Mùa thu tháng 9

Mai Trang
Chia sẻ

(PNTĐ) -Tôi đã đọc đi đọc lại khá nhiều tư liệu lịch sử về giai đoạn đầu năm 1945 cho đến ngày 2/9 năm đó. Nhưng, trong tâm trí tôi ngày Tết Độc lập không chỉ là dấu mốc lịch sử mà đã trở thành điểm nhấn văn hóa của cả một năm. Dường như thế sự đã hòa nhập vào tâm sự để trường tồn, lịch sử hào hùng cũng đã trở thành một giá trị cao quý của dân tộc Việt Nam…

Ký ức về ngày tươi đẹp này là một “thước phim” dài. Tôi ở vùng cao. Mỗi khi đến Tết Độc lập, tôi nhớ từ sớm lắm, tưởng như mặt đất đang rung lên bởi những bước chân hồ hởi ngoài đường. Đồng bào Thái, Mông, Dao, Tày mặc những bộ váy, áo mới, khuôn mặt rạng rỡ từ lúc mặt trời chưa nhô lên để xuống chợ. Họ vừa đi vừa hát những bài dân ca, vừa nựng những đứa trẻ sốt ruột muốn được xem phố phường. Điều đó đã đem lại không khí hào hùng, ấm áp của mùa thu năm nào khi bà con các dân tộc gắn kết thành một sức mạnh trong ngày Tổng khởi nghĩa…

Khác với ngày thường họ mệt nhọc chất lên lưng ngựa lỉnh kỉnh nông sản để đem xuống chợ bán, hôm nay xuống phố họ đi bộ, dắt con, cháu. Những cặp vợ chồng không còn lam lũ mồ hôi, bùn đất mà sánh bước bên nhau như trong ngày cưới. Ông tôi bảo: “Con biết vì sao đồng bào thích ngày 2/9 không?”. Khi đó tôi còn nhỏ quá nên chưa thể hiểu nổi, ông tôi giảng giải:

- Vì chính họ đã được Đảng và quân dân ta giải phóng khỏi ách đô hộ của thực dân, ách áp bức của lang, phìa, tạo… nên coi đó là một sự kiện “long trời lở đất”. Nếu Tết Nguyên đán hồi sinh đất trời thì 2/9 hồi sinh con người ở miền Tây Bắc.

Mùa thu tháng 9 - ảnh 1
Ảnh minh họa

Thế rồi theo tháng năm, ông bà tôi xanh cỏ, những bước chân ấy vẫn dồn về phố huyện những dịp đón Tết Độc lập, tôi để ý thấy những chàng thanh niên ngày nào giờ thành các ông bố trẻ lại dắt con cái xuống núi như một nghi lễ hết sức trang trọng của dân tộc mình. Với đồng bào, ngày mồng 2 tháng 9 không chỉ được ghi trong lịch mà đã thành niềm tha thiết khôn nguôi. Sau này, nhớ về hình ảnh ấy, trong tôi lại vang lên hai câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên: “Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch/ Bữa xôi đầu còn toả nhớ mùi hương”- (Tiếng hát con tàu).

Với mỗi người, ngày tháng thiêng liêng chính là năng lượng tốt nhất để tạo nên động lực trong cuộc sống và khát vọng. Bởi thế, một ngày đầu thu cách đây hai mươi năm, tôi tìm đến phố phường Hà Nội, bước chân trên những con phố đã thành huyền thoại đặc biệt là phố Hàng Ngang với số nhà 48 (nơi Bác Hồ khởi thảo bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam-Dân chủ-Cộng hòa).

Hà Nội - một vùng đất vốn dĩ được vun đắp lên giữa những luồng chảy của các dòng sông, nhánh sông nhưng lại hội tụ linh khí nước Nam mà thành kinh đô của nhiều triều đại phong kiến. Hà Nội tuy nằm ở vị trí trung tâm của Đồng bằng sông Hồng nhưng lại độc đáo và khác lạ. Một trong những nét đặc sắc ấy là mùa thu. Cái se lạnh lúc sáng sớm và chút dịu dàng chiều muộn thì không đâu có được. Những gốc cây cổ thụ, những mái ngói rêu phong đã chứng kiến bao mùa thu đến rồi đi, nhưng có lẽ những chứng nhân ấy đã khắc sâu hình ảnh của một ngày thu đặc biệt nhất khi cả triệu triệu người cùng đồng lòng hướng về kỳ đài nơi có vị cha già dân tộc đang đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Thăng Long xưa, Hà Nội nay đã trải qua bao thăng trầm nhưng mãi mãi thuộc về mùa thu ấy, ngày thu ấy.

Mùa thu tháng 9 - ảnh 2
Ảnh minh họa

Thế rồi, tôi phải xa Hà Nội không biết đã bao nhiêu mùa thu. Mỗi khi ghé qua lại vội vã tránh cái nắng gắt mùa hạ hay mưa rét ngày đông giá lạnh. Bao lần lỡ hẹn mùa thu nhưng lạ thay ký ức lại như đầy lên, cảm xúc càng thăng hoa trong niềm hoài vọng.

Nhớ mùa thu Hà Nội, nhớ ngày Tết Độc lập 2/9 cũng không thể quên những bước chân lặng lẽ qua cầu Long Biên trong mùa đông năm 1946. Để giữ vững nền độc lập ấy, để tìm lại mùa thu ấy, người lính của phố phường phải chấp nhận gian khổ và hy sinh. Bao gia đình ở Hà Nội đã theo tiếng gọi “tản cư là yêu nước” để gói ghém, gồng gánh từng món đồ, từng nếp ăn ở, lời ăn tiếng nói lên xây dựng “Thủ đô gió ngàn” quanh các khu vực ATK của Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang…Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, những mùa thu giữa núi rừng lại có một không khí khác.

Gần tám mươi mùa thu sau, tôi có dịp đến với Đại Từ, Định Hóa, Phú Bình vào lúc nơi đây đương độ: “Rừng thu trăng rọi hoà bình/ Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung”. Mùa thu ở đây không ồn ã tiếng xe cộ như Hà Nội nhưng cũng không vắng lặng, u tịch mà ấm áp bởi những tên gọi từ vùng đất đến các chiến công và những nụ cười. Những người trẻ hôm nay là con, là cháu của các thế hệ quân dân ngày nào từ biệt Hà Nội sau gần ba tháng nghe bản Tuyên ngôn độc lập, họ bước đi trong tư thế mạnh mẽ, trong tâm trạng quả quyết “Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy” như nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã viết trong bài Đất nước.

Mùa thu nay, Hà Nội mang một diện mạo khác. Sự phát triển của hạ tầng kỹ thuật, sự đổi mới trong tư duy kiến tạo đã minh chứng cho những lời tuyên bố hùng hồn mà Bác Hồ đã nói trước quốc dân đồng bào: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”. Chỉ cần giành được “tự do” và “độc lập”, chúng ta đã bắt tay vào sự nghiệp kiến quốc với những bước tiến đột phá như lời Bác đã khẳng định.

Mùa thu tháng 9 - ảnh 3
Ảnh minh họa

Hà Nội bước vào mùa cốm vụ mùa rồi sắp sửa là mùa cúc họa mi xuống phố. Mùa thu bình yên sau khói bom. Khi trút hết những đau thương căm giận, chưa bao giờ chúng ta có những ngày thu đẹp thế. Ngày màu trời xanh độc lập, ngày cờ đỏ ngập tràn các phố, ngày những em bé tung tăng bên cha mẹ, gia đình trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh đầy vui tươi.

Mùa thu Hà Nội, thu Việt Bắc, thu Điện Biên Phủ, mùa thu Sài Gòn, Chợ Lớn, Lũng Cú, Đất Mũi… hay bất cứ một nơi nào trên đất nước đều có điểm nhất quan trọng nhất là ngày lá cờ đỏ thắm bay trên nền trời xanh. Ở đâu mùa thu cũng đẹp, cũng dịu dàng như một nàng thiếu nữ. Nàng thiếu nữ ấy mãi trẻ trung, xinh đẹp và duyên dáng và khắc sâu trong ký ức mỗi người.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giúp nông dân thích ứng với điều kiện mới

Giúp nông dân thích ứng với điều kiện mới

(PNTĐ) - Ngày 28/9, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp với UBND huyện Thanh Oai tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông cho các hộ nông dân, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Ấm áp Tết Trung thu cho các bệnh nhi tại  Bệnh viện Bạch Mai

Ấm áp Tết Trung thu cho các bệnh nhi tại Bệnh viện Bạch Mai

(PNTĐ) -  Ngày 27/9 vừa qua, Đoàn thanh niên - Hội Phụ nữ Đội CSGT ĐB Số 4 - Phòng CSGT CATP Hà Nội đã đồng hành góp sức cùng các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai tổ chức một chương trình ấm áp mùa trăng đầy ý nghĩa cho các bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại đây.