ lỗi, khiếu nại và tố cáo ông Trương Anh Tú, gây nhiều xáo động trong cuộc sống và thiệu hại trong công việc. Luật sư Trương Anh Tú đề nghị Toà yêu cầu Công ty phải bồi thường tổn thất kinh tế, tinh thần, vật chất, danh dự, uy tín cho ông với số tiền hơn 8 tỷ đồng. Tại toà sơ thẩm ông Tú chỉ yêu cầu bồi thường tổn thất danh dự, tinh thần bằng 10 tháng lương cơ bản.
Quá trình xét xử, Toà cấp sơ thẩm quyết định chấp nhận 1 phần yêu cầu khởi kiện của Công ty Vịnh Thiên Đường, buộc ông Tú xin lỗi công khai Công ty trên ba báo Thanh niên, Tuổi trẻ và Dân trí cả báo in và điện tử, buộc ông Tú bồi thường tổn thất uy tín, danh dự cho công ty với số tiền 14,9 triệu đồng, không chấp nhận yêu cầu phản tố của ông tý về việc bồi thường thiệt hại.
Ngày 16/2/2023, ông Tú có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm. Tại phiên toà mới đây, TAND tỉnh Khánh Hoà không chấp nhận nội dung kháng cáo của luật sư Trương Anh Tú, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty Vịnh Thiên Đường.
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Trương Anh Tú cho rằng, phán quyết của toà án không thực sự khách quan, nhiều vấn đề pháp lý chưa được làm rõ. Do đó, ông sẽ tiếp tục làm đơn khiếu nại tới TAND cấp cao, TAND tối cao đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án sơ thẩm và phúc thẩm. Bên cạnh đó, văn phòng luật sư Trương Anh Tú cũng đang làm việc với các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hoà, các bộ ban ngành trung ương để làm rõ một số sự việc, đặc biệt là vấn đề giao đất, cấp phép phê duyệt dự án của Công ty Vịnh Thiên Đường.
Theo luật sư Trương Anh Tú, hiện văn phòng đã nhận được phản hồi từ UBND tỉnh Khánh Hoà giao Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Khánh Hoà báo cáo vấn đề này.
“Tôi cảm thấy đáng tiếc, vì sự việc này tổn hại nghiêm trọng đến chức năng xã hội của luật sư được Đảng, nhà nước, Quốc hội ghi nhận trong luật luật sư. Vụ án Công ty Vịnh Thiên Đường kiện tôi kéo dài 5 năm, nhưng trong suốt thời gian đó cho đến thời điểm hiện tại, Công ty Vịnh Thiên Đường vẫn đang phải đối mặt với nhiều khiếu nại, khiếu kiện và tố cáo của khách hàng. Điều này cho thấy thực sự có vấn đề còn tồn tại trong hoạt động kinh doanh sở hữu kỳ nghỉ của Công ty Vịnh Thiên Đường. Vì vậy, tôi tin rằng Toà án cấp trên sẽ xem xét và giải quyết khiếu nại của tôi đối với các bản án nêu trên - luật sư này nói.
Theo luật sư Trương Anh Tú, liên quan đến hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ, nhiều người dân vẫn liên tiếp có đơn thư kiến nghị, tố cáo gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các doanh nghiệp kinh doanh loại hình dịch vụ này, trong đó có Công ty Vịnh Thiên Đường. Có thể nói Công ty Vịnh Thiên Đường là cha đẻ của mô hình kinh doanh sở hữu kỳ nghỉ với dự án Alma. Từ năm 2013 Công ty Vịnh Thiên Đường đã bắt đầu ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ với khách hàng, thời điểm đó dự án chưa được triển khai, chưa có giấy phép xây dựng, thậm chí chưa có quyết định giao đất.
“Nhiều khách hàng, sau khi ký kết hợp đồng nhận thấy vấn đề pháp lý chưa đầy đủ, thực tế dự án không có gì ngoài bãi đất trống đã yêu cầu hoàn lại tiền nhưng không được giải quyết. Các khách hàng rơi vào tình cảnh khốn quẫn, họ cho rằng mình bị “lừa đảo” hoặc bị “dụ dỗ”, “lôi kéo”… nên đã tìm đến luật sư Trương Anh Tú để được bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp” - luật sư Trương Anh Tú cho biết.