Mất gần 1 tỷ đồng vì “bị thao túng” cài VssID giả mạo

M. CHI
Chia sẻ

(PNTĐ) - Công an thành phố Hà Nội thông tin, gần đây, nhiều đối tượng đã mạo danh cán bộ, nhân viên Bảo hiểm Xã hội Việt Nam gọi điện thoại hướng dẫn người dân cài đặt phần mềm bảo hiểm xã hội (VssID) giả mạo.

Mới đây, chị T (trú tại quận Ba Đình, thành phố Hà Nội) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại tự xưng là Cơ quan Bảo hiểm Xã hội quận Ba Đình hỗ trợ kiểm tra hồ sơ trợ cấp thất nghiệp trực tuyến.

Đối tượng yêu cầu chị T sử dụng điện thoại Samsung để thực hiện cài đặt ứng dụng hỗ trợ xử lý từ xa. Do giao diện của ứng dụng giống với giao diện chị đã cài đặt trên điện thoại iPhone nên chị hoàn toàn tin tưởng và thực hiện các thao tác.

Sau đó, chị T kiểm tra thì phát hiện tài khoản ngân hàng bị rút hết tiền nên đã đến cơ quan công an trình báo. Tổng số tiền bị chiếm đoạt là gần 1 tỷ đồng.

Tại cơ quan công an, chị T cho biết chị là người có trình độ về công nghệ thông tin, đã thực hiện bảo mật các thông tin về tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, khi nghe điện thoại của đối tượng, thấy được phục vụ nhiệt tình, chu đáo nên chị đã chủ quan, sập bẫy các đối tượng.

Trước đó, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Đồng Nai tiếp tục nhận được phản ánh từ người dân về việc bị nhiều đối tượng mạo danh cán bộ cơ quan Bảo hiểm Xã hội yêu cầu người dân đồng bộ dữ liệu căn cước công dân, cập nhật thông tin trên ứng dụng VssID-Bảo hiểm Xã hội số.

Cụ thể, ngày 9/5, anh T.H.T (cư trú tại phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) nhận được cuộc điện thoại từ đầu số 0924635… tự xưng là cán bộ cơ quan Bảo hiểm Xã hội Đồng Nai thông báo hồ sơ Bảo hiểm Xã hội của anh cần phải đồng bộ dữ liệu căn cước công dân và yêu cầu anh lên cơ quan Bảo hiểm Xã hội tỉnh để cập nhật lại thông tin.

15 phút sau, người này gọi lại anh T hỏi có sử dụng phần mềm VssID không, anh T trả lời có, người này trả lời nếu vậy thì không cần lên cơ quan Bảo hiểm Xã hội và yêu cầu anh gọi số điện thoại khác để hướng dẫn cập nhật online.

10 phút sau, người này tiếp tục gọi lại và nói đang bận xử lý công việc nên sẽ chuyển hồ sơ của anh T cho một người khác, có số điện thoại 0949025… để người này hỗ trợ cập nhật thông tin.

Nghi ngờ đối tượng lừa đảo, nên anh T gọi điện thoại tới cơ quan Bảo hiểm Xã hội tỉnh Đồng Nai để xác minh lại thông tin. Qua kiểm tra, Bảo hiểm Xã hội tỉnh không có cán bộ nào có số điện thoại 0924635… và 0949025… gọi điện để yêu cầu đồng bộ dữ liệu, cập nhật căn cước công dân.

Cán bộ Bảo hiểm Xã hội tỉnh không gọi điện thoại hay nhắn tin yêu cầu người dân, người lao động đồng bộ dữ liệu căn cước công dân, cập nhật thông tin trên ứng dụng VssID-Bảo hiểm Xã hội số.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã phát đi nhiều thông tin cảnh báo về tình trạng mạo danh cơ quan, viên chức và người lao động cơ quan Bảo hiểm Xã hội để lừa đảo người dân đồng thời, đã gửi các văn bản đề nghị các cơ quan chức năng liên quan kịp thời ngăn chặn, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm và thông tin rộng rãi tới người dân, người lao động.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam khuyến cáo người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cần nâng cao cảnh giác hơn nữa để phòng tránh bị đối tượng xấu lợi dụng, lừa đảo.

Bên cạnh đó, người dân cũng cần tăng cường trau dồi kiến thức về pháp luật, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; thường xuyên theo dõi các thông báo của cơ quan chức năng về phương thức thủ đoạn phạm tội, lừa đảo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trường hợp khi thực hiện các thủ tục hành chính của ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, nếu có vướng mắc thì người dân liên hệ trực tiếp với cơ quan Bảo hiểm Xã hội nơi gần nhất hoặc liên hệ Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng qua số hotline: 1900.9068 để được hỗ trợ.

Công an thành phố Hà Nội cũng có khuyến cáo người dân ba bước phòng tránh sập bẫy lừa đảo bằng việc giả làm cán bộ bảo hiểm xã hội, yêu cầu hỗ trợ cài đặt phần mềm VssID giả mạo, chứa mã độc, chiếm quyền điều khiển điện thoại, thực hiện chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng và các ứng dụng thanh toán để chiếm đoạt:

Nâng cao cảnh giác trước các cuộc gọi lạ, tin nhắn có liên quan tới cán bộ của các cơ quan chức năng. Không cung cấp thông tin cá nhân và làm theo các yêu cầu thông qua điện thoại. Đồng thời, liên hệ với các cơ quan chức năng, có thẩm quyền để xác minh về người gọi điện.

Chỉ cài những phần mềm đã được cơ quan chức năng đã công bố trên webste chính thức của đơn vị. Tuyệt đối không bấm vào đường link nhận được qua tin nhắn, cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc qua link hoặc file Apk.

Thường xuyên cập nhật các phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm công nghệ cao trên các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền cho người thân, mọi người xung quanh.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Chung tay “Gửi quà góp Tết” cho người nghèo

Chung tay “Gửi quà góp Tết” cho người nghèo

(PNTĐ) - Chiến dịch “Gửi quà góp Tết” hoạt động nằm trong khuôn khổ Phong trào “Tết Nhân ái” được Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức thường niên. Chiến dịch “Gửi quà Góp Tết” xuân Ất Tỵ năm 2025 đặt mục tiêu hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho hơn 1,2 triệu người có hoàn cảnh khó khăn.
Chợ cá Yên Sở rực sắc đỏ ngày ông Công ông Táo

Chợ cá Yên Sở rực sắc đỏ ngày ông Công ông Táo

(PNTĐ) -  Từ đêm 20/1/2025 (rạng sáng ngày 21 tháng Chạp), chợ cá Yên Sở đón nhiều thương lái từ khắp nơi đổ về để chọn mua cá, phục vụ người dân quanh Hà Nội và các vùng lân cận. Theo ghi nhận, năm nay, giá cá chép tăng so với mọi năm do ảnh hưởng bởi bão số 3.
Những chuyến tàu nghĩa tình đưa người lao động về quê ăn Tết

Những chuyến tàu nghĩa tình đưa người lao động về quê ăn Tết

(PNTĐ) - Bắt đầu từ 11 giờ 00 phút, ngày 21 tháng 01 năm 2025, tức ngày 22 tháng 12 năm Giáp Thìn, “Chuyến tàu Công đoàn - Xuân 2025” đầu tiên xuất phát từ ga Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai ra Bắc, đưa 110 người về quê ăn Tết. Tổng LĐLĐ tỉnh Đồng Nai cũng chủ trì, phối hợp với Công đoàn Đường sắt Việt Nam và các đơn vị phối hợp tổ chức gặp gỡ, chúc tết, tặng quà cho đoàn viên (ĐV), người lao động (NLĐ) trước khi lên tàu.