Người khuyết tật cần sự quan tâm của cả cộng đồng để hòa nhập

MAI CHI
Chia sẻ

(PNTĐ) -"Kém may mắn vì là người khuyết tật, các bạn học viên có thể sẽ gặp nhiều khó khăn hơn người bình thường khi tìm việc làm. Tuy nhiên, không gì có thể cản bước các em nếu kiên trì cố gắng, nỗ lực hơn nữa, cùng sự chung tay của gia đình và cộng đồng".

Đó là lời nhắn gửi của TS, Nhà giáo Ưu tú Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng trường Cao đẳng công nghệ cao Hà Nội tại lễ bế giảng lớp Thiết kế đồ họa và Dán nhãn dữ liệu cho người khuyết tật, khóa 2. Đây là hoạt động nằm trong chương trình hợp tác giữa tổ chức Angels' Haven (Hàn Quốc) và trường Cao đẳng công nghệ cao Hà Nội, hợp tác Dự án thí điểm phục hồi chức năng thông qua dạy nghề cho thanh niên khuyết tật tại Hà Nội.

Phát biểu tại lễ bế giảng, TS, Nhà giáo Ưu tú Phạm Xuân Khánh chia sẻ thêm, hoạt động đào tạo nghề cho thanh niên khuyết tật được nhà trường quyết tâm và chú trọng đào tạo trong 5 tháng với mong mỏi, cùng cộng đồng giúp các em học viên có thêm kiến thức, kỹ năng và sự tự tin để có khả năng và xin được việc làm, tự lập trong tương lai. Thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục mở khóa 3 để giúp đỡ đào tạo cho nhiều thanh niên khuyết tật hơn nữa.

Người khuyết tật cần sự quan tâm của cả cộng đồng để hòa nhập - ảnh 1
Các học viên khóa 2 lớp Thiết kế đồ họa và Dán nhãn dữ liệu cho người khuyết tật nhận chứng chỉ đào tạo của trường Cao đẳng công nghệ cao Hà Nội

Đại diện tổ chức Angels' Haven tại Việt Nam cho hay, sau khi hoàn thành khóa học, nếu phụ huynh và các học viên có nhu cầu muốn được giúp đỡ trong tìm kiếm thông tin việc làm thì Angels' Haven sẵn sàng giúp đỡ. "Chúng tôi nhận thấy, sau thời gian học tại trường, các bạn không chỉ chăm chỉ học tập mà còn được học thêm rất nhiều về kỹ năng sống, kỹ năng làm việc nhóm, giúp đỡ lẫn nhau", đại diện tổ chức Angels' Haven tại Việt Nam bày tỏ.

Niềm hạnh phúc rạng rỡ trên khuôn mặt những phụ huynh cùng con tới dự lễ bế giảng. Bác Phạm Văn An thay mặt các phụ huynh gửi lời cảm ơn tới các thầy cô vì sự giúp đỡ tận tình. "Chúng tôi rất biết ơn các thầy cô vì không chỉ truyền dạy kiến thức mà còn cả tình yêu thương. Có những hôm thang máy mất điện, cô giáo đã ngay lập tức tìm cách, tìm người giúp đỡ đưa học viên khuyết tật phải ngồi xe lăn lên cầu thang đến lớp học đúng giờ".

Còn với các học viên, được động viên và truyền dạy kiến thức giúp các bạn thêm tự tin vào bản thân mình. Là một người khiếm thính, em Lưu Văn Hùng từng muốn bỏ cuộc vì thời gian đầu, việc học khó quá. "Nhưng không nghe được thì cô viết cho em hiểu, giúp đỡ em rất nhiệt tình", Hùng nói. Em cũng là một trong số các học viên được đánh giá có tinh thần vượt khó trong khóa học.

Người khuyết tật cần sự quan tâm của cả cộng đồng để hòa nhập - ảnh 2
Bắt đầu từ khóa học này, tổ chức Angel's Haven sẽ trao tặng máy tính cá nhân cho các học viên có hoàn cảnh khó khăn, chưa có điều kiện mua sắm máy tính để các bạn nâng cao tay nghề

Angels' Haven đã thực hiện một số dự án nhằm cải thiện quyền và lợi ích của người khuyết tật tại Việt Nam từ năm 2017. Để nâng cao chất lượng giáo dục học sinh khuyết tật, Angels' Haven đã tiến hành hỗ trợ 2 trường học của Việt Nam trong việc cải thiện môi trường giáo dục trong Dự án nâng cao năng lực giáo dục đặc biệt của Trung tâm Giáo dục đặc biệt Quốc gia Việt Nam, và lần này là Dự án thí điểm phục hồi chức năng thông qua dạy nghề cho thanh niên khuyết tật tại Hà Nội, Việt Nam.

Đánh giá về việc hướng nghiệp, dạy nghề và việc làm đối với người khuyết tật, bà Dương Thị Vân - Phó Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam cho rằng, còn nhiều rào cản. Đó là người khuyết tật có học vấn thấp, sống trong gia đình nghèo, không đáp ứng được nhu cầu tuyển sinh học nghề và việc làm, tay nghề không ổn định, không tiếp xúc xã hội, thiếu kỹ năng, thiếu thông tin về học nghề và tuyển dụng, khả năng tiếp cận thông tin và cơ hội về đào tạo hướng nghiệp, việc làm hạn chế…
 
Các nhà tuyển dụng chưa tin tưởng người khuyết tật, lo lắng việc người khuyết tật gây xáo trộn công việc, quy trình sản xuất, cơ sở vật chất chưa phù hợp, khó tiếp cận với người dùng xe lăn, gậy, nạng…  Vì vậy, rất cần tăng cường sự phối hợp giữa các doanh nghiệp, trung tâm, trường hướng nghiệp và đào tạo nghề với các tổ chức của người khuyết tật và các tổ chức xã hội; Tăng cường đào tạo, tập huấn hòa nhập kiến thức, kỹ năng làm việc với người khuyết tật… và văn hóa doanh nghiệp; Cải thiện cơ sở vật chất của doanh nghiệp, các đơn vị hướng nghiệp/đào tạo nghề theo hướng dễ dàng tiếp cận hơn đối với người khuyết tật…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hơn 30 tác phẩm đạt giải tại cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” năm 2024

Hơn 30 tác phẩm đạt giải tại cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” năm 2024

(PNTĐ) - Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (ActionAid Việt Nam), Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) vừa tổ chức Lễ tổng kết chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” năm 2024 tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền.