Người dân mua sắm thực phẩm, sẵn sàng ứng phó với bão

NGỌC LAN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Theo ghi nhận, từ đầu giờ chiều ngày 6/9, nhiều người dân ở Hà Nội đã tranh thủ đi mua thực phẩm tích trữ trước tình hình cơn bão số 3 Yagi sắp đổ bộ. Lượng người mua đông nhưng không xảy ra tình trạng lộn xộn.

Người dân mua đông nhưng không xảy ra tình trạng lộn xộn

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 4h ngày 6/9, vị trí tâm siêu bão Yagi vào khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 112,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 200km về phía Đông Đông Nam; cách Quảng Ninh khoảng 620km về phía Đông Nam.

Siêu bão Yagi dự kiến đêm nay vào vịnh Bắc Bộ gây gió mạnh, mưa to và giông lốc ở miền Bắc. Lo ngại bão ảnh hưởng kéo dài, người dân ở nhiều nơi tìm đến các siêu thị, chợ dân sinh để tích trữ nhu yếu phẩm.

Người dân mua sắm thực phẩm, sẵn sàng ứng phó với bão - ảnh 1
Các siêu thị ghi nhận số lượng khách hàng mua đông hơn thường ngày.

Tại một số siêu thị lớn như Big C, Winmart, lượng khách mua hàng tăng đột biến khiến một số thời điểm, kệ hàng rau thịt hết hàng. Ghi nhận tại siêu thị WinMart Thăng Long (Cầu Giấy) cho thấy một lượng lớn khách hàng tới đây mua thực phẩm để phòng bão đổ bộ khiến một số thời điểm, kệ hàng rau tạm thịt hết hàng.

 Tranh thủ giờ làm, chị Nguyết Ánh (Cầu Giấy, Hà Nội) tạt qua siêu thị gần nơi làm việc để mua đồ ăn cho cả gia đình.

 

"Bình thường giờ này siêu thị khá vắng khách, rau, thịt còn nhiều, nhưng hôm nay mọi người tranh thủ mua từ sớm để tránh bão nên hàng hết nhanh", chị Nguyệt Ánh chia sẻ.

Cũng như chị Ánh, Anh Duy Khoa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết lo ngại mưa bão ảnh hưởng nên chủ động đi mua sắm nhu yếu phẩm đủ cho gia đình dùng trong 3 ngày, đề phòng mưa bão, ngập lụt.

 
Người dân mua sắm thực phẩm, sẵn sàng ứng phó với bão - ảnh 2
Thịt cũng là mặt hàng được người tiêu dùng ưu tiên mua.

Ghi nhận tại chợ dân sinh Tân Xuân (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) vào thời điểm 17h, nhiều sạp hàng bán rau, thịt lợn và tôm… vẫn đang phục vụ người dân. Giá rau có tăng nhẹ so với bình thường.

Còn tại chợ dân sinh Tổ dân phố số 7 (Thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh), các mặt hàng thịt lợn, rau là mặt hàng được mua nhiều nhất

Chị Nguyễn Thị My (tiểu thương tại bán thịt tại chợ) cho biết, nhìn chung, người dân mua nhiều thực phẩm hơn ngày thường để khi mưa bão không cần phải ra đường.

Đánh giá chung cho thấy, dù lượng người mua đông nhưng không xảy ra tình trạng lộn xộn. Tại nhiều siêu thị, người dân kiên nhẫn xếp hàng chờ tới lượt được thanh toán.

Không nên hoang mang, đổ xô tích trữ quá nhiều

Theo các chuyên gia, người dân không nên mua tích trữ nhiều hàng hóa, đổ xô đi mua những đồ dùng (kể cả đồ chưa thực sự cần thiết) với số lượng lớn theo "phong trào", "hiệu ứng đám đông". Người tiêu dùng nên cân đối việc mua sắm vừa phải, đủ với nhu cầu của bản thân và gia đình.

Các siêu thị, đơn vị bán lẻ cũng khẳng định có đủ hàng hoá cung cấp cho người tiêu dùng. Tại các Trung tâm Bách hóa tổng hợp và Siêu thị AEON khu vực phía Bắc đã nâng lượng hàng dự trữ gấp 2-3 lần ngày thường (đặc biệt là với các mặt hàng đồ tươi sống) nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Bên cạnh đó, AEON cũng tập trung vào một số mặt hàng cần sử dụng trong những tình huống bị mất điện, mất nước như: Đèn pin, áo mưa, ủng, đồ đựng thực phẩm sử dụng một lần. Những sản phẩm này được trưng bày ở những vị trí thuận tiện dễ nhìn, dễ lấy để khách hàng dễ dàng tìm thấy....

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc Chuỗi WinMart, cho biết các mặt hàng có sức mua tăng như: Thực phẩm tươi sống (thịt, đặc biệt thịt MEATDeli, rau củ có xu hướng lưu trữ lâu như bầu, bí), các mặt hàng thực phẩm đông lạnh, mì gói… Với tình hình bão ảnh hưởng tới khu vực miền Bắc, ông Dũng cho biết WinMart đã lên kế hoạch để đảm bảo đầy đủ hàng hóa, thực phẩm thiết yếu, thực phẩm khô dự trữ.

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) vừa có cập nhật tình hình cung ứng hàng hóa tại một số địa phương có ảnh hưởng của bão.

Theo đó, cơ quan này cho biết tình hình thị trường hàng hóa tại các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 3 cơ bản vẫn ổn định, sức mua các hàng hóa thực phẩm tươi sống và mỳ gói, nước uống có tăng nhưng nguồn cung vẫn cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu.

Sở Công Thương một số địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão (Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Thái Bình...) đã chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, phân phối lớn trên địa bàn báo cáo về khả năng dự trữ, cung ứng các mặt hàng thiết yếu.

Các mặt hàng được dự trữ là các hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu như gạo, mì ăn liền, lương khô, nước uống đóng chai, xăng dầu và các mặt hàng khác có nhu cầu cao trong mùa bão lũ (tấm lợp, dây thép, đinh vít, thuốc trị bệnh…) đảm bảo phục vụ kịp thời nhu cầu của người dân vùng thiên tai.

Khối lượng hàng hóa nhu yếu phẩm dự trữ ước tính đáp ứng 5-10 ngày sử dụng. Lực lượng quản lý thị trường tại các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão số 3 cũng đang tăng cường triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi đầu cơ, găm hàng, trục lợi khi nhu cầu hàng hóa tăng cao, gây bất ổn thị trường.


Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Biểu dương người cao tuổi tiêu biểu vận động con cháu thực hiện tốt chính sách dân số

Biểu dương người cao tuổi tiêu biểu vận động con cháu thực hiện tốt chính sách dân số

(PNTĐ) - Hiện toàn quận Thanh Xuân có hơn 45.000 người cao tuổi (NCT), chiếm 15,1% dân số. Toàn quận đang duy trì 215 câu lạc bộ (CLB) văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao của người cao tuổi và 3 CLB liên thế hệ, thu hút 5.656 NCT tham gia với nhiều hoạt động phong phú nhằm nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần cho NCT.
Thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp nhờ đổi mới, sáng tạo

Thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp nhờ đổi mới, sáng tạo

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ chương trình Ngày hội đổi mới sáng tạo Techfest Cao Bằng 2024, vừa qua Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng, Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Cao Bằng và Làng Design Thinking – Techfest Việt Nam đã tổ chức hội thảo Farmer Resilience – Xây dựng năng lực phục hồi của nông dân: Ứng phó, thích nghi, sáng tạo và tận dụng các cơ hội mới.
Agribank đồng hành phát triển kinh tế - xã hội địa bàn Thủ đô

Agribank đồng hành phát triển kinh tế - xã hội địa bàn Thủ đô

(PNTĐ) - Tròn 70 năm sau Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), Hà Nội đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đạt được những thành tựu quan trọng, xứng đáng là trái tim của cả nước. Agribank cùng ngành Ngân hàng vinh dự được đóng góp, đồng hành trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa bàn Thủ đô.