Nghịch lý có hệ thống thoát nước, nhưng... nước không thoát!

T. HẰNG
Chia sẻ

(PNTĐ) -Biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp cùng với đó là các trận mưa lớn không theo quy luật thời gian qua đã khiến hệ thống thoát nước ở TP Hà Nội quá tải. Theo các chuyên gia đô thị, đã đến lúc Thủ đô cần có những giải pháp quyết liệt hơn để giảm thiểu tình trạng có hệ thống thoát nước nhưng… nước lại không thoát.

Nghịch lý có hệ thống thoát nước, nhưng... nước không thoát! - ảnh 1
Bên cạnh các giải pháp chống úng ngập cục bộ, Hà Nội cần nghiên cứu tổng thể hệ thống thoát nước trên phạm vi toàn thành phố Ảnh: PV

Nhiều dự án thoát nước chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ
Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Thị Mai Hương cho biết, theo quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 725 ngày 10/5/2013, hệ thống thoát nước khu vực nội thành được chia làm 4 lưu vực: Tô Lịch, tả sông Nhuệ, hữu sông Nhuệ và Long Biên.

Đến nay, hệ thống thoát nước trên địa bàn TP Hà Nội đã được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh theo quy hoạch đối với khu vực: Sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu với diện tích 77,5km2 thuộc địa bàn 8 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Tây Hồ. Còn lại các khu vực khác như: Tả sông Nhuệ, hữu sông Nhuệ, các quận: Long Biên, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ theo quy hoạch.

Cụ thể: Trạm bơm Liên Mạc (công suất 170m3/giây), trạm bơm Gia Thượng và Cự Khối (tổng công suất 65m3/giây). Hiện đang đầu tư trạm bơm Yên Nghĩa công suất 120m3/giây chưa hoàn thiện thi công kênh dẫn La Khê. Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá công suất 270.000m3/ngày cùng hệ thống thu gom nước thải cũng chưa hoàn thiện. Sông Nhuệ chưa được cải tạo, nạo vét, kè sông là những nguyên nhân chính chưa đảm bảo công tác thoát nước cho TP Hà Nội.

Hiện tại Thành phố đã giải quyết được 5/16 điểm ngập úng trên các tuyến phố chính, 11 điểm còn lại đã có giải pháp theo các dự án đã và đang xin chủ trương thực hiện. Ngoài ra, hệ thống thoát nước tại các ngõ, ngách 12 quận nội thành đầu tư từ lâu đã xuống cấp. Các tuyến đường tỉnh lộ, quốc lộ, nhiều khu vực đô thị hóa chưa có hệ thống thoát nước…

Tìm giải pháp thoát nước cho Hà Nội
Theo Thạc sĩ kỹ thuật, KSXD Hoàng Ngọc Quỳ, Hà Nội và nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới đã dùng giải pháp: Đào hầm, dòng sông ngầm chứa nước mưa và nước phân lũ ở dưới lòng đất. 

Cụ thể, KSXD Hoàng Ngọc Quỳ dẫn chứng, tại Thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia có đường ngầm Storm water Mana gement and Road Tunnel (SMART). Đường hầm giao thông và điều tiết lũ SMART được thực hiện từ năm 2003 đến năm 2007, với tổng kinh phí gần 700 triệu USD. Từ khi SMART đi vào hoạt động, Thủ đô Kuala Lumpur đã thoát khỏi cảnh ngập lụt. Theo thiết kế, đường hầm SMART có chiều cao 13,2m, bao gồm 2 tầng cho giao thông và 1 tầng dành cho thoát nước. Mục đích chính của SMART là để giải quyết vấn đề lũ quét tại Kuala Lumpur và cũng để làm giảm ùn tắc giao thông trong những giờ cao điểm.

KSXD. Hoàng Ngọc Quỳ minh chứng thêm về các giải pháp chống ngập tại Thủ đô Bangkok (Thái Lan) với giếng ngầm lớn có sức chứa lên tới 27.000m3; đập chắn sóng Maeslantkering có thể đóng, mở tự động, ngăn nước từ biển Bắc, chịu được lực 70.000 tấn, đủ để chống lại cơn bão lớn nhất tại Hà Lan; Hệ thống thoát nước xử lý hơn 320.000 triệu lít nước thải mỗi năm…

Nhìn nhận dưới góc độ quy hoạch, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng để đối phó với biến đổi khí hậu, không thể chỉ xử lý những điểm ngập cục bộ mà phải đánh giá tổng thể hệ thống thoát nước toàn thành phố, kết hợp giữa yêu cầu thoát nước với phát triển đô thị. 

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong, để khắc phục, giảm thiểu tình trạng ngập nước, Sở đã chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị duy trì thoát nước đã bố trí 100% nhân lực phục vụ thoát nước mùa mưa bão, tổ chức ứng trực, vớt rác, mở ga thu nước vào hệ thống, đồng thời sử dụng bơm di động, mở cửa hồ…

Bên cạnh đó, Sở đang phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội vận hành các trạm bơm tiêu nông nghiệp phục vụ thoát nước đô thị như: Yên Nghĩa, Khê Tang, Vân Đình… đảm bảo thoát nước cho sông Nhuệ. Thời gian tới, Sở Xây dựng tiếp tục rà soát thực hiện cải tạo, sửa chữa, khắc phục sự cố hệ thống thoát nước trên địa bàn Thành phố, như nghiên cứu xây dựng bể chứa điều tiết ngầm tại các khu vực bất khả kháng do địa hình trũng thấp, xa nguồn xả như ngã 5 Đường Thành - Bát Đàn - Phùng Hưng - Nhà Hỏa; xây dựng hệ thống thoát nước đô thị trên đường gom đại lộ Thăng Long để giải quyết các điểm ngập cục bộ tại hầm chui dân sinh…

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Phòng chống nạn tảo hôn: Đẩy mạnh truyền thông từ chính “người trong cuộc”

Phòng chống nạn tảo hôn: Đẩy mạnh truyền thông từ chính “người trong cuộc”

(PNTĐ) - Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) là huyện có đông đồng bào dân tộc cùng sinh sống. Trong những năm qua, dù vẫn còn tình trạng tảo hôn nhưng tỷ lệ đã giảm rất nhiều so với trước đây. Có được kết quả, tín hiệu đáng mừng ấy là nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, người dân; đặc biệt là sự góp sức, tham gia truyền thông, vận động từ chính người trong cuộc – những “nạn nhân” của việc tảo hôn.
Những người trẻ truyền lửa khát vọng cống hiến

Những người trẻ truyền lửa khát vọng cống hiến

(PNTĐ) - Không chỉ là những người trẻ tài năng, xuất sắc trong các lĩnh vực, họ còn là những hạt nhân tiên phong hành động, truyền lửa khát vọng cống hiến, phụng sự đất nước, cộng đồng. Họ là những gương mặt tiêu biểu được đề cử giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023.