Nạn nhân hãy dũng cảm lên tiếng để bảo vệ mình

Chia sẻ

Mới đây, vụ việc nhà thơ D.T.P tố cáo từng bị một người hiện là Phó Tổng biên tập của một tờ báo cưỡng hiếp và vu khống cách đây 23 năm đã gây xôn xao dư luận. Theo các chuyên gia, nạn nhân khi bị quấy rối không nên im lặng mà hãy lên tiếng để bảo vệ chính mình.

Đêm 6/4, mạng xã hội lan truyền thư ngỏ trên trang facebook của nhà thơ D.T.P tố cáo Phó Tổng biên tập báo Văn nghệ L.N.A đã cưỡng dâm và vu khống chị 23 năm trước. Chị T.P cho biết, do khoảng cách địa lý, chị đã gửi đơn tố cáo qua email đến Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Trong nội dung tố cáo và trên facebook cá nhân, chị T.P cho biết, trong thời gian công tác tại báo Văn nghệ từ năm 1999, chị đã nhiều lần bị ông A thao túng, khống chế, bạo hành và cưỡng bức. Trong đó, vụ việc xảy ra vào trưa ngày 14/4/2000 đã được nhiều người chứng kiến. Cụ thể, trưa ngày 14/4/2000, khi đang một mình trong phòng biên tập Văn nghệ trẻ, ông L.N.A đã xông vào có ý định cưỡng hiếp chị. Chị chống cự trong hoảng loạn và kêu cứu. Nhiều đồng nghiệp chạy đến, chứng kiến ông L.N.A nằm đè lên và bóp cổ chị. Nhờ các đồng nghiệp can thiệp, hành vi cưỡng hiếp hôm đó không thành công.

Kèm theo nội dung tố cáo còn có một bản photo lời khai của người làm chứng là ông N.L.T, hoạ sỹ báo Văn nghệ thời điểm đó. Văn bản này ghi nhận có nhiều người chứng kiến sự việc là một số nhà thơ, hoạ sỹ, phóng viên công tác tại báo Văn nghệ. Sau đó cơ quan báo Văn nghệ xác nhận sự việc chỉ là “xô xát”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa (Ảnh: Int)

Chia sẻ về vấn đề này, bà Hoàng Tú Anh, Phó Giám đốc Trung tâm sáng kiến sức khoẻ dân số CCIHP cho rằng, đa số nạn nhân của quấy rối và xâm hại tình dục, nhất là nạn nhân nữ thường không dám lên tiếng vì việc chứng minh sự việc là không dễ dàng. Một vụ việc bạo lực, xâm hại có thể dễ dàng bị đổi thành “xô xát”, không đồng thuận có thể bị biến thành đồng thuận. Đặc biệt những phụ nữ được coi là “không chuẩn mực” bao gồm cả việc xinh quá, ăn mặc đẹp quá, tài năng quá, nói chuyện duyên dáng quá, nhất là khi nói chuyện với đồng nghiệp nam thì rất dễ bị gán cho các nhãn mác về đạo đức và bị đổ lỗi. Do đó, việc lên tiếng của nhà thơ D.T.P hay những nạn nhân của xâm hại, quấy rối tình dục khác cần được coi là một dấu hiệu đáng mừng cả ở góc độ cá nhân và xã hội. Sự lên tiếng của họ không chỉ là sự dũng cảm mà còn cho thấy, dù còn nhiều ý kiến trái chiều, họ đã cảm nhận được sự cởi mở, ủng hộ của xã hội cho sự lên tiếng của họ.

Bà Tú Anh nhấn mạnh, bên cạnh công lý chính thống, tức là vụ việc được đưa ra toà và phân xử nghiêm minh theo pháp luật thì còn có một loại công lý khác là công lý xã hội. Ngay cả khi toà chưa hoặc không phán xét, thì một vụ việc đang từ bóng tối được đưa ra ánh sáng đã là một phần của công lý rồi. “Với thời đại tin tức có thể chia sẻ dễ dàng với một tốc độ khó tưởng tượng hiện nay, phán quyết của cộng đồng mạng có thể đóng vai trò thực thi công lý không kém gì phán xét của tòa án. Có người lên tiếng chỉ với mục đích xã hội có cái nhìn sòng phẳng với quá khứ, sự việc được nhìn nhận đúng như bản chất, những oan sai về họ được xóa bỏ.

Có người lên tiếng lại không phải để đòi công lý cho bản thân mà chỉ muốn được chia sẻ, ủng hộ với nạn nhân khác đã lên tiếng hoặc chưa lên tiếng. Do vậy, vụ việc dù đã xảy ra lâu, việc đưa ra ánh sáng không bao giờ là muộn nếu chúng ta biết rằng quấy rối, xâm hại tình dục vẫn có khả năng ảnh hưởng cuộc sống, thậm chí giết chết một người sau rất nhiều năm” - bà Tú Anh nhận định.

Bà Tú Anh khuyến nghị, bên cạnh việc khuyến khích nạn nhân bị quấy rối, xâm hại lên tiếng để bảo vệ mình, thì để ngăn chặn xâm hại, quấy rối tình dục, việc giáo dục tình dục toàn diện cần được đưa vào trường học để trẻ em có thể tiếp cận sớm về chủ đề này trong suốt quá trình lớn lên. Các hành vi quấy rối, xâm hại tình dục cần được định nghĩa cụ thể hơn trong luật để nâng cao nhận thức của người dân, các vụ việc được xử lý thấu đáo và nghiêm khắc hơn. Tội trạng về quấy rối, xâm hại tình dục cần được ghi vào hồ sơ công dân. Những cá nhân đã từng mắc các vi phạm về quấy rối và xâm hại tình dục cần bị cấm tham gia một số công việc hay hoạt động có thể gây nguy hiểm cho người khác trong một thời gian đủ lâu hoặc thậm chí vĩnh viễn.

“Các cơ quan cần có các quy định thể hiện cam kết của các đơn vị về phòng chống quấy rối và xâm hại tình dục ở nơi làm việc, có cơ chế để người lao động có thể báo cáo vụ việc và tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ tại nơi làm việc và ngoài nơi làm việc dễ dàng…” – bà Tú Anh mong muốn.

TÚ AN

Tin cùng chuyên mục

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

(PNTĐ) - Tại Hội nghị Geneve, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kiên định với lập trường: "Đi tới một giải pháp hoàn chỉnh là đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương".