Một mũi tên trúng nhiều đích
PNTĐ-Giảm lãi suất, có thể một lượng tiền gửi sẽ rời bỏ ngân hàng nhưng những ý nghĩa khác còn quan trọng hơn điều đó…
Chưa vội lo
Trước giờ G, dân tình không giấu được sự lo lắng, bất an, nháo nhào xếp hàng tại các ngân hàng để cắt lãi, đáo hạn, đổi sổ tiết kiệm. Cũng dễ hiểu, trong vòng gần 2 năm qua, đây luôn là một kênh sinh lời an toàn nhất trong các kênh đầu tư. Trong khi đó, trên nghị trường Quốc hội, nhiều ý kiến lại cho rằng, việc điều chỉnh lãi suất là cần thiết, nên làm, thậm chí còn hạ thêm được thì càng tốt. “Hạ lãi suất nên được xem như một mũi tên trúng nhiều đích, những cái đích xa hơn và tốt hơn cho nền kinh tế chứ không dừng lại là một kênh đầu tư” - PGS. TS Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết.
![]() |
Thả nổi lãi suất ở kỳ hạn từ 12 tháng trở lên được đánh giá là mang lợi ích cho người gửi |
Theo phân tích của TS Ngân, giảm lãi suất giúp cho DN giảm bớt chi phí vốn để đẩy mạnh sản xuất – kinh doanh; hỗ trợ quá trình tái cấu trúc lại thị trường tài chính để giúp các DN huy động vốn trên thị trường chứng khoán cũng đồng nghĩa với việc giảm bớt gánh nặng cho hệ thống ngân hàng. Theo tính toán của TS Ngân, khi lãi suất huy động được duy trì ở mức 9%/năm thì với những DN có tỷ suất lợi nhuận khoảng 13% có thể huy động được vốn qua phát hành trái phiếu, cổ phiếu. Giảm lãi suất cũng thúc đẩy quá trình tái cấu trúc các DNNN, thúc đẩy cổ phần hóa và lãi suất trái phiếu của Chính phủ phát hành cũng thấp hơn.
Nếu nhìn nhận như vậy sẽ thấy việc giảm lãi suất huy động là không đáng lo ngại, thậm chí theo TS Ngân, kể cả khi đồng tiền đã được rút ra khỏi ngân hàng cũng là điều nên mừng hơn là đáng lo bởi đồng tiền không bị cố thủ, nhất là khi ngân hàng hiện đang thừa nguồn cung, nhà đầu tư xoay vòng đồng tiền kiểu gì cũng tốt: Tiêu dùng có thể giải quyết hàng tồn kho; đầu tư bất động sản cũng sẽ tốt cho thị trường này hay đầu tư vào chứng khoán sẽ thúc đẩy cơ cấu tái cấu trúc thị trường tài chính…
Tiền gửi sẽ tốt và an toàn hơn
Một động thái khác của Ngân hàng Nhà nước cũng rất được chú ý và tốt cho người có nhu cầu gửi tiền tiết kiệm lâu dài nhưng dường như lại chưa được nhiều người dân để tâm. Đó là quy định cho phép các tổ chức tín dụng được ấn định lãi suất ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. “Lãi suất hạ xuống còn 9%, so với trước đây, người gửi tiền đã mất 2% mỗi tháng. Nhìn thấy trước mắt là thiệt nhưng nhìn xa hơn, nếu có nhu cầu gửi tiền tiết kiệm thực sự và xem đây là kênh đầu tư lâu dài thì quy định thả nổi lãi suất ở kỳ hạn từ 12 tháng trở lên đang mang lợi ích cho người gửi” – Đại diện một ngân hàng thương mại nhận xét.
Thả nổi lãi suất cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên theo phân tích của các chuyên gia kinh tế là đưa lãi suất về đúng bản chất. Khi khách hàng cam kết gửi tiền trung và dài hạn, lãi suất cao hơn cũng là quy luật tất yếu của thị trường. Thời gian qua, với việc áp dụng một mức lãi suất cào bằng cho tất cả các kỳ hạn, thậm chí gửi dài hạn còn thiệt hơn gửi ngắn hạn nên đã và đang xảy ra tình trạng là người có tiền chỉ gửi 1, 2, 3 tháng trong khi người đi vay thường vay dài 3, 5 năm, thậm chí là 10 năm.
Lấy ngắn nuôi dài là rủi ro lớn nhất cho chính ngân hàng và các DN là chịu thiệt nhiều nhất vì quay đi quay lại đã đến hạn trả nợ. Kỳ hạn dài hơn sẽ giảm tải áp lực và việc đưa lãi suất về đúng bản chất cung và cầu của thị trường. Người gửi tiền và ngân hàng có điều kiện để xác lập một lãi suất hợp lý và cao hơn kỳ hạn ngắn sẽ khiến gia tăng lợi ích cho những nhu cầu tiết kiệm thực sự. Tiền gửi tiết kiệm vẫn là kênh sinh lời tốt, không chỉ có người gửi mà còn cho chính ngân hàng bởi lượng tiền gửi của dân cư thường chiếm tỷ trọng bình quân trong cơ cấu tới 40%. Một mũi tên trúng nhiều đích như lời TS Ngân đề cập cũng xuất phát từ ý nghĩa này.
Nguyễn Hương