Nghiện game - chứng bệnh tâm thần nguy hiểm
(PNTĐ) - Trong thời đại công nghệ số bùng nổ, game online đã trở thành phương tiện giải trí phổ biến, thu hút mọi lứa tuổi, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích về thư giãn, kết nối, game cũng tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tình trạng nghiện ngập, gây ra những hậu quả khôn lường cho chính bản thân người chơi, thậm chí gây ảnh hưởng lớn đến cả gia đình và xã hội.
Thực trạng đáng báo động
Nghiện game, hay còn gọi là "Rối loạn chơi game" (Gaming Disorder), được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức công nhận là một chứng bệnh tâm thần vào năm 2018 và đưa vào Phiên bản thứ 11 của Phân loại Bệnh tật Quốc tế (ICD-11). Theo WHO, "Rối loạn chơi game" được đặc trưng bởi kiểm soát hành vi chơi game kém, dẫn đến "tổn hại đáng kể về mặt chức năng cá nhân, gia đình, học tập, công việc hoặc các lĩnh vực quan trọng khác".
Trên toàn cầu, có hơn 2 tỷ người chơi game và con số này dự kiến sẽ vượt qua 5 tỷ người vào năm 2025. Thống kê toàn cầu cho thấy, tỷ lệ người nghiện game thường dao động từ 3-4% dân số. Trong đó, nam giới có tỷ lệ nghiện game cao hơn nữ giới. Nhóm tuổi dễ bị tổn thương nhất bởi vấn nạn này là thanh thiếu niên từ 10-24 tuổi.
Tỷ lệ nghiện game có thể thay đổi tùy theo từng khu vực, quốc gia và nền văn hóa. Ví dụ, ở châu Âu, theo nghiên cứu của Đại học Oxford (Anh), tỷ lệ người nghiện game là 2,5%. Còn tại Bắc Mỹ, dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) chỉ ra tỷ lệ người nghiện game là 0,8%.
Đặc biệt, châu Á được các nhà nghiên cứu đánh giá là một trong những khu vực có tỷ lệ người nghiện game cao nhất trên thế giới. Theo đó, tỷ lệ người nghiện game ở châu Á lên tới 6,3% dân số. Các nước có tỷ lệ người nghiện game rất cao gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan. Cụ thể, tại Trung Quốc, có khoảng 8,40% người sử dụng internet bị nghiện game, tại Hàn Quốc, tỷ lệ này là 11,05%.
Hậu quả nặng nề
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghiện game, trong đó có thể chia ra thành 3 yếu tố chính gồm: Yếu tố tâm lý: Những người có tính cách dễ bị nghiện, thiếu tự tin, cô đơn, hoặc gặp khó khăn trong giao tiếp xã hội có nguy cơ cao bị nghiện game hơn. Bên cạnh đó, những người phải sống trong môi trường gia đình thiếu sự quan tâm, giáo dục, hoặc cha mẹ thường xuyên có mâu thuẫn cãi vã cũng có thể dẫn đến việc tìm đến game như một cách giải thoát (yếu tố gia đình). Và cuối cùng là sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp game online, với những trò chơi điện tử được thiết kế ngày càng hấp dẫn, thu hút, cùng với sự dễ dàng truy cập internet đã góp phần gia tăng đáng kể nguy cơ nghiện game (yếu tố xã hội).
Nghiện game có thể gây ra những hậu quả từ nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng cho cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của người chơi. Dễ thấy nhất, việc ngồi lì một chỗ chơi game trong thời gian dài dẫn đến các vấn đề về mắt, cơ xương khớp, béo phì, thiếu ngủ, suy giảm hệ miễn dịch. Nghiện game còn khiến người chơi dễ mắc các bệnh về tâm lý như lo âu, trầm cảm, rối loạn hành vi. Ngoài ra, việc dành quá nhiều thời gian cho game khiến các bạn trẻ xao nhãng việc học, sa sút kết quả học tập, bỏ bê việc học hành, thậm chí bỏ học.
Đối với người trưởng thành, khi nghiện game, người chơi có thể bỏ bê công việc, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc và thu nhập. Việc quá tập trung vào game mà bỏ bê gia đình, bạn bè, ít giao tiếp còn khiến các mối quan hệ trở nên rạn nứt, xa cách... Đặc biệt, trên thế giới và cả ở Việt Nam đã có không ít những vụ việc đau lòng mà nguyên nhân xuất phát từ game.
Dễ thấy nhất là các hành vi lừa đảo, trộm cắp, cướp giật để có tiền chơi game. Vào tháng 4 năm 2024, một game thủ chuyên nghiệp người Hàn Quốc đã bị truy tố vì lừa đảo người hâm mộ hơn 100 triệu won (khoảng 80.000 USD) bằng cách hứa hẹn giúp họ leo rank (tăng cấp bậc/thứ hạng) trong game. Hay theo thông tin từ Yonhap News, một thanh niên 19 tuổi ở Hàn Quốc đã bị bắt giữ sau khi thực hiện hành vi cướp ngân hàng ở thành phố Seoul. Nghi phạm khai nhận rằng cướp tiền để nạp tiền chơi game. Và còn nhiều trường hợp khác ở khắp nơi như một nam sinh lớp 8 tại Malaysia đã ăn trộm 500 ringgit (khoảng 115 USD) của cha mẹ để nạp tiền chơi game hay nhóm thanh niên tại Indonesia mới đây đã bị bắt giữ sau khi thực hiện hành vi trộm cắp xe máy. Theo điều tra, nhóm này trộm cắp xe máy để bán lấy tiền chơi game.
Không chỉ cướp tài sản, việc "đắm chìm" trong thế giới ảo của game còn khiến nhiều thanh thiếu niên gặp ảo giác, có những bất ổn về tâm lý ngây ra những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng ở cuộc sống thực. Theo thông tin từ CNN, một thiếu niên 17 tuổi ở Mỹ đã tự tử tại nhà riêng. Gia đình cho biết, thiếu niên này thường xuyên chơi game và có biểu hiện trầm cảm do nghiện game.
Trường hợp khác, một thanh niên 22 tuổi ở Hàn Quốc đã bị bắt giữ sau khi sát hại bạn cùng phòng. Nghi phạm khai nhận giết người vì mâu thuẫn liên quan đến game online. Đau xót hơn, Himanshu Singh - một thanh niên 24 tuổi ở làng Fatehpur (Ấn Độ) đã ra tay sát hại chính mẹ ruột của mình rồi phi tang xác, nguyên nhân chỉ bởi nạn nhân từng mắng mỏ Himanshu Singh vì nghiện chơi game trực tuyến khiến hắn phải gánh khoản nợ lớn. Tình trạng bắt nạt trong game cũng là một vấn đề nhức nhối khi hồi tháng 3 năm nay, một thiếu niên 15 tuổi ở Trung Quốc đã tự tử vì bị bạn bè bắt nạt do chơi game kém.
Elizabeth Jones - một bà mẹ ở Arkansas (Mỹ) đã đệ đơn kiện cáo buộc các nhà sản xuất cố tình thiết kế trò chơi để gây nghiện nhất có thể. Bà chia sẻ với tờ "Good Morning America": "Tôi đã khóc rất nhiều đêm vì nghĩ rằng mình là một bậc cha mẹ tồi do không thể ngăn con nghiện game. Nếu có bất kỳ bậc cha mẹ nào khác phải đối mặt với vấn đề này, tôi muốn họ biết rằng họ không đơn độc".
Con trai của Jones - Preston Johnson, 21 tuổi, bắt đầu chơi game ở tuổi 12. Theo Jones, đến năm 16 tuổi, anh đã bỏ học cấp ba "vì muốn ở nhà và chơi game". Vụ kiện của Elizabeth Jones đã tuyên bố rằng các trò chơi điện tử mà con trai cô chơi, bao gồm Fortnite, Minecraft và Roblox, "được phát triển và thiết kế đặc biệt để gây nghiện cho anh ấy và những người dùng khác". Người mẹ này cho biết trò chơi điện tử đã mãi mãi thay đổi tiêu cực đến cuộc sống của con trai cô và cả gia đình họ.
Cần có những giải pháp đồng bộ
Để giải quyết tình trạng nghiện game ở giới trẻ, nhiều quốc gia đã có những quy định siết chặt thời gian trẻ em và thanh thiếu niên "ở trên mạng" như ở Trung Quốc. Theo đó, tất cả những người dưới 18 tuổi ở Trung Quốc sẽ mất quyền truy cập Internet bằng thiết bị di động trong khoảng thời gian từ 22h hôm trước đến 6h sáng hôm sau. Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc cũng áp dụng một hệ thống theo cấp độ để quản lý thời gian sử dụng smartphone ở trẻ em, trong đó cho phép thời gian tối đa 40 phút/ngày đối với những trẻ dưới 8 tuổi và 2 giờ/ngày đối với những thiếu niên 16-17 tuổi. Trước đó, Đức cũng đã từng đưa ra quy định yêu cầu các nhà phát triển web phải ngăn chặn trẻ vị thành niên chơi game online từ 22h-6h sáng hôm sau. Ngoài ra, Hàn Quốc hồi tháng 5/2011 cũng đưa ra luật “tắt máy tính”, nghiêm cấm trẻ em dưới 16 tuổi chơi game từ nửa đêm đến 6h sáng hôm sau.
Chính phủ một số nước còn thành lập các cơ sở cai nghiện game như: "Trường giải cứu Internet Jump Up" ở Hàn Quốc hay "Bệnh viện cai nghiện Internet ở Trung Quốc", Trung tâm cai nghiện game Rockford (Mỹ) hay Trường cai nghiện game Reboot (Anh)... để điều trị miễn phí cho những người nghiện game nặng mà đa phần là các thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 12-18.
Theo các chuyên gia, việc hình thành các hệ giá trị, các chuẩn mực mới trong đời sống là quy luật tất yếu. Do đó cần nhìn nhận game như một lĩnh vực phát triển tiềm năng, xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản lý phù hợp và có nhận thức đúng đắn về vấn đề này. Điều này không chỉ giúp tránh tình trạng nghiện game gây ra những hậu quả tiêu cực cho bản thân người dùng và xã hội, mà còn giúp phát triển game như một ngành công nghiệp không khói, tạo ra việc làm và thu nhập, nâng cao đời sống người dân.