Ngày trở về

HOÀNG LAN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc, đánh dấu sự kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước và mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do, phát triển cho dân tộc Việt Nam. Và với nhiều người con gốc Việt, trong đó có ông Jean Pierre Đinh Ngọc Riệm, hiện là lãnh sự danh dự nước CHXHCN Việt Nam tại New Caledonia (Tân Thế Giới) thuộc Pháp, ngày 30/4 hàng năm còn tượng trưng cho ngày của đoàn kết và sự trở về với nguồn cội.

Về thăm quê hương thay cho phần cha mẹ

Mặc dù sinh ra tại Pháp nhưng lớn lên chứng kiến nỗi khắc khoải nhớ quê cho tới tận lúc qua đời của cha mẹ là những người Việt đi mộ phu, bị đưa đi biệt xứ từ khi còn rất trẻ, ông Riệm đã nung nấu mong ước tìm về Việt Nam.

New Caledonia hay còn gọi là Tân Thế Giới là một lãnh thổ đặc biệt của Pháp nằm ở Tây Nam Thái Bình Dương, cách hơn 1.200km về phía đông của Úc và 1.700km từ Bắc New Zealand. Khoảng những năm đầu 1890, những người Việt Nam đầu tiên, cùng với nhiều người dân các nước thuộc địa thuộc Pháp đã bị đưa tới đây với án tù biệt xứ. Sau đó là sự xuất hiện của những người lao động Bắc Kỳ đến làm mộ phu mà người Pháp gọi là Chân đăng.

Ngày trở về - ảnh 1

Bức thư cha ông Jean Pierre Đinh Ngọc Riệm viết năm 1951 xin được về lại quê hương. Ảnh: NVCC

Ông Riệm kể: “Cha mẹ tôi là những người Chân đăng đi mộ phu thời Pháp thuộc ở Việt Nam. Cha mẹ tôi đến New Caledonia vào ngày 8/5/1939 trên chuyến tàu thủy mang tên Pierre Roti. Cha tôi mang số hiệu A 2359, còn mẹ tôi là 2703”. Sang tới New Caledonia, cha ông Riệm làm nghề thợ mộc, ai thuê gì làm đó còn mẹ ông thì buôn bán ở bến xe buýt và trước cửa rạp chiếu phim. Cuộc sống của gia đình ông ngày đó không dễ dàng gì, ngôi nhà còn tệ hơn nhà tạm.

Ông Riệm là con thứ 3 trong số 4 anh chị em. Từ khi bắt đầu có nhận thức, ông Riệm đã được chứng kiến nỗi khắc khoải, nhớ quê hương đến da diết của cha mẹ mình. Không được về Việt Nam, trên hòn đảo giữa Thái Bình Dương xa xôi, cha mẹ ông vẫn kiên trì giữ nếp sinh hoạt và văn hóa của người Việt trong gia đình.

Đó cũng là cách mà ông Riệm cho biết, nhiều người Việt ở New Caledonia đã làm để giữ nguồn cội. Ông chăm chỉ học để có thể nói thành thạo tiếng Việt trong hoàn cảnh tài liệu tiếng Việt gần như không có. Thời đó thông tin liên lạc cũng không dễ dàng, ông Riệm và các anh chị em trong gia đình phải chắt lọc từng chút thông tin hay thông qua những câu chuyện kể của cha mẹ để biết thêm về Việt Nam.

Nói về ngày 30/4 của 50 năm trước, ông cho biết rất tiếc vì ở xa quê hương nên cả gia đình ông không được chứng kiến không khí của thời khắc lịch sử hào hùng đó. Tại New Caledonia, gia đình ông và một số người Việt xa xứ chỉ có thể theo dõi tin tức về giải phóng miền Nam qua các đài truyền hình của nước ngoài. Nhưng chỉ vậy cũng đủ khiến mọi người đều vô cùng mừng rỡ.

Năm 2016, Bộ Ngoại giao đã kí và trao quyết định bổ nhiệm chức danh Lãnh sự danh dự Việt nam tại New Caledonie cho ông Riệm. Từ đó ông đã có nhiều điều kiện để về thăm Việt Nam nhiều lần.

Ông cho biết: Cho đến bây giờ, ông vẫn luôn nhớ về chuyến về Việt Nam đầu tiên sau ngày miền Nam giải phóng là đến Hà Nội. Mặc dù mọi thứ xung quanh đều mới mẻ nhưng ông không cảm thấy xa lạ. Đó có thể là sự kết nối thiêng liêng giữa dòng máu Việt đang chảy trong người ông với quê hương. Ông lúc đó đã chạnh lòng nhớ đến cha mẹ mình.

Bao nhiêu năm xa xứ, sau khi đất nước hòa bình lập lại thì cha mẹ ông đã yếu và không còn cơ hội trở lại thăm quê, thăm người thân nữa. Vì vậy, mỗi chuyến được về thăm Việt Nam, với ông, còn là chuyến đi hồi hương thay cho cả phần của cha mẹ mình.

Tự hào được là người Việt Nam

Cộng đồng người Việt tại New Caledonia chỉ chiếm khoảng 1,6% dân số. Những thế hệ người Việt đầu tiên sang New Caledonia nay đã lớn tuổi, họ là chủ các đồn điền trồng cây củ quả, nuôi bò... Thế hệ người Việt thứ hai ở New Caledonia làm nhiều công việc đa dạng hơn và tự làm chủ sự nghiệp của mình như mở nhà hàng, cửa hàng, xưởng mộc, xưởng đóng tàu bè.. 

Những người Việt làm công chức Nhà nước cũng có chức vụ cao trong ngân hàng, bộ máy hành chính. Do New Caledoine chưa phát triển về sản xuất, nhiều hàng hóa ở Việt Nam như tivi, tủ lạnh đến cửa cuốn, sơn nước, gạch lát nền nhà... cũng đã được nhiều người gốc Việt nhập từ Việt Nam sang. Nhiều thực phẩm đặc trưng Việt Nam như phở khô, bánh tráng, nước mắm Phú Quốc cũng vượt đại dương đến đây, làm dịu đi nỗi nhớ quê hương của bà con xa xứ.

Ngày trở về - ảnh 2

Ông Jean Pierre Đinh Ngọc Riệm thăm hỏi một gia đình người Việt ở New Caledonia. Ảnh: NVCC

Ông Riệm cho biết: Dù chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng cộng đồng người Việt ở New Caledonie luôn đoàn kết, chăm chỉ, trung thực và luôn hướng về quê hương bản quán. Hiện nay, nhờ có internet, bà con có thể dễ dàng cập nhật tin tức quê nhà. Đặc biệt, những ngày này, nhiều người dành sự quan tâm đặc biệt trước sự kiện kỷ niệm cấp quốc gia 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Hình ảnh những hàng trực thăng với cờ Đảng, cờ Tổ quốc bay ngang lễ đài, các chiến sĩ trong các khối diễu binh, diễu hành khiến bà con rất xúc động và khơi dậy niềm tự hào về sự anh hùng, bất khuất của dân tộc Việt Nam trước giặc ngoại xâm.

Tại New Caledonie, Lãnh sự Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho cộng đồng người Việt. Để thông hiểu cách thức giúp đỡ cộng đồng người Việt Nam, ông Riệm đã tham gia các cuộc họp bầu lãnh đạo cấp cao tại New Caledonie.

Văn phòng Lãnh sự cũng đã trở thành nơi để người dân Việt Nam tại đây đến để làm thủ tục xin visa và làm hộ chiếu một cách thuận lợi, tin tưởng nhất. Văn phòng lãnh sự cũng phối hợp mở lớp học tiếng Pháp miễn phí cho công dân Việt Nam đến học và phát triển ngôn ngữ giao tiếp. Những người Việt Nam có nguyện vọng làm thủ tục kết hôn được lãnh sự bảo lãnh quyền lợi hợp pháp và tư vấn các thủ tục hôn nhân, giúp họ yên tâm, kết hôn và sinh sống hạnh phúc tại New Caledonie. Với mục tiêu kết nối cộng đồng người Việt, tạo cơ hội để người Việt Nam biết và tìm đến nhau, ông Riệm với tư cách là lãnh sự danh dự cũng đã xây dựng các chương trình giao lưu, học tập văn hoá, tiếng Việt thường xuyên và định kỳ.

Trong đợt dịch Covid 19, mặc dù số dân Việt Nam ở New Caledonie chỉ có 3.000 người nhưng bà con đã huy động được 10.000 USD, huy động người dân Việt Nam may 100.000 khẩu trang để góp Quỹ phòng chống dịch.

Hiện nay, tại New Caledonie, một bức tượng kỷ niệm các thế hệ người Việt Nam đầu tiên đặt chân đến vùng đất này cũng đã được dựng lên.

 Cho đến nay, ông Riệm đảm nhận công việc lãnh sự danh dự nước CHXHCN Việt Nam tại New Caledonia đã được 9 năm, gần như năm nào ông cũng có ít nhất một đến hai lần về Việt Nam, có năm cứ vài tháng lại về nước một lần. Sau khi đất nước thống nhất, hòa bình, nhiều bà con người Việt cũng thường xuyên trở về, đã giúp Việt Nam và New Caledonia trở nên gần gũi.

Tin cùng chuyên mục

Những “bông hồng thép” làm nên “huyền thoại Trường Sơn”

Những “bông hồng thép” làm nên “huyền thoại Trường Sơn”

(PNTĐ) - Họ là những “bông hồng thép” trong Đại đội nữ lái xe Trường Sơn - đại đội nữ duy nhất đảm nhiệm công việc không kém gì nam giới, nữ cựu thanh niên xung phong trở về từ trong bão lửa chiến tranh, viết nên những trang sử anh hùng trên cung đường huyền thoại. Họ là những người mẹ, người vợ nơi hậu phương suốt bao năm thuỷ chung chờ đợi chồng, cha là chiến sĩ trở về, chấp nhận mất mát, hi sinh để cùng viết lên những câu chuyện tình yêu vượt thời gian… Những câu chuyện của họ thật bình dị mà quá đỗi phi thường, đã khắc hoạ một bức tranh lịch sử hào hùng, bi tráng của dân tộc trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại.
Từ bầu trời Hà Nội đến vũ trụ: Một trái tim Việt Nam

Từ bầu trời Hà Nội đến vũ trụ: Một trái tim Việt Nam

(PNTĐ) -  Hòa bình đẹp không? Hòa bình đẹp lắm, đẹp như ánh ban mai sau đêm dài giông bão. Hãy đến với Việt Nam, quê hương tôi, để lặng im ngắm nhìn những cánh đồng xanh mướt, những phố phường yên bình, để hiểu rằng mỗi phút giây yên ả hôm nay đều được đánh đổi bằng máu, nước mắt và lòng quả cảm.
Quận Hoàn Kiếm hỗ trợ tặng quà cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhân kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam

Quận Hoàn Kiếm hỗ trợ tặng quà cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhân kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam

(PNTĐ) - Với tinh thần “Tương thân tương ái”, nhân dịp chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam quận - Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” quận đã tổ chức Chương trình trao hỗ trợ tới các hộ cận nghèo, các trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn