Người “ước mong thất nghiệp” để mọi người bình an

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hơn 17.000 vụ tai nạn được giúp đỡ, hơn 10.000 người được cứu hộ với chi phí 0 đồng là kết quả của Đội Hỗ trợ sơ cứu miễn phí FAS Angel do anh Phạm Quốc Việt thành lập. Cho đến nay, mỗi khi có cuộc gọi báo tai nạn giao thông, anh Phạm Quốc Việt cùng các thành viên FAS Angel lại nhanh chóng lên đường hỗ trợ.

Gian nan không chùn bước

Trong dòng hồi tưởng, anh Phạm Quốc Việt kể lại: “Tháng 11/2016, khi đi làm ở Tuyên Quang, trên đường về, tôi bị tai nạn. Hôm đó trời mưa lại đúng tầm tối muộn, không mấy người qua lại. Tôi nằm 15 phút mà người đi đường không ai dừng lại giúp đỡ”.

Khi ấy, trong sâu thẳm anh Việt như có một sự giằng xé về tâm lý, rằng tại sao mọi người lại thờ ơ, vô cảm đến vậy. Sau đó, anh chợt nghĩ, họ sợ hãi điều gì mà không đến giúp đỡ, sợ bị liên lụy hay do không biết giúp đỡ mình như thế nào.

Anh đã dùng hết sức lực cuối cùng để giơ tay ra hiệu sự giúp đỡ. Tia hy vọng cũng đã đến khi có người đến hỏi “Em phải làm gì để giúp được anh?”. Sau đó, anh được đưa vào viện trong tình trạng chấn thương sọ não kèm đa chấn thương khắp cơ thể.

Người “ước mong thất nghiệp” để mọi người bình an - ảnh 1
Anh Phạm Quốc Việt

Khi đã trải qua cảm giác của nạn nhân và thoát khỏi cửa tử, anh luôn trăn trở về việc làm sao để kiềm chế sự sợ hãi khi gặp tai nạn của cả chính nạn nhân cũng như những người giúp đỡ nạn nhân. Anh cho rằng: “Đối với mọi người, có lẽ việc cô đơn, mất mát tài sản hay đau ốm là đáng sợ. Nhưng điều thực sự đáng sợ nhất chính là việc bản thân bị bỏ rơi khi gặp nạn”.

Những thử thách vẫn tiếp tục bủa vây Phạm Quốc Việt. Sau tai nạn, khi sức khỏe anh chưa kịp hồi phục thì đến tháng 4/2017, gia đình anh lại gặp biến cố lớn, công việc bấp bênh khiến người đàn ông quê Nam Định cảm thấy mệt mỏi. Nhưng sau tất cả, anh luôn tự động viên bản thân rằng: “Tử thần mình còn qua được, hà cớ gì lại gục ngã trước sóng gió cuộc đời”.

“Tiên phong” trong mô hình sơ cứu ngoại viện

Anh quyết định lên Hà Nội lập nghiệp với số vốn ít ỏi vay từ bạn bè và bắt đầu cuộc sống mưu sinh mới bằng nghề xe ôm công nghệ. Với thu nhập không quá dư dả, anh chỉ có thể thuê một căn phòng trọ ở Tả Thanh Oai. Ngày qua ngày, anh vừa chạy xe, khi rảnh lại đi cứu người. Đặc biệt, khi gặp trường hợp nặng, anh sẽ ưu tiên việc cứu người.

Một thời gian sau, anh nhận thấy muốn làm nhiều việc cần có thêm nhiều tiền. Do có khiếu văn nghệ, anh Việt đã xin ông chủ phòng trà ở Thái Hà cho hát thử 2 bài, nếu khán giả thích thì có thể nhận anh vào làm việc. Biết bao tâm tư được anh gửi gắm vào 2 bản tình ca “tủ” nên anh đã có thêm công việc mới.

Từ đây, khi có thêm nguồn thu nhập ổn định, Phạm Quốc Việt lại tiếp tục ấp ủ mong muốn thành lập một đội sơ cứu ngoại viện. Đây là mô hình chưa hề xuất hiện tại Việt Nam. Không mưu cầu cá nhân, Phạm Quốc Việt luôn nỗ lực để bất cứ ai khi không may gặp nạn cũng đều được hỗ trợ. Với tôn chỉ: “Luôn nỗ lực giúp đỡ người khác bằng mọi cách có thể”, Phạm Quốc Việt đã thành lập “Đội hỗ trợ sơ cứu miễn phí FAS Angel”.

FAS Angel hoạt động dựa trên 5 tôn chỉ gồm: “Không bỏ rơi” - “Không thu phí” - “Không tranh cãi” - “Không phân biệt” và “Không kết án”. Được thành lập vào tháng 5/2019, FAS Angel viết tắt của cụm từ “First Aid Support” (hỗ trợ sơ cứu ban đầu), còn “Angel” theo Phạm Quốc Việt, là một biểu tượng giống như thiên thần hộ mệnh của những nạn nhân không may gặp nạn.

Chia sẻ thêm về hình ảnh biểu tượng này, anh Việt bộc bạch: “Đối với những người trong tình trạng nguy kịch hay có cơ hội được chữa lành, thì hình ảnh thiên thần có thể sẽ là nguồn động lực rất lớn đối với họ. Còn đối với những người không may tử nạn tại hiện trường mà có lực lượng FAS bên cạnh thì họ cũng sẽ không cảm thấy cô đơn khi ra đi”.

Người “ước mong thất nghiệp” để mọi người bình an - ảnh 2
Đội FAS Angel trong một ca sơ cứu

Dưới sự phân công của anh Việt, các thành viên FAS Angel sẽ được chia theo nhóm có mặt tại các điểm trực như: Ngã Tư Trần Vỹ, Ngã Tư Sở, cầu Vĩnh Tuy, Hà Đông và những điểm phụ khác là những tuyến đường, nút giao có mật độ giao thông lớn, dễ xảy ra tai nạn.

Công việc hỗ trợ thường bắt đầu từ 21h30 tối hôm trước đến hơn 1h sáng hôm sau. Dưới màn đêm tĩnh mịch, khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ thì các thành viên FAS Angel lại lên đường làm nhiệm vụ. Bên cạnh đó, vào bất cứ thời điểm nào, hễ có ca tai nạn, thậm chí là dành cả đêm trắng, anh Phạm Quốc Việt cùng cộng sự đều sẵn sàng ứng cứu.

Khi nhận được tin báo tai nạn, toàn đội liên hệ qua nhóm chat chung và tiến hành điều phối thành viên gần hiện trường nhất đến ứng cứu nạn nhân. Đồng thời, nhóm chuyên trách sẽ cung cấp hình ảnh, thông tin cho lực lượng chức năng và người nhà nạn nhân để nắm bắt được tình hình. 

Khi mới thành lập, FAS Angel chỉ có vỏn vẹn 5 thành viên, với thông điệp “Chúng tôi không bỏ đi khi bạn gặp nạn, thì khi tôi gặp nạn cũng sẽ có người giúp”. Cho đến thời điểm hiện tại, đội đã có 130 thành viên.

Người “ước mong thất nghiệp” để mọi người bình an - ảnh 3
Phạm Quốc Việt cùng các thành viên FAS Angel thường xuyên tổ chức các buổi hướng dẫn sơ cứu cho người dân

Để có thể đứng vào hàng ngũ của các “thiên thần” đường phố, các thành viên của đội đều phải trải qua một khoá huấn luyện đặc biệt cũng như phải rèn luyện tâm lý một cách thực sự nghiêm túc để có thể giúp đỡ được những người bị nạn trên đường. Tới nay, hình ảnh của đội đã dần trở nên quen thuộc với nhiều người tham gia giao thông Thủ đô.

Được ghi nhận và đánh giá cao là vậy, nhưng FAS Angel cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Xuất thân là một tổ chức tự lập nên đội gặp nghẽn trong vấn đề kinh phí hoạt động, cần sự tương trợ thường xuyên.

Thêm vào đó là cả những áp lực ngoài hiện trường, làm sao để thuyết phục người dân, thuyết phục người bị nạn tin tưởng vào khả năng sơ cứu của Đội trước những nghi hoặc của người xung quanh như “có sơ cứu được không?”, “sao không băng bó ở chỗ này?”, “sao không cầm máu ở kia?”.

Cùng với đó là hàng loạt vấn đề như làm sao để không bị người nhà nạn nhân đánh oan, lầm tưởng rằng mình là người gây ra tai nạn, hay xử lý những trường hợp không liên lạc được với người thân…

“Đừng gọi tôi là anh hùng”

Gần 4 năm tích cực tham gia cứu hộ, tưởng chừng như Phạm Quốc Việt đã dạn dĩ với cảnh thương vong khi nắm tay khoảng 290 nạn nhân trước lúc họ ra đi vì bị thương quá nặng, vậy mà có vụ việc khiến anh không cầm nổi nước mắt và ám ảnh mãi, như vụ cháy chung cư mini xảy ra tại quận Thanh Xuân.

Người “ước mong thất nghiệp” để mọi người bình an - ảnh 4
Phạm Quốc Việt tại tầng thượng của toà chung cư mini trong vụ cháy ở quận Thanh Xuân

Trong hồi ức của mình, anh nhớ lúc đó là khoảng 0h, 21 thành viên FAS Angel có mặt tại hiện trường vụ cháy. Lúc này lửa vẫn đang cháy rất mạnh. Anh đã chia đội ra 3 mũi chính:

Mũi 1 vòng ra phía sau, đề phòng những người nhảy từ trên tầng xuống và thực hiện sơ cứu, đưa nạn nhân vào bệnh viện. Mũi 2 đi vận động người dân hỗ trợ nước uống cho lực lượng Cảnh sát PCCC, chuẩn bị các chăn mền thấm nước để các anh khoác lên người vào tìm kiếm nạn nhân và chăn mền đó cũng sẽ hỗ trợ trong việc gói các thi thể đưa xuống.

Mũi 3 do anh Việt chỉ huy, nhằm khi ngọn lửa được khống chế sẽ hỗ trợ cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) lên các tầng tìm kiếm những trường hợp còn sống sót trong các căn hộ.

Anh kể: “Đến hiện trường, với những người có thể cứu được tôi thường nói: ‘Anh/chị không sao cả, tôi sẽ giúp mọi người’. Khi hướng dẫn họ, tôi luôn nói: ‘Hãy đi đi, dưới đó có người đón bạn, dưới đó là sự sống’. Đám cháy mới đây cũng thế, nhưng câu nói phải lặp lại nhiều nhất là: ‘Hãy bỏ tay nhau ra đi, tôi sẽ đưa từng người xuống’”. Thủ lĩnh FAS Angel nhận thấy, việc tách 2 bàn tay của các nạn nhân đang nắm chặt nhau dường như rất khó khăn, bởi đối mặt giữa ranh giới sống - chết mong manh, họ chỉ muốn được chết trong vòng tay người mình thương. Đã có những nạn nhân ôm chầm lấy anh và thành viên FAS Angel, bày tỏ sự xúc động khi họ được đội cứu ngay trước lưỡi hái tử thần. Ánh mắt hạnh phúc và tràn đầy niềm tin vào cuộc sống của những người được đội giúp đỡ chính là điều mà Phạm Quốc Việt không bao giờ quên.

Trong sự việc thương tâm này, FAS Angel đã hỗ trợ rất kịp thời và hiệu quả cho lực lượng chức năng cũng như người dân bị nạn. Vì vậy, anh Việt quyết định thành lập nhóm tình nguyện viên nòng cốt, hỗ trợ chuyên nghiệp cho những sự vụ tương tự.

Sau mỗi đêm không có cuộc gọi hay tin nhắn báo tai nạn, anh Việt lại vui mừng hơn bao giờ hết. “Mình cũng như anh chị em trong Đội FAS Angel chỉ mong sao được “thất nghiệp” để không còn ai bị nạn nữa. Nếu ai cũng có ý thức tham gia giao thông an toàn hoặc tích cực trợ giúp người bị nạn thì sứ mệnh của chúng tôi sẽ kết thúc”, anh Việt nói trong ánh mắt đầy hy vọng.

Phạm Quốc Việt (36 tuổi, ở xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định). Với những thành tích đã đóng góp cho xã hội, anh Việt được nhận bằng khen về danh hiệu “Người tốt việc tốt” của Chủ tịch UBND TP Hà Nội năm 2020; “Nhân vật truyền cảm hứng trong năm 2021”. Gần đây, anh được vinh danh là gương mặt tiêu biểu tháng 11/2022 của chương trình “LG Hero Awards - Đồng lòng tỏa sáng, rạng ngời Việt Nam”; Giải thưởng hành động vì cộng đồng 2022 và gần đây nhất là giải thưởng “Tình nguyện quốc gia năm 2023”.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Học sinh mở hội chợ tái chế để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường

Học sinh mở hội chợ tái chế để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường

(PNTĐ) - Striped Project là dự án về môi trường và cộng đồng được thành lập vào tháng 6 năm 2015 bởi nhóm học sinh THPT trên địa bàn Hà Nội, với mục đích để khắc phục một phần tình trạng sử dụng giấy lãng phí. Năm nay, sự kiện “GIỜ PHE 2024: FROSTIE FESTA” được tổ chức vào ngày 24/11 tại trường THCS Đống Đa thu hút nhiều học sinh và người dân tham gia.
Nỗ lực cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số

Nỗ lực cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số

(PNTĐ) - Ngày 22 tháng 11 năm 2024 - Tổ chức Save the Children International – Văn phòng đại diện tại Việt Nam (Tổ chức Cứu trợ Trẻ em) phối hợp với Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Vụ SKBMTE), Bộ Y tế và Sở Y tế hai tỉnh Sơn La, Đắk Lắk tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án “Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số”.