Nâng tầm Thủ đô giàu bản sắc, sáng tạo từ lễ hội truyền thống
(PNTĐ) - Hà Nội – mảnh đất nghìn năm văn hiến, không chỉ ghi dấu bởi chiều sâu lịch sử, mà còn bởi những lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa. Những lễ hội không chỉ là dịp để cộng đồng cùng nhau hướng về nguồn cội, mà còn là "tài nguyên mềm" quý giá, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế và nâng tầm hình ảnh Thủ đô hòa bình, sáng tạo trong tiến trình hội nhập.
Tiềm năng lớn cần được khai thác
Hà Nội là thành phố của sự đa dạng, bề dày trầm tích văn hóa với những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, trong đó có những lễ hội dân gian truyền thống.
Các lễ hội ở Hà Nội vừa phong phú, đa dạng, vừa mang nét đặc trưng của lễ hội Việt Nam, vừa mang nét riêng, độc đáo. Một số lễ hội tiêu biểu tại Hà Nội có thể kể đến như: Lễ hội tứ trấn Thăng Long (gồm đền Bạch Mã, đền Voi Phục, đền Trấn Vũ, đền Kim Liên); lễ hội Gióng Phù Đổng (huyện Gia Lâm); lễ hội đền Sóc Sơn thờ Thánh Gióng (huyện Sóc Sơn); lễ hội Chử Đồng Tử (huyện Gia Lâm); lễ hội Gò Đống Đa, lễ hội chùa Láng (quận Đống Đa)…
Tất cả đều có điểm chung là dịp để tưởng nhớ các bậc anh hùng, các vị linh thần có công với dân tộc. Hơn hết, những lễ hội còn cho thấy điểm hội tụ, giao thoa giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và sự đổi mới.
Đáng chú ý, tại nhiều địa phương, lễ hội truyền thống đã trở thành một loại hình du lịch văn hóa phát triển mạnh và ngày càng có sức thu hút đối với khách du lịch. Chẳng hạn, vừa qua (8/4), huyện Ứng Hòa và huyện Mỹ Đức đã tổ chức Lễ công bố Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh Lễ hội truyền thống Hội làng đôi dân Văn Giang - Nam Dương vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và khai mạc Lễ hội làng Văn Giang - Nam Dương năm 2025.

Lễ hội truyền thống này là loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo, có lịch sử lâu đời, gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của nhân dân hai làng Văn Giang (thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức) và Nam Dương (xã Thái Hòa, huyện Ứng Hòa).
Lễ hội không chỉ mang ý nghĩa tín ngưỡng sâu sắc, mà còn là dịp để cộng đồng tưởng nhớ tổ tiên, tri ân tiền nhân khai khẩn, dựng làng, lập ấp; đồng thời, bồi đắp lòng tự hào dân tộc, tình đoàn kết xóm làng và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Đáng mừng là, qua lễ hội, lượng du khách tìm về hai địa phương tham quan, du lịch cũng tăng đáng kể.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh chia sẻ, việc lễ hội được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm tự hào, vinh dự lớn lao không chỉ với người dân hai làng, mà còn với toàn thể nhân dân huyện Mỹ Đức và huyện Ứng Hòa. Đây là minh chứng cho giá trị văn hóa trường tồn của lễ hội trong đời sống cộng đồng, đồng thời là động lực quan trọng để các cấp chính quyền và nhân dân cùng nhau nỗ lực hơn nữa trong công tác bảo tồn, phát huy di sản.
Thực tế, ít năm trở lại đây, lễ hội ở các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội được đầu tư nguồn lực, tổ chức bài bản, nghiêm túc hơn. Chính quyền địa phương cũng cố gắng xây dựng thương hiệu cho lễ hội của làng, xã, tạo nên sắc thái riêng biệt, không na ná giống nhau mà khai thác bản sắc truyền thống.
Chẳng hạn, lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức) dù được kéo dài 3 tháng nhưng do được tổ chức tốt, không còn các hoạt động phản cảm như tranh khách, chèn ép giá, treo thú rừng; vấn đề an ninh trật tự, hàng quán, vệ sinh môi trường sạch sẽ… đã nhanh chóng thu hút đông đảo nhân dân và khách thập phương tham quan, trải nghiệm. Hay như Lễ hội Đền Và (Sơn Tây), thông qua việc đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ, tăng cường sử dụng xe điện thân thiện với môi trường, chú trọng việc sắp xếp bến xe, khu vệ sinh quy củ… đã mang đến cảm giác hài lòng cho du khách.
“Mỏ vàng” cho phát triển văn hóa, kinh tế
Đã từ lâu, lễ hội truyền thống được coi như là mạch nguồn tâm linh kết nối quá khứ với hiện tại. Đó là sự tổng hợp uyển chuyển của cái linh thiêng và cái trần thế mà khó có gì thay thế được. Lễ hội là dịp để cộng đồng tưởng nhớ đến công đức của lớp lớp thế hệ cha ông đi trước với những công lao hiển hách; là dịp con người ta thể hiện nhu cầu tự do tín ngưỡng, chiêm ngưỡng tìm hiểu những nét đẹp truyền thống văn hoá độc đáo của mỗi vùng miền.
Những lễ hội không chỉ là dịp để người dân thể hiện lòng thành kính, tưởng nhớ tổ tiên, mà còn là những "sợi dây kết nối" giữa quá khứ và hiện tại. Tuy nhiên, bên cạnh giá trị văn hóa sâu sắc, các lễ hội còn là nguồn lực tiềm năng để phát triển du lịch và kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh Hà Nội đang nỗ lực xây dựng hình ảnh và vị thế của một Thủ đô hòa bình, sáng tạo trong quá trình hội nhập toàn cầu. Việc khai thác đúng cách những giá trị này không chỉ giúp bảo tồn những nét văn hóa độc đáo mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Với quan điểm khai thác mọi nguồn lực văn hóa để phát triển Thủ đô, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 09 – NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Thực hiện Nghị quyết 09 - NQ/TU, nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đã vào cuộc một cách quyết liệt và đồng bộ, tạo nên chuyển biến tích cực trong tư duy và nhận thức của người dân về việc bảo tồn, khai thác giá trị của các di sản văn hóa, trong đó có lễ hội truyền thống.
Dễ thấy, hiện các quận, huyện, thị xã đã tuyên truyền trên hệ thống phát thanh truyền thanh cơ sở các văn bản của Nhà nước liên quan đến quản lý và tổ chức lễ hội; Nhiều địa phương đã số hoá, lắp đặt bảng có mã QR Code tuyên truyền giới thiệu về di tích, lễ hội, các nhân vật được thờ phụng, được thực hiện bằng tiếng Việt và tiếng Anh…
Gần đây, tại Lễ hội đền Hai Bà Trưng, ban tổ chức còn bắt đầu áp dụng chương trình bán thực cảnh có sử dụng công nghệ 3D mapping “Âm vang Mê Linh” khiến lễ hội trở nên hấp dẫn giới trẻ… tất cả những thay đổi, ứng dụng công nghệ này góp phần thu hút đối tượng tham dự một cách đông đảo hơn. Hơn hết, hoạt động này cho thấy việc tiếp nhận những điều mới mẻ sẽ khiến lễ hội truyền thống trở nên sinh động, mang “hơi thở” mới.
Việc phát triển công nghiệp văn hóa dựa trên khai thác tiềm năng du lịch văn hóa, di sản văn hóa là hướng đi đúng của Hà Nội. Là một sản phẩm của du lịch văn hóa nên nên lễ hội có vai trò quan trọng trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đồng thời, truyền tải mang thông điệp về hình ảnh của một Thủ đô giàu bản sắc nhưng vẫn hiện đại đối với du khách quốc tế.
Hà Nội đang tích cực xây dựng hình ảnh Thành phố sáng tạo, Thành phố toàn cầu thì công tác tổ chức, chuyển đổi số trong quản lý lễ hội càng cần được coi trọng. Việc tổ chức các lễ hội truyền thống một cách chuyên nghiệp và thành công có thể tạo ra một hình ảnh tích cực Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung trên trường quốc tế, giúp tăng cường uy tín và thu hút sự quan tâm của khách ngoại quốc, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa và du lịch, góp phần phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô”.