Ngàn năm vang tiếng nghề gốm sứ Bát Tràng

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Cùng với lịch sử Thăng Long - Hà Nội hơn nghìn năm tuổi, làng nghề gốm Bát Tràng bên sông Hồng đã bền bỉ duy trì và phát triển nghề thủ công truyền thống, làm ra các dòng sản phẩm mỹ nghệ từ đôi bàn tay khéo léo của người thợ. Nền tảng văn hoá “đất trăm nghề” được các thế hệ nghệ nhân sáng tạo, lan tỏa, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Thủ đô Hà Nội hào hoa, văn hiến.

Ngàn năm vang tiếng nghề gốm sứ Bát Tràng - ảnh 1
Bảo tàng gốm Bát Tràng nhìn từ trên cao.

Phố làng nghề sầm uất, thăng hoa
Ôn lại lịch sử làng nghề gốm Bát Tràng, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi cho biết: “Làng nghề được hình thành, tồn tại, phát triển gắn với Thăng Long - Hà Nội - sau khi nhà Lý dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) đến Đại La và đổi tên thành Thăng Long. Được phép vua, các bậc tiền nhân, thợ thủ công từ các làng Vĩnh Ninh Tràng, Bồ Xuyên, Bạch Bát (Thanh Hóa và Ninh Bình ngày nay) đến Bạch Thổ Phường (tên gọi xã Bát Tràng ngày nay) mở lò, lập làng, sản xuất gốm, gạch cho Nhà nước”.

Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng được thử thách qua thời gian, chứng minh được giá trị sử dụng, vừa có giá trị thẩm mỹ cao bởi các bí quyết sản xuất, đòi hỏi kỹ năng, kỹ xảo cao, và những “ngón nghề”  ấy được truyền từ đời này sang đời khác. Sản phẩm gốm Bát Tràng không chỉ là vật phẩm kinh tế hay phục vụ cho sinh hoạt đời sống thường ngày của dân cư, mà còn là những tác phẩm mỹ thuật, là văn hoá cổ truyền của dân tộc.

Ông Phạm Huy Khôi cho hay: Trong lịch sử, những loại gốm quý và độc đáo của nước ta, nổi tiếng cả trong và ngoài nước như gốm men ngọc (thời Lý, Trần), gốm hoa nâu hay gốm men nâu (cuối thời Trần - đầu thời Lê), gốm men rạn (thời Lê - Trịnh) và gốm hoa lam (cuối thời Lê - thời Nguyễn) đều đã được sản xuất ở Bát Tràng. Từ cuối thời Trần đến thời Lê và đầu thời Nguyễn, một khối lượng lớn đồ gốm các loại của Bát Tràng đã được xuất khẩu sang các nước như: Nhật Bản, Malaisia, Thái Lan và một số nước châu Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp. Cho đến ngày nay, gốm Bát Tràng luôn phát triển và được đánh giá cao trên thị trường quốc tế. 

Năm 2009, UBND Thành phố ra quyết định công nhận làng nghề truyền thống Hà Nội cho 2 làng: Làng nghề truyền thống gốm sứ Giang Cao và làng nghề truyền thống gốm sứ Bát Tràng. Năm 2019, xã Bát Tràng được công nhận là điểm du lịch của Thủ đô Hà Nội.

Sứ mệnh bảo tồn và phát triển nghề quý
Xã Bát Tràng hiện có khu vực làng cổ rộng 5,4ha, có 23 ngôi nhà cổ, 16 nhà thờ họ, in đậm văn hoá truyền thống của Bát Tràng.

Ngàn năm vang tiếng nghề gốm sứ Bát Tràng - ảnh 2
Bà Hà Thị Vinh - Giám đốc công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh, nữ doanh nhân thành đạt, niềm tự hào của người dân làng gốm cổ Bát Tràng.

Nghệ nhân Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội, Giám đốc Công ty TNHH gốm sứ Quang Vinh chia sẻ: Gốm Bát Tràng rất phong phú đa dạng. Tuy cùng một chất liệu là đất nung, gốm Bát Tràng có nhiều kiểu dáng chủng loại và kích thước, phân loại theo chức năng như: Đồ thờ cúng có phù hương, chân đèn, nậm rượu, chóe... Đồ gia dụng có ấm, chén, bát, đĩa, vò, lọ, chậu... Đồ gốm trang trí mĩ nghệ và gốm xây dựng.

Gốm Bát Tràng được làm thủ công, với các bài men truyền thống tạo nên các màu lam, nâu, rạn, xanh ngọc đặc trưng, trang trí các họa tiết hoa, lá, chim muông, sơn thủy hữu tình, bằng màu xanh côban, phù hợp với từng loại sản phẩm, làm nên sắc màu riêng của dòng gốm Bát Tràng.

Với những giá trị lịch sử, văn hoá, thuận lợi trong sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, du lịch của Bát Tràng, năm 2016, UBND thành phố Hà Nội đã ra quyết định xây dựng Đề án Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống Bát Tràng với mục tiêu bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống gốm sứ gắn với du lịch, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng.   

Hiện nay, xã Bát Tràng có 2 nghệ nhân nhân dân, 7 nghệ nhân ưu tú, 35 nghệ nhân Hà Nội, trên 100 nghệ nhân dân gian, nghệ nhân làng nghề Việt Nam. Cùng với các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, trên địa bàn xã Bát Tràng có 9 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc (5 di tích được xếp hạng), 2 di tích cách mạng kháng chiến (Nhà tưởng niệm Bác Hồ là nơi Bác Hồ đứng nói chuyện với nhân dân khi Bác về thăm Bát Tràng vào 20/2/1959, di tích Nhà in báo Độc lập - nơi xuất bản đầu tiên bài hát Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao). 

Ngàn năm vang tiếng nghề gốm sứ Bát Tràng - ảnh 3
Nghệ nhân Nguyễn Quý Sơn giới thiệu sản phẩm tranh gốm.

Bát Tràng còn là làng khoa bảng, nơi sản sinh ra một Trạng nguyên, 8 tiến sĩ và 364 vị từng đỗ Hương cống, cử nhân... trong thời kỳ phong kiến. Nổi tiếng nhất trong các vị đại khoa là Trạng nguyên Giáp Hải (1506 - 1585), người từng đi sứ nhà Minh dưới thời Mạc. Điều ấy có nghĩa, Bát Tràng vừa là làng gốm, vừa là làng văn.

“Từ lịch sử đến đương đại, những người thợ, người nghệ nhân đã khơi dậy niềm đam mê, sáng tạo, tạo nên những tác phẩm gốm đặc sắc mang đậm giá trị văn hoá, giới thiệu đến bạn bè trong nước và quốc tế về một Việt Nam”- Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi nhấn mạnh.

 Tâm huyết, sáng tạo đưa gốm Bát Tràng lên tầm cao mới 
Là người sinh ra, lớn lên, lăn lộn với nghề gốm sứ, nghệ nhân Phạm Duy Cương, chủ cơ sở gốm Cương Duyên đã tìm tòi nghiên cứu, mạnh dạn đưa kỹ thuật dệt gấm thêu hoa trên gốm sứ. Đây được xem là thủ pháp độc nhất mà nghệ nhân Cương đã tạo đưa các mẫu hoa văn chạm khắc hoàn toàn thủ công, tạo nên những tác phẩm gốm vô cùng độc đáo, mang tính độc bản và thẩm mỹ cao. Thủ pháp độc đáo này đã nhanh chóng được thị trường gốm Việt tiếp nhận, người tiêu dùng đánh giá cao.

Ngàn năm vang tiếng nghề gốm sứ Bát Tràng - ảnh 4
Nghệ nhân Phạm Duy Cương giới thiệu sản phẩm gốm dệt gấm thêu hoa với tác giả.

Nghệ nhân Phạm Duy Cương chia sẻ: “Để đạt được thành công đưa kỹ thuật dệt gấm thêu hoa trên gốm sứ, tôi đã phải trải qua rất nhiều lần trả giá, làm đi làm lại sao cho phù hợp với đất, với nhiệt độ nung… Về đồ hoạ thì hỗ trợ được phần nào còn thực thi phải trên sản phẩm khác hoàn toàn, từng đường nét phải thực hiện bằng tay, làm sao cho đường nét mềm mại. Sản phẩm gốm dệt gấm thêu hoa đã mang đậm tính nghệ thuật sáng tạo, là khổ công của từng đôi tay nghệ nhân, người thợ, như những người nghệ sĩ vẽ tranh trên gốm”.

Rất tâm huyết với dòng gốm sứ xây dựng, đặc biệt là tranh gốm ghép mảnh (tên gọi trên thế giới là mosaic) nghệ thuật, nghệ nhân Nguyễn Quý Sơn đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, phát triển dòng tranh gốm sáng tạo này. Nghệ nhân Nguyễn Quý Sơn cho biết: Sản phẩm mosaic của thế giới là các mảnh ghép lại với nhau, tôi đã nghiên cứu để áp dụng kỹ thuật gốm sứ truyền thống của Bát Tràng vào sáng tạo ra mảnh ghép tạo hình trực tiếp từ đất. Kỹ thuật độc đáo này tạo nên các tác phẩm tranh gốm có mạch khít, đẹp, mảnh to nhỏ không giống nhau, được làm chủ yếu từ đôi bàn tay của người thợ”.

Ngàn năm vang tiếng nghề gốm sứ Bát Tràng - ảnh 5
Nghệ nhân Vũ Như Quỳnh bên sản phẩm gốm 3D.

Tự hào vì được sinh ra trong cái nôi làng nghề gốm sứ Bát Tràng, trong gia đình có 4 đời cha ông làm nghề thủ công truyền thống này, nghệ nhân Vũ Như Quỳnh luôn trăn trở làm sao để kết tinh giữa truyền thống và hiện đại, giữ được nét cổ mà vẫn gần gũi với đương đại, có giá trị với tương lai, nữ nghệ nhân Vũ Như Quỳnh đã áp dụng kiến thức, kỹ năng về thiết kế thời trang vào sáng tạo sản phẩm gốm, như: Đắp nổi, dát vàng, vẽ vàng, men rạn,… làm các sản phẩm nổi 3D đầu tiên trên sản phẩm gốm Bát Tràng, mang lại một luồng gió mới cho các sản phẩm gốm tâm linh phong thủy.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hơn 300 phóng viên, biên tập viên tập huấn nghiệp vụ tuyên truyền Luật Thủ đô 2024

Hơn 300 phóng viên, biên tập viên tập huấn nghiệp vụ tuyên truyền Luật Thủ đô 2024

(PNTĐ) - Nhằm nâng cao kiến thức, nghiệp vụ về công tác tuyên truyền về Luật Thủ đô cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, ngày 25/10, tại Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy tổ chức Lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác tuyên truyền Luật Thủ đô 2024.
Thêm một mái ấm tình thương của Báo Hội tới hội viên phụ nữ khó khăn

Thêm một mái ấm tình thương của Báo Hội tới hội viên phụ nữ khó khăn

(PNTĐ) - Tiếp tục chương trình an sinh xã hội phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, ngày 25/10, Báo Phụ nữ Thủ đô và Hội LHPN huyện Thạch Thất tổ chức khánh thành và bàn giao nhà mái ấm tình thương cho gia đình bà Nguyễn Thị Viện, hội viên phụ nữ thôn Đoàn Kết, xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất (Hà Nội).
 Chung tay xây dựng đoạn đường/tuyến phố nở hoa, làm đẹp cảnh quan môi trường

Chung tay xây dựng đoạn đường/tuyến phố nở hoa, làm đẹp cảnh quan môi trường

(PNTĐ) - “Đoạn đường nở hoa” ở khu tập thể A13 Học viện cảnh sát nhân dân (thuộc Tổ dân phố số 2, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) dài 400m, trồng 350 gốc cây che bóng mát và các loại hoa gồm: hoa chiều tím, ngũ sắc, hoa ban, dừa cạn, mười giờ, hoa sử quân tử, mào gà… Đây là đoạn đường được Hội LHPN quận Bắc Từ Liêm trao giải Đặc biệt trong cuộc thi Đoạn đường/tuyến phố nở hoa, bích họa” năm 2024.
Khắc ghi lời Bác Hồ, 70 năm giữ nguồn sáng Thủ đô

Khắc ghi lời Bác Hồ, 70 năm giữ nguồn sáng Thủ đô

(PNTĐ) - Hai tháng sau ngày tiếp quản Thủ đô, ngày 21/12/1954, Bác Hồ đến thăm Nhà máy Đèn Bờ Hồ (tiền thân của Tổng Công ty Điện lực Hà Nội - EVN Hà Nội) và căn dặn: “Cán bộ, công nhân viên Nhà máy Điện phải đoàn kết, thi đua, tiết kiệm. Trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng phải đoàn kết, thi đua nhằm tăng năng suất, tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu”. Ghi sâu lời dạy của Bác, 70 năm qua, ngành Điện lực Thủ đô đã đoàn kết, sáng tạo, xây dựng và phát triển lớn mạnh.
Những cây cầu “chắp cánh” cho Thủ đô hội nhập phát triển

Những cây cầu “chắp cánh” cho Thủ đô hội nhập phát triển

(PNTĐ) - Với định hướng phát triển thành đô thị hiện đại trục không gian trung tâm chạy dọc sông Hồng, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ được xây dựng thêm 10 cây cầu bắc qua sông Hồng, góp phần tạo diện mạo mới cho khu vực ven đô và nội thị.