Nâng tầm sức sống làng nghề truyền thống
(PNTĐ) -Xã Chàng Sơn (huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội) được biết đến với nhiều nghề truyền thống, trong đó có nghề làm quạt lâu đời. Hiện nay, vai trò làm mát của quạt giấy đã có sự thay đổi sang sử dụng thiết bị quạt điện, điều hòa… Nhưng bằng sự nỗ lực, sáng tạo cải thiện hình thức, chất lượng người dân nơi đây đã biến những chiếc quạt giấy bình thường thành vật dụng trang trí, đạo cụ nghệ thuật đồng thời gắn với phát triển du lịch làng nghề của địa phương.
Đau đáu giữ nghề làm quạt truyền thống
Nghề làm quạt giấy Chàng Sơn đã có gần 200 năm nay. Từ thế kỷ 19, quạt Chàng Sơn đã nức tiếng khắp vùng, từng được người Pháp đem sang Paris xa xôi triển lãm. Đến thời bao cấp, những người thợ xã Chàng Sơn chuyên sản xuất quạt giấy cho Nhà nước giúp “thương hiệu” quạt địa phương lan tỏa đi muôn nơi.
Ở giai đoạn chuyển sang cơ chế thị trường, mở cửa hội nhập quốc tế, quạt giấy nước ngoài sản xuất được nhập khẩu nhiều vào nước ta khiến làng nghề gặp khó khăn. Nhưng qua bao thăng trầm của cuộc sống cùng với sự ra đời của nhiều phương tiện làm mát khác, sản phẩm của làng nghề Chàng Sơn vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển.
Bà Nguyễn Thị Tuấn (SN 1960), chủ cơ sở sản xuất quạt ở Chàng Sơn cho biết, gia đình bà đã có ba đời làm nghề, tất cả anh chị em trong nhà đều biết nghề từ tấm bé. Với mong muốn giữ gìn nghề truyền thống của địa phương, đồng thời tạo công ăn việc làm cho chị em phụ nữ, bà Tuấn đã khởi nghiệp với một cơ sở sản xuất quạt giấy năm 2010, khi bước sang tuổi 50. “Từ lâu Chàng Sơn đã có nghề làm quạt giấy truyền thống nhưng sản phẩm không đủ sức cạnh tranh với các mặt hàng du nhập từ nước ngoài vào. Nhìn nghề của địa phương gắn bó với mình từ bé đang dần mai một, tôi luôn đau đáu làm sao để sáng tạo, làm nhiều mẫu mã quạt đa dạng hơn vừa giữ được nét truyền thống vừa hiện đại để vươn tầm thế giới, bà Tuấn chia sẻ.
Năm 2010, người phụ nữ Chàng Sơn quyết định mang những chiếc quạt do chính tay mình sản xuất đến gần hơn với nhiều người, bằng cách trưng bày tại phố đi bộ nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhờ hình thức đa dạng, chất lượng đảm bảo, quạt nhà bà Tuấn được nhiều khách trong và ngoài nước yêu thích. Họ trả giá cao và sẵn sàng chờ cả tuần để đặt hàng mua về làm quà tặng.
Một năm sau, thương hiệu quạt Chàng Sơn bà ấp ủ bấy lâu chính thức ra đời. Bà Tuấn chia sẻ: “Tôi đặt mục tiêu hàng đầu là giữ nghề, sau đó tạo công ăn việc làm cho những phụ nữ khác ở địa phương, rồi cuối cùng mới quan tâm đến thu nhập”.
Biến sản phẩm thành “đặc sản du lịch”
Con trai của bà Tuấn là một kiến trúc sư, đã giúp mẹ xây dựng 1 website, thiết kế mẫu mã mới để quạt Chàng Sơn thêm hấp dẫn và được nhiều người biết tới. “Du khách trong và ngoài nước rất yêu thích quạt Chàng Sơn, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, gia đình tôi vẫn thường xuyên nhận được đơn đặt hàng từ Pháp, Nhật, Hàn Quốc và nhiều nước khác”- bà Tuấn hào hứng chia sẻ thêm.
Từ sản phẩm quạt giấy truyền thống, với công dụng chính là quạt mát, bà Nguyễn Thị Tuấn đã mày mò, nghiên cứu và đầu tư cải tiến sản phẩm để biến những chiếc quạt đơn sơ thành sản phẩm trang trí, quà lưu niệm… bắt mắt, độc đáo. Nhờ mô hình khởi nghiệp quạt giấy của mình, bà Tuấn đã truyền nghề, tạo việc làm cho nhiều phụ nữ trong xã Chàng Sơn.
Bà Nguyễn Thị Thuận, người có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề và cũng là một trong những chị em phụ nữ trong làng kết hợp với cơ sở của bà Tuấn để bán những sản phẩn quạt đẹp mắt ra thị trường. Đến thăm nhà bà Thuận, được tận mắt chứng kiến những công đoạn làm quạt mới thấy hết sự công phu tỉ mỉ của người thợ lành nghề.
“Để làm được một chiếc quạt giấy phải qua rất nhiều công đoạn, từ mua tre về chẻ nan, đục lỗ, xếp các nan thành xương quạt, phơi nắng, cắt, dán giấy. Riêng việc phơi nan đã mất từ 1-2 ngày, tùy thuộc vào thời tiết, những ngày mùa mưa thì càng tốn nhiều thời gian hơn”- bà Thuận nói.
Sát vách nhà bà Thuận là nhà cô Nguyễn Thị Huyền cũng đau đáu với nghề làm quạt. Cô chia sẻ, mỗi người sẽ phụ trách một số công đoạn rồi sản phẩm hoàn chỉnh sẽ mang sang nhà bà Nguyễn Thị Tuấn để đóng hàng cho khách đặt. Hàng ngày, cô Huyền vừa làm vừa giới thiệu để người xem hiểu được quy trình làm ra một sản phẩm quạt giấy. Công đoạn phất quạt đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, phải làm sao để tách nan quạt thật đều, nan càng đều, quạt càng đẹp.
Người thợ Chàng Sơn đã sáng tạo ra nhiều loại quạt khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng trong cuộc sống hiện đại. Từ những chiếc quạt giấy bình thường có giá 5 nghìn; đến những chiếc quạt giấy, quạt lụa in hình các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, những câu ca dạo, tục ngữ có giá 10 nghìn – 20 nghìn, hay cả những chiếc quạt cỡ lớn trang trí vẽ bằng tranh sơn dầu có thể để tại phòng khách, mang đi tặng, biếu có giá đến vài triệu… Và những chiếc quạt nhỏ xinh bỗng trở lên lung linh sống động lạ kì khi là vật dụng biểu diễn trên sân khấu…
Mấy năm gần đây, tận dụng những mảnh vải thừa, người thợ làng nghề Chàng Sơn còn làm ra những mẫu quạt bằng vải nhỏ, phù hợp với trẻ em. “Có một dịp chúng tôi mang đến hội chợ những chiếc quạt bé làm từ vải thừa với nhiều màu sắc bắt mắt, họa tiết hoa lá khiến các cháu rất thích thú và mua rất nhiều”- bà Nguyễn Thị Tuấn vui vẻ nói.
Bên cạnh đó, nhờ có xu hướng du lịch làng nghề ngày một phát triển. Quạt Chàng Sơn vẫn tiếp tục giữ được lửa nghề và có chỗ đứng trên thị trường. Điều thú vị nhất khi về với làng nghề này là du khách được cùng nghệ nhân tự tay làm ra những chiếc quạt nan, quạt giấy xinh xắn. Hằng năm, người dân Chàng Sơn vẫn đón những du khách gần xa, trong và ngoài nước đến trải nghiệm. Hoạt động này không chỉ giúp hình ảnh làng nghề truyền thống thêm lan tỏa trong nước mà còn góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Đây cũng là động lực để những người dân yêu nghề, đặc biệt là những người phụ nữ có động lực để phát triển kinh tế, khẳng định vị thế, vai trò và tin tưởng vào sức mạnh của bản thân.