Master Chef Mỹ Christine Hà: Nấu ăn từ những ký ức về mẹ

Bài và ảnh: Mỹ Hằng
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sinh ra lớn lên ở Mỹ, song Christine Hà đã trở thành vua đầu bếp Mỹ với những món ăn mang hương vị Việt, bằng ký ức quê hương từ người mẹ. Trong năm qua, Christine Hà đã có một chuyến trở về Việt Nam đầy ý nghĩa để cảm nhận ẩm thực Việt từ mọi vùng miền.

Master Chef Mỹ Christine Hà: Nấu ăn từ những ký ức về mẹ - ảnh 1
 Đầu bếp Christine Hà

Chuyến đi kết nối
Christine Hà (tên Việt là Hà Huyền Trân) đã nhiều lần trở về Việt Nam, kể cả trở về làm giám khảo Master Chef. Nhưng chuyến đi năm 2023 của chị có ý nghĩa đặc biệt trên cương vị một nhân vật trong chương trình Sứ giả nghệ thuật của Đại sứ quán Mỹ. Chị đã đi từ Hà Nội tới Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh gặp gỡ với các bạn trẻ, người khuyết tật, hay đến với tỉnh Sơn La gặp gỡ các chị em phụ nữ người thiểu số.

Chuyến đi đến Sơn La là một chặng rất thú vị trong hành trình lần này của Christine Hà. Ở đó, trong hội thảo “Phụ nữ khởi nghiệp: Thách thức và cơ hội tại Việt Nam và Hoa Kỳ” đã được Trung tâm hợp tác Phát triển Tây Bắc (TABA) phối hợp cùng Doanh nghiệp Xã hội Agritage Việt Nam, Đại sứ quán Hoa Kỳ tổ chức, chị đã chia sẻ câu chuyện về những nỗ lực vượt qua thách thức của số phận để đạt được thành tựu cho mình và cho cộng đồng.

Chị cho biết, chính chị đã phải trải qua nhiều khó khăn, từ việc mẹ mất đến lúc mất đi thị lực, nhưng nỗ lực của gia đình vươn lên từ một cộng đồng di cư đã tạo dựng cho chị một tính cách mạnh mẽ. Cũng có những lúc trầm cảm, song Christine Hà luôn cố gắng vượt qua và giữ cho mình sự lạc quan. 

“Chúng ta không thể ngồi chờ phép màu, mà phải luôn chủ động, luôn đặt câu hỏi mình cần gì” - Christine Hà chia sẻ trong cuộc giao lưu với chị em phụ nữ ở bản Bướt, Sơn La, những người đang bắt đầu hành trình hội nhập của riêng họ khi đang tìm cách vượt ra khỏi cuộc sống khép kín của một bản miền núi bao đời nay để làm du lịch dựa trên chính tập quán nông nghiệp truyền thống của họ. 

Có lẽ Christine Hà chưa từng đến một bản miền núi như bản Bướt. Ở đó chị đã giao lưu nấu ăn cùng chị em phụ nữ bằng món cơm rang và thịt nướng cuốn rau sống ăn kèm kim chi kiểu Hàn Quốc - bởi chồng chị là người gốc Hàn. Ngửi thử một nguyên liệu, nếm một chút gia vị, Christine Hà nấu ăn rất thoải mái. 

Vượt qua thách thức, có lẽ đó chính là điểm chung giữa Vua Đầu bếp Mỹ với những phụ nữ từ trước đến nay vốn rất ít cơ hội. Sự kết nối đó và niềm vui gặp gỡ làm cho những nụ cười luôn rạng rỡ trên gương mặt cả chủ và khách.

Không đầu hàng số phận
Câu chuyện của Christine Hà thực sự là câu chuyện truyền cảm hứng. Một người khiếm thị, một người gốc Việt đoạt giải Master Chef Mỹ - Christine Hà đã đánh dấu “lần đầu tiên” như thế khi chị tham gia chương trình Master Chef mùa 3 năm 2012. Chị bị mất thị lực một bên mắt do một căn bệnh hiếm gặp về thần kinh thị giác năm 20 tuổi, và năm 27 tuổi thì chị hoàn toàn không còn nhìn thấy gì. 

Trước khi trở thành một người nấu ăn, Christine Hà đã tốt nghiệp ngành tài chính và quản lý hệ thống thông tin của Đại học Texas tại Austin năm 2001, nhưng thị lực yếu khiến chị không thể đi làm. Sau đó chị theo học thạc sĩ nghệ thuật của Đại học Houston, bang Texas, và trở thành biên tập viên về tiểu thuyết và thơ cho nhiều tạp chí văn học nghệ thuật của Mỹ. Chị cũng đã giành một giải thưởng về biên tập thơ năm 2010.

Christine Hà cho biết, những món ăn Việt Nam do mẹ nấu, từ bún bò Huế, thịt kho, cơm tấm sườn… đã trở thành một phần tuổi thơ cho đến khi mẹ mất năm chị 14 tuổi. Và từ chỗ chỉ biết nấu mì gói, vào đại học chị phải tập nấu ăn để “sống sót”. 

 “Người phụ nữ này có khẩu vị đặc biệt, khẩu vị tinh tế đến khó tin. Cô nhặt nguyên liệu còn nóng lên, chạm vào và nghĩ về hình ảnh này trên đĩa… Khẩu vị của cô ấy thật phi thường. Và thành thật mà nói, tôi biết những đầu bếp đạt sao Michelin nhưng lại không có khẩu vị như cô ấy” - bếp trưởng Gordon Ramsay lừng danh, giám khảo chương trình Master Chef. 

Chị nấu được nếu có sự chuẩn bị, khi chị biết các dụng cụ nấu ăn ở vị trí nào, nguyên liệu nấu ăn đặt đâu trên bàn. Chị học nấu bằng sự nhạy bén của các giác quan khác thay cho đôi mắt, như lắng nghe tiếng nước sôi, tiếng chiên hành tỏi, ngửi mùi thơm của thức ăn, cảm nhận của vị giác, và rồi nấu ăn trở thành niềm yêu thích.

Những ký ức 
“Nhiều năm sau khi mẹ mất, tôi nhận ra rằng nếu mình không tự nấu thì sẽ chẳng ai nấu cho mình những món ăn Việt Nam” - chị kể lại. Và tự chị lại mày mò cách nấu, bằng giác quan và bằng tưởng tượng và cảm nhận về những món ăn của bà, của mẹ. Khi chị nấu cho bạn bè gia đình, mọi người đều đón nhận các món ăn của chị một cách thích thú.

“Tôi dần thấy mình thích chia sẻ việc nấu nướng và chia sẻ văn hóa ẩm thực ảnh hưởng từ Việt Nam” - Christine Hà cho biết. Vốn thích viết, chị bắt đầu chia sẻ về việc nấu ăn trên blog cá nhân. Qua blog đó mà những người tổ chức Master Chef biết đến Christine Hà và mời chị tham gia chương trình. 

Vượt qua 30.000 thí sinh khác ở vòng sơ tuyển, chị bước vào vòng chung kết cùng khoảng 100 thí sinh đến trường quay Master Chef. Ở đó, lần lượt qua các vòng thi, chị không có ưu đãi nào dù là người khiếm thị. 

Bí quyết để Christine Hà chinh phục ban giám khảo chính là các món ăn Việt Nam. Chị nói đấy là một chiến lược để tranh tài với các thí sinh vốn rất giỏi giang khác. “Các thí sinh tham gia cuộc thi đều mang đến những món ăn ngon nhất thế giới, nhưng tôi muốn kể câu chuyện của mình, là mình, muốn món ăn có yếu tố văn hóa trong đó”- Christine Hà chia sẻ. Các món ăn Việt, trong đó có món cá basa kho tộ, đã giúp chị giành phiếu quyết định của ban giám khảo.

 Sau cuộc thi, Christine Hà đã mở 3 nhà hàng trên đất Mỹ, nơi giới thiệu với thực khách các món ăn thuần Việt hoặc món Việt có chút biến tấu hương vị Mỹ hoặc Mexico.  

“Tôi muốn giới thiệu để người Mỹ biết các món ăn Việt tuyệt vời như thế nào”. “Yếu tố văn hóa và di sản Việt Nam ảnh hưởng khá nhiều đến phong cách nấu nướng và cuộc sống của tôi”- chị nói.

Christine Hà cho rằng ẩm thực Việt Nam, với sự cân bằng về mùi vị, màu sắc, nguyên liệu, thành phần mà không phải nơi đâu cũng có, hoàn toàn có thể trở thành một sức mạnh mềm để quảng bá về đất nước với bạn bè quốc tế. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Chính sách mới về hướng nghiệp, phân luồng trong giáo dục

Chính sách mới về hướng nghiệp, phân luồng trong giáo dục

(PNTĐ) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa công bố Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến đóng góp theo quy định. Đây là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng nhằm cụ thể hóa Luật Giáo dục 2019 và triển khai Chỉ thị số 29-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông đến năm 2030.
 Công an Thủ đô khắc ghi lời Bác dạy

Công an Thủ đô khắc ghi lời Bác dạy

(PNTĐ) - Ngày 14/5, Công an TP Hà Nội trang trọng tổ chức Hội nghị “Công an Thủ đô khắc ghi lời Bác dạy; Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ”; Sơ kết việc thực hiện Quy định số 09-QÐ/ĐUCA ngày 19/5/2023 của Đảng ủy Công an trung ương về chế độ học lập, thực hiện Sáu điều Bác Hỗ dạy Công an nhân dân năm 2025, chào mừng kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025).
Công an TP Hà Nội: Sắp xếp, bố trí cán bộ phải tiến hành khẩn trương nhưng chắc chắn, không gây xáo trộn

Công an TP Hà Nội: Sắp xếp, bố trí cán bộ phải tiến hành khẩn trương nhưng chắc chắn, không gây xáo trộn

(PNTĐ) - Chiều ngày 14/5, Công an thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị quán triệt các văn bản về công tác Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2025-2030 và sắp xếp, bố trí cán bộ Công an cấp xã khi sáp nhập, hợp nhất theo địa giới hành chính trong Công an thành phố Hà Nội.
Giữ lửa theo gương Bác: Dấu ấn 10 năm thực hiện Chỉ thị 05 tại Phú Thượng

Giữ lửa theo gương Bác: Dấu ấn 10 năm thực hiện Chỉ thị 05 tại Phú Thượng

(PNTĐ) - Trong không khí tháng 5 lịch sử, Đảng bộ phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) long trọng tổ chức Lễ trao tặng Huy hiệu Đảng cho hơn 30 đảng viên lão thành - những người đã dành trọn cuộc đời cống hiến cho lý tưởng của Đảng. Sự kiện không chỉ là lời tri ân sâu sắc đối với các thế hệ đi trước, mà còn là dấu ấn ghi nhận chặng đường 10 năm đầy nỗ lực của Đảng bộ trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.