Nét đẹp truyền thống trong lễ hội rước “Ông lợn”

Bài và ảnh: Nguyễn Lan Hương
Chia sẻ

(PNTĐ) - Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 18km, xã La Phù, huyện Hoài Đức nổi tiếng với hai nghề truyền thống là dệt len và sản xuất bánh kẹo. Đến làng La Phù vào những ngày đầu xuân, bạn sẽ không chỉ được chứng kiến một làng nghề đang phát triển mạnh mẽ mà còn có cơ hội trải nghiệm lễ hội rước lợn.

 Đây một trong những lễ hội không chỉ mang đậm nét sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo mà còn toát lên được vẻ đẹp truyền thống bền bỉ với thời gian.

La Phù xưa gọi là xã La Phù, tổng Yên Lũng, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây; sau này là làng La Phù, xã La Phù, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (năm 1965 là tỉnh Hà Tây, năm 1975 là tỉnh Hà Sơn Bình, năm 1979 nhập vào Hà Nội, năm 1992 lại trở về tỉnh Hà Tây, từ tháng 8/2008 đến nay thuộc thành phố Hà Nội.

Vào những ngày giáp Tết, đến La Phù, từ đầu xã đến cuối xã, đâu đâu cũng bắt gặp không khí làm việc khẩn trương. Có lẽ, không ngày nào ở đây đường sá vắng những chiếc xe tải xếp hàng dài, nối đuôi nhau di chuyển, tập kết giao nguyên, vật liệu, lấy hàng mang đi các nơi tiêu thụ. Sau Tết, khi không khí làm việc của làng La Phù đã chậm lại một chút, thì các lễ hội xuân bắt đầu. Và độc đáo nhất là lễ hội rước lợn.

Nét đẹp truyền thống trong lễ hội rước “Ông lợn” - ảnh 1
Hình ảnh kiệu rước Ông lợn làng La Phù ngày 22/2/2024.

Theo như sử sách ghi lại thì hội rước lợn là để tưởng nhớ công ơn của Đức thành hoàng làng Tĩnh Quốc Tam Lang thời Hùng Duệ Vương thứ 6. Ông là con trai thứ ba của vua Hùng. Vì có công giúp Hùng Duệ Vương giữ yên bờ cõi Văn Lang nên sau khi mất, triều đình truy tặng ông là Thái Thượng Tinh Quốc Đại Vương. Tại làng La Nước (tên cổ là làng La Phù), Tinh Quốc đã đứng lên chiêu binh, lập đồn đánh giặc. Nhân dân La Phù tôn vinh ông làm thành hoàng và thờ ở đình làng.

Tục xưa truyền lại rằng mỗi khi đức thánh Tam Lang tập hợp quân sĩ đánh giặc, người dân thường thổi xôi thịt lợn để khao quân. Sau này, để tưởng nhớ công ơn của ông dân làng La Phù đã tổ chức lễ rước “Ông lợn” hàng năm vào ngày đúng ngày giỗ của ông.

Để chuẩn bị cho hội rước, ngay từ tháng 2 năm trước, cả xóm sẽ chọn ra một gia đình để nuôi "Ông lợn". Gia đình được vinh dự nuôi ông lợn phải là một gia đình còn đầy đủ vợ chồng, trong năm không gặp tang gia hay vận rủi, con cái ngoan ngoãn. Bởi vậy, cho dù việc chăm sóc ông lợn khá là cầu kỳ, thì gia đình nào được giao trách nhiệm đều cảm thấy vinh dự và vui mừng.

“Ông lợn” được chọn phải cân đối, đẹp mã nặng khoảng 30kg. Chi phí nuôi “Ông lợn”  được cả xóm đóng góp lại. Những “Ông lợn” được nuôi theo chế độ ăn đặc biệt như trứng, cháo gạo nếp, rau củ tươi. Khi cho ăn rau cũng phải được rửa sạch, chậu ăn và chuồng nuôi luôn được giữ sạch sẽ. “Ông lợn” được tắm rửa hàng ngày, được mắc màn chống muỗi, lắp cả quạt mát khi trời nóng. Mùa đông thì tắm bằng nước ấm, những hôm trời quá lạnh thì phải đốt lò than để sưởi.

Nếu hễ “Ông lợn” ốm, đau ngoài việc chạy chữa bằng thuốc thú y, gia chủ phải sắm sửa lễ vật ra cầu thần Thành hoàng làng “độ” cho “Ông” chóng khỏe. Mùng Một đầu tháng, gia chủ chuẩn bị lễ vật gồm 3 quả cau tươi, vài lá trầu mang ra đền cầu mong công việc chăn nuôi thuận chèo, mát mái cho tới ngày hành lễ. Thi thoảng, các cụ cao niên trong làng vẫn thường xuyên đi thăm “Ông lợn” để kiểm tra việc chăm sóc.

Nét đẹp truyền thống trong lễ hội rước “Ông lợn” - ảnh 2

 Vào ngày diễn ra hội rước, các "Ông lợn" sẽ được dân làng tắm rửa sạch sẽ, sau đó sẽ được hoá kiếp rồi đặt lên kiệu và trang trí thật đẹp. Đặc biệt, việc mổ các "Ông lợn" là phải bóc thật khéo léo lớp mỡ màng. Lớp màng này sẽ được dùng để làm áo choàng cho các "Ông lợn" khi dâng tế. Điều không thể thiếu là toàn bộ lòng, nội tạng của “Ông lợn” cũng được luộc chín và xếp gọn vào trong bụng.

Vui nhất là lúc trang trí kiệu rước “Ông lợn”. Mỗi người dân trong xóm đều góp sức vào việc trang trí, từ tỉa hoa, tô son, làm mắt, tai cho đến bóc những tấm mỡ lá để phủ lên mình lợn, mỗi người một việc và ai cũng vui vẻ. Mỗi xóm trang trí “Ông lợn” theo một cách khác nhau, ông nào cũng oai phong, đẹp mắt. “Ông lợn” nào được trang trí đẹp nhất thì sẽ giật giải của làng. Xóm nào có “Ông lợn” đạt giải của năm đó thì đều tin rằng mọi cư dân của xóm đó sẽ có một năm làm ăn may mắn phát đạt.

Mỗi xóm sẽ có một kiệu rước, đi cùng với “Ông lợn”, lễ vật còn có mâm xôi được sắp xếp cẩn thận, lại thêm mâm ngũ quả đa sắc màu để cúng tổ. Vào ngày hội cả 17 xóm của làng La Phù sẽ rước các “Ông lợn” của xóm mình trong tiếng trống hội làng vang dội, hòa với đội âm nhạc.

Mỗi “Ông” cần đến hàng chục người khiêng. Tất cả người tham gia khiêng kiệu đều phải là thanh niên chưa vợ. Đi cùng với đoàn kiệu rước là các đội múa lân, múa trống để khuấy động không khí suốt đường đi. Lễ rước kiệu băng qua những đoạn đường được làng quy định sẵn để tới đình của làng. Đến 12 giờ đêm, các cụ cao tuổi bắt đầu làm lễ tế cho tới 1-2 giờ sáng hôm sau.

Lễ hội sẽ được điều hành chung bởi các bậc cao niên và dân làng, nhất là những cá nhân có nhiều kinh nghiệm, sao cho nghi lễ cầu ước một năm mới nhiều thuận lợi, may mắn và thành công cho tất cả những người dân của làng. Khi nghi lễ cúng tế kết thúc, các “Ông lợn” sẽ được các người dân bản địa có tay nghề nấu nướng lão luyện xẻ thịt và chia cho các gia đình mang về “thụ lộc”.

Cùng với lễ hội rước lợn là các hình thức sinh hoạt văn hoá khác được diễn ra như ca hát, các trò chơi dân gian truyền thống. Ngày nay cùng với sự phát triển của truyền thông và mạng xã hội, lễ hội rước lợn của làng La Phù đã thu hút được sự chú ý của nhiều người dân trong khu vực đến xem và vui cùng với dân làng. Đình làng đông chật những nam thanh nữ tú về xem hội.

Cả làng La Phù đều náo nức với tiếng trống hội xuân, với lời hát tiếng nhạc xuân và tiếng nói cười. Gặp nhau ai cũng tay bắt mặt mừng trao nhau những lời chúc tốt đẹp nhất về một năm mới bình an và thịnh vượng.

Trong những ngày tháng Giêng rực rỡ sắc xuân này, đến với Lễ hội rước lợn ở La Phù chắc rằng ai cũng mãn nhãn với những “Ông lợn” được trang trí rất bắt mắt. Cùng với đó du khách sẽ được khám phá một không gian văn hóa lễ hội độc đáo của một vùng quê ngoại thành Hà Nội.

Làng La Phù đang trên đường phát triển và ngày càng trở nên bền vững. Cuộc sống ở nơi đây ngày càng hiện đại hơn khi các hộ kinh doanh đã đầu tư nhiều máy móc công nghiệp để phát triển sản xuất. Tuy vậy người dân La Phù vẫn giữ và phát huy được nét văn hóa truyền thống của cha ông.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cảm động hành động xếp quạt, pha nước chanh mời người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cảm động hành động xếp quạt, pha nước chanh mời người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Thời tiết hai ngày diễn ra Lễ Quốc tang bắt đầu oi nóng, nhiều người dân từ khắp mọi miền đất nước đã bày tỏ lòng thành kính, biết ơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành cả cuộc đời để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Để xua tan không khí oi bức, người dân trên địa bàn thôn Lại Đà đã dành những tình cảm trân quý, tận tay pha nước mát, mở quạt dọc tuyến đường vào viếng Tổng Bí thư.
Người dân Đông Anh và cả nước vô cùng tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Người dân Đông Anh và cả nước vô cùng tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Sáng nay (25/7), lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà Tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Cùng thời gian trên, lễ viếng diễn ra tại Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư - xã Đông Hội, huyện Đông Anh (thành phố Hà Nội).
Hà Nội vận dụng sáng tạo quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô

Hà Nội vận dụng sáng tạo quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô

(PNTĐ) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo xuất sắc, người đồng chí mẫu mực và kính yêu mất đi, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho chiến sĩ, đồng bào cả nước. Đồng chí mất đi, nhưng những di sản mà đồng chí để lại cho Đảng, cho đất nước và nhân dân sẽ mãi trường tồn, là điểm tựa cho đất nước, cho Thủ đô tiếp tục tiến lên, dựng xây non sông Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Trong những chỉ đạo, định hướng lớn với Đảng bộ Hà Nội về phát triển kinh tế-xã hội, nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô tiêu biểu luôn được Tổng Bí thư đặc biệt quan tâm...