Nghề đan cót ở Nghĩa Hương: Nghề phụ tạo nên nguồn thu nhập chính

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Dẫu được gọi tên là nghề phụ, làm vào những khi nông nhàn, nhưng nghề đan nan cót xuất khẩu ở cả 3/3 thôn của xã Nghĩa Hương bấy lâu nay đã mang lại nguồn thu nhập chính của hàng nghìn người dân nơi đây.

Nghề đan cót ở Nghĩa Hương: Nghề phụ tạo nên nguồn thu nhập chính - ảnh 1
Gia đình bà Nguyễn Thị Thêm đã làm nghề đan cót hơn 30 năm nay

Về nơi có nghề đan cót nan truyền thống – xã Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai, trên con đường vào các thôn đều đã bê tông hóa rộng rãi, hai bên là hàng hoa chiều tím vươn mình hứng ánh nắng chói chang, sắc hoa cười theo gió làm dịu mát cho khách qua. Tiến dần vào làng, những ngôi nhà cao tầng, khang trang hiện ra khiến ai nấy đều cảm thấy nơi đây người dân no ấm, trù phú. 

Làng trù phú

Chúng tôi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Thêm ở thôn Văn Khê, chứng kiến những người làm nghề đang thoăn thoắt tay đan, tay chẻ, vót nan. Có 6 người đang làm, ngồi ở trong nhà, ngoài sân, chủ yếu là người ở độ tuổi ngoài 50 tuổi, có cả ông bà ngoài 70 tuổi cũng ngồi đan, nom lưng còng mắt mờ mà đôi tay vẫn rất thuần thục.

Bà Thêm cho biết: “Đan nan cót là nghề truyền thống của gia đình, bản thân tôi cũng làm từ thuở nhỏ đến giờ. Trước đây, gia đình vốn làm ruộng, những khi nông nhàn lại đan để kiếm thêm thu nhập. Nay gia đình vẫn làm ruộng song chỉ mất vài ngày thời vụ, đều đã thuê làm, chỉ tập trung vào đan nan cót này”.

Theo bà Thêm, thu nhập từ nghề đan nan cót chủ yếu là gia công cho các chủ thu gom đặt hàng, bình quân thu nhập mỗi tháng được 4-6 triệu đồng/người và cái được của nghề là công việc luôn đều đặn, làm quanh năm.

Bà Cao Diệu Lân (78 tuổi) cho hay: “Cô là giáo viên nghỉ hưu. Vốn sẵn nghề đan ở địa phương nên cô cũng bắt tay vào làm, làm vừa sức nên cô rất vui”. Mỗi ngày đan ước chừng được 100.000 đồng tiền công. Theo bà Loan, các con lớn thì đi làm, các cháu đi học nên việc làm nghề phụ này chủ yếu là cô chú làm cho có niềm vui tuổi già lại có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống.

Nghề đan cót ở Nghĩa Hương: Nghề phụ tạo nên nguồn thu nhập chính - ảnh 2
Bà Cao Diệu Lân (78 tuổi) đan cót từ ngày nghỉ hưu đến nay đã hơn 20 năm

Cải thiện cuộc sống chính cũng chính là lý do của hầu hết những người cao tuổi, phụ nữ ở Nghĩa Hương đang làm nghề đan nan cót này.

Hướng về những ngôi nhà cao tầng khang trang cũng nối nhau, bà Nguyễn Thị Thanh Hải, Chủ tịch Hội LHPN xã Nghĩa Hương tự hào: “Khoảng hơn 5 năm trở lại đây, đời sống bà con trong xã đã được nâng cao. Ngoài những lao động trong độ tuổi thì đi làm doanh nghiệp, làm các nghề khác thì ở nhà chủ yếu là các chị, các mẹ, lao động nhiều tuổi, có cả các ông bà cao tuổi ngoài 70, 80 tuổi vẫn tham gia làm nghề đan mây tre đan, đan cót,… tiền công cũng được 100.000 đến 200.000 đồng mỗi ngày”.

Cũng theo bà Thanh Hải, Hội LHPN xã Nghĩa Hương đã thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế, sản xuất, đào tạo kỹ năng kinh doanh cho chị em; đồng thời đang quản lý quỹ vay tín dụng từ ngân hàng Chính sách xã hội 13,3 tỷ đồng và ngân hàng Nông nghiệp và PTNT 3 tỷ đồng, các hộ vay để sản xuất kinh doanh luôn đảm bảo sử dụng nguồn vốn rất tốt. Năm 2021, toàn xã không còn hộ nghèo nào. Đầu năm 2022, đến nay theo tiêu chí mới thì có 9 hộ nghèo, phấn đấu đến cuối năm sẽ giảm 3 hộ nghèo nhờ việc tặng sổ tiết kiệm 20 triệu đồng/hộ, Hội LHPN 

Ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hương cho biết, cả 3 thôn của xã Nghĩa Hương đều có nghề đan nan cót và mây tre đan phát triển, nhiều năm nay hàng nghìn người dân đã gắn bó với nghề truyền thống này nên đã có thu nhập ổn định, nhiều nhà trở nên khá giả. Cũng nhờ nghề này mà đời sống của người dân trong xã được nâng lên rõ rệt.

Toàn xã hiện có khoảng 2.000 hộ thì có hơn 900 hộ làm nghề phụ, trong đó hơn 100 hộ làm nghề chế biến lâm sản với hơn 100 máy xẻ gò, máy rọc gỗ, thu hútlao động địa phương 300.000 đồng. Giá trị sản xuất từ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt 160 tỷ đồng/năm. Bình quân thu nhập đầu người năm 2021 của xã Nghĩa Hương đạt 55 triệu đồng/năm.

Cần đẩy nhanh xây dựng cụm công nghiệp làng nghề

Với sự phát triển của nghề thủ công truyền thống, các hộ làm nghề ngày càng thiếu mặt bằng sản xuất nên hầu hết là tận dụng diện tích nhà ở để sản xuất tại nhà, thậm chí là lòng, lề đường, nhất là với các hộ làm chế biến lâm sản, xẻ gỗ cần diện tích rộng để tập kết nguyên liệu. Vì vậy, người dân xã làm nghề ở Nghĩa Hương rất mong muốn sớm được chuyển ra cụm Công nghiệp làng nghề để mở rộng quy mô sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động, tăng thu nhập và nhất là hạn chế được ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.

Từ năm 2005, xã Nghĩa Hương đã lập dự án xây dựng điểm Công nghiệp làng nghề (nay là Cụm Công nghiệp làng nghề Nghĩa Hương) và được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt, ra quyết định thu hồi đất nhưng do gặp một số khó khăn nên chưa thực hiện được.

Năm 2008, hợp nhất Hà Tây với Hà Nội, dự án này bị dừng lại. Đến năm 2011, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định số 4923/QĐ-UBND thành lập cụm công nghiệp làng nghề xã Nghĩa Hương với diện tích 11,4ha, được đầu tư xây dựng mới với thời gian hoạt động là 50 năm. Tuy nhiên, tròn 10 năm sau, năm 2021, UBND huyện Quốc Oai mới có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cho cụm công nghiệp này, với quy mô 10,7ha.

Nghề đan cót ở Nghĩa Hương: Nghề phụ tạo nên nguồn thu nhập chính - ảnh 3
Những ngôi nhà khang trang ở xã Nghĩa Hương đang làm thay đổi diện mạo của làng quê trở nên trù phú

Nguyễn Quang Tuấn, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hương cho biết, hiện xã đã hoàn thiện việc tiến hành lập hồ sơ kỹ thuật thửa đất, mời các hộ ký và quy chủ thửa đất diện tích khu Đống Ba dự án Cụm công nghiệp Nghĩa Hương, đang trong thời gian chờ cơ quan cấp trên ra quyết định thu hồi để sớm thực hiện dự án.

Cũng theo ông Tuấn, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với làng có nghề, tiếp tục khuyến khích các hộ sản xuất, làng nghề trên địa bàn xã, làm cót nan, mây tre giang đan, chế biến lâm sản, duy trì, phục hồi phát triển thích ứng an toàn với dịch Covid-19.

Hội LHPN xã cũng tích cực tuyên truyền vận động các hộ, các chị em đảm bảo sản xuất an toàn, có phương án giảm thiểu ô nhiễm môi trường sản xuất trong khu dân cư, như sử dụng bao đựng rác, dọn dẹp sạch sẽ trong nhà, ngoài ngõ. Đồng thời, UBND xã đang thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hiện đã triển khai đến các đơn vị, doanh nghiệp, HTX nông nghiệp trên địa bàn.

Từ đầu năm đến nay, xã đã phối hợp với phòng Kinh tế huyện tiếp nhận, hướng dẫn hồ sơ đăng ký 3 sản phẩm cót nan tham gia đánh giá công nhận sản phẩm OCOP năm 2022.

Hy vọng, trong thời gian tới, xã Nghĩa Hương sớm xây dựng được cụm công nghiệp làng nghề đề nghề đan nan cót vẫn tiếp tục được phát triển bền vững, đảm bảo môi trường sạch sẽ mà người dân vẫn có thu nhập tốt.  

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.